Sau 2 tuần trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống của tỉnh Quảng Nam trong chương trình Learning Express, giảng viên và sinh viên 2 trường Singapore Polytechnic và Đại học Duy Tân đã tổ chức trưng bày các ý tưởng tại Thư viện Đại học Duy Tân, K7/25 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng vào chiều ngày 16/4/2015. Đây là thành quả đạt được của giảng viên và sinh viên hai trường sau những ngày miệt mài tìm hiểu và nghiên cứu với mong muốn giúp người dân khắc phục hạn chế, đẩy mạnh sản xuất, bảo vệ sức khỏe cũng như môi trường sống.
Sinh viên Duy Tân và Singapore Polytechnic
trình bày về một ý tưởng Learning Express tại Triển lãm
Đến với làng Chổi Quế Xuân (huyện Quế Sơn) và làng Dệt Châu Hiệp (huyện Duy Xuyên), giảng viên và sinh viên hai trường Singapore Polytechnic và Đại học Duy Tân đã tìm hiểu về quy trình tạo ra sản phẩm, những khó khăn trong sản xuất, vấn đề an toàn lao động, điều kiện làm việc ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và đến môi trường sống,… Thấu hiểu được những mong muốn của người dân làng nghề cùng tinh thần sáng tạo và trí tuệ của tuổi trẻ, sinh viên hai trường đã đưa ra nhiều ý tưởng, giải pháp thiết thực, hữu ích giúp người dân cải thiện sản xuất và cuộc sống.
Nhiều ý tưởng về thiết bị, dụng cụ thông minh hỗ trợ sản xuất đã được giới thiệu tại Triển lãm. Điển hình như Bàn chuyên dụng để làm chổi được thiết kế có cân để điều chỉnh khối lượng của từng loại chổi, hộp đựng vật dụng may chổi, lưới sàng lọc bụi, thùng chứa rác thải và ghế tựa giúp người dân tiết kiệm thời gian di chuyển trong các khâu tạo ra sản phẩm, tập trung được rác. Mô hình nhà Plastic để phơi cây đót làm chổi với chi phí thấp, dễ xây dựng, tránh được các loại côn trùng phá hoại, hấp thụ được nhiệt từ ánh sáng mặt trời hoặc đèn điện làm khô cây đót trong mọi thời tiết, cả ngày lẫn đêm,… Nhằm giúp người dân làm Dệt tiết kiệm được nhân lực và sức lực trong việc di chuyển những trục vải cồng kềnh và nặng, sinh viên hai trường đã thiết kế cho người dân chiếc xe đẩy chắc chắn, an toàn và tiện lợi,… Bên cạnh đó, sinh viên hai trường cũng đưa ra nhiều hình thức kinh doanh, marketing cho sản phẩm như quảng cáo trên mạng xã hội, quay clip về làng nghề, in ấn poster,…
Sinh viên hai trường chụp hình lưu niệm tại Triển lãm
Qua 2 tuần trải nghiệm tại các làng nghề và làm việc cùng sinh viên Duy Tân, sinh viên Wong Kok Ian - Chuyên ngành Kỹ thuật Hàng không, Singapore Polytechnic chia sẻ: “Khoảng thời gian trải nghiệm thực tế ở các vùng nông thôn Việt Nam và làm việc với các bạn sinh viên Duy Tân là khoảng thời gian đầy thú vị và ý nghĩa đối với tôi. Tôi đã học được rất nhiều về cách thức thực hiện một dự án, từ bước đầu tiên là thu thập dữ liệu đến bước cuối cùng là trình bày ý tưởng hay sản phẩm của mình. Đây cũng là lần đầu tiên tôi làm việc nhóm với các bạn sinh viên nước ngoài nên hơi rụt rè, bỡ ngỡ nhưng chính sự cởi mở, thân thiện và nhiệt tình các bạn sinh viên Duy Tân đã giúp tôi trở nên tự tin hơn và hoàn thành tốt công việc của mình. Bên cạnh đó, những chuyến dã ngoại, tham quan các danh lam thắng cảnh của Tp. Đà Nẵng đã mang đến cho tôi thêm nhiều kỷ niệm đáng nhớ với các bạn sinh viên Duy Tân.”
Đồng hành cùng giảng viên và sinh viên hai trường trong suốt quá trình thực hiện dự án, Giảng viên Soh Kim Five - Trưởng đoàn Singapore Polytechnic cho biết: “Tham gia các hoạt động thường nhật cùng người dân địa phương và tìm hiểu nhu cầu của họ sẽ giúp cho sinh viên hai trường đưa ra được những ý tưởng hoặc thiết kế mô hình phù hợp với nhu cầu thực tế. Việc áp dụng hiệu quả những kiến thức đã học cùng phương pháp Design Thinking đã được tập huấn trước trong chương trình Learning Express cũng giúp các em giải quyết được một số vấn ở các làng nghề. Learning Express thực sự là một chương trình ý nghĩa đối với sinh viên khi tạo cho các em có nhiều cơ hội để học hỏi, chia sẻ kiến thức, kỹ năng cũng như giao lưu văn hoá giữa các quốc gia. Qua những chương trình như Learning Express, các em không chỉ mở rộng tri thức, nâng cao hiểu biết mà còn có thể kết nối và hợp tác làm việc cùng nhau vì một Đông Nam Á thịnh vượng trong tương lai”.
(Truyền Thông)