Sáng ngày 14/5/2016, Lễ kết nghĩa giữa Đại học Duy Tân với Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn TP. Đà Nẵng, Hội Nhà văn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được tổ chức tại Phòng 601, cơ sở số 3 Quang Trung.Tham dự buổi lễ, về phía đại diện các Hội nhà văn có: Nhà văn Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm - Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Đà Nẵng, Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Hội Nhà văn tỉnh Thừa Thiên Huế; về phía Đại học Duy Tân có: Anh hùng Lao động Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng nhà trường cùng các đại diện Ban Giám hiệu, đại diện lãnh đạo các phòng ban và đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên Duy Tân.
Lễ kết nghĩa giữa Đại học Duy Tân với các Hội Nhà văn
“Đào tạo chất lượng cao gắn liền với nghiên cứu thực nghiệm trên nền nhân văn hiện đại” là triết lý giáo dục mà Đại học Duy Tân đã gắn bó và duy trì trong gần 22 năm xây dựng và phát triển. Ngay từ những ngày đầu thành lập cho đến nay, nhà trường đã không ngừng chăm chút cho mảng xã hội và nhân văn nhằm đem lại sự phát triển toàn diện cho các bạn sinh viên, không chỉ là tri thức mà còngóp phần hình thành những tâm hồn đẹp, bản lĩnh sống đẹp.Coi trọng mối quan hệ giữa nhà trường với các Hội nhà văn cũng như các tạp chí văn chương trong nước thể hiện sự nỗ lực của Đại học Duy Tân trong việc “truyền lửa” tình yêu văn học, giúp sinh viên chạm đến thế giới của cái đẹp - cái thiện nhanh nhất giữa những biến động của đời sống xã hội.
Các nhà văn của Hội nhà văn TP. Hồ Chí Minh giao lưu với giảng viên và sinh viên Duy Tân
Phát biểu tại buổi Lễ ký kết, Anh hùng Lao động Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Đại học Duy Tân đã chia sẻ: “Trải qua 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, hình ảnh của một dân tộc kiên cường, anh dũng quyết hi sinh tất cả để bảo vệ từng tấc đất của quê hương thể hiện qua nhiều tác phẩm văn học của các văn nghệ sỹ. Văn học trong thời kỳ đổi mới không chỉ phát huy những giá trị truyền thống, hồi ức đẹp của dân tộc, bám sát thực tiễn của đất nước mà còn tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, ý thức trách nhiệm với cộng đồngvà định hướng cho hoạt động văn hoá - tinh thần của nhân dân. Hợp tác với các Hội Nhà Văn, tôi hi vọng‘Tủ sách Duy Tân’ sẽ có thêm những tác phẩm mới về phong trào đấu tranh của trí thức, văn nghệ sỹ, học sinh - sinh viên trong lòng đô thị miền Nam từ 1954 đến 1975, về chân dung của những người đã có ‘một thời sống đẹp’!”.
Sau các cuộc trao đổi giữa Đại học Duy Tân và các Hội nhà văn, hai bên đã thống nhất ký kết phối hợp hoạt động trên một số lĩnh vực chính. Đối với các Hội nhà văn: Định kỳ hàng tháng tổ chức sinh hoạt học thuật dành cho sinh viên Duy Tân (cử các nhà văn, nhà nghiên cứu đến giao lưu, nói chuyện về sách, giới thiệu tác phẩm mới…); góp phần xây dựng “Tủ sách Duy Tân”, hỗ trợ giới thiệu những bài viết và tác phẩm chất lượng cao của sinh viên, giảng viên Duy Tân. Về phía Đại học Duy Tân: Phối hợp chặt chẽ với các Hội nhà văn để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động chung; giúp tạp chí Non nước và Tạp chí Sông Hương giới thiệu, quảng bá và phát hành trong trường.
Những nghi thức Ký kết hợp tác của đại diện Đại học Duy Tân và đại diện Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn TP. Đà Nẵng, Hội Nhà văn tỉnh Thừa Thiên Huế cùng những điều khoản cụ thể diễn ra thể hiện quyết tâm hành động, triển khai bằng những biện pháp tích cực nhằm đưa những tác phẩm văn học mang giá trị nhân văn cao, có tính định hướng cho lớp trẻ của Đại học Duy Tân.
Vào buổi chiều cùng ngày, Chương trình Giao lưu giữa các nhà văn của Hội nhà văn TP. Hồ Chí Minh với giảng viên và sinh viên Duy Tân đã diễn ra tại hội trường 713, cơ sở số 3 Quang Trung, TP. Đà Nẵng. Sự góp mặt của các vị khách mời: Nhà văn Trần Văn Tuấn - Chủ Tịch Hội nhà vănTP. Hồ Chí Minh, Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu vàNhà thơ Phan Hoàng cùng những câu chuyện đời, chuyện nghề chân thực lôi cuốn sự chú ý của đông đảo sinh viên. Ngoài những câu chuyện văn chương, nhiều vấn đề thời sự của xã hội hay những định hướng nghề nghiệp cho các sinh viên Văn - Báo chí cũng được các nhà văn, nhà thơ gửi gắm chân thành. Các vị khách mời cho rằng, để trở thành một nhà báo giỏi, ngoài kỹ năng phỏng vấn, phát hiện đề tài hay, tạo dựng nguồn tin, các bạn sinh viên theo nghề cần đọc nhiều sách, tích lũy vốn sống phong phú, vốn kiến thức sâu rộng.
Lễ kết nghĩa giữa Đại học Duy Tân với các Hội Nhà văn là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong việc tạo cầu nối giữa nhà trường với các văn nghệ sĩ, tạp chí văn học đồng thời khơi dậy tinh thần sống nhân văn, thôi thúc các bạn trẻ rèn luyện và học tập, tiếp nối truyền thống anh hùng của dân tộc.
(Truyền Thông)