Đột phá trong nghiên cứu Vi điện tử và Thiết kế Vi mạch đã giúp nhiều quốc gia công nghiệp phát triển vươn lên chiếm lĩnh thị trường thế giới với những đóng góp thiết thực qua các sản phẩm hữu ích hiện nay như: điện thoại di động, laptop, xe hơi tự động hóa, tivi thế hệ mới,… Phục vụ mục tiêu đẩy mạnh phát triển IT và phát hiện tài năng trẻ từ các đại học ở khắp châu lục, Synopsys - Công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực Thiết kế Vi mạch của Hoa Kỳ đã khởi xướng Cuộc thi Olympic Vi điện tử Quốc tế từ năm 2006. Với điểm số cao nhất trong Vòng loại Quốc gia Việt Nam, Nguyễn Lê Hoài Hương, một Nghiên cứu sinh tại Đại học Duy Tân đã chính thức trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự Vòng Chung kết Cuộc thi Olympic Vi điện tử Quốc tế lần thứ 9 tổ chức tại Armenia vào tháng 10 tới đây.
ThS. Trần Lê Thăng Đồng - Quyền Giám đốc Trung tâm CEE
trao chứng nhận cho Nguyễn Lê Hoài Hương
Cuộc thi Olympic Vi điện tử Quốc tế hàng năm thu hút đông đảo các nghiên cứu sinh và sinh viên khắp thế giới tham dự. Gần đây nhất, trong năm 2013, có 613 thí sinh đến từ 22 quốc gia gồm: Hoa Kỳ, Argentina, Armenia, Belarus, Brazil, Chile, China, Egypt, Georgia, Germany, India, Israel, Jordan, Malaysia, Philippines, Russia, Saudi Arabia, Serbia, Turkey, UAE, Ukraine và Việt Nam đã tham gia tranh tài. Cuộc thi diễn ra qua 2 vòng. Vòng 1 được tổ chức tại các quốc gia có sinh viên đăng ký dự thi. Thí sinh có số điểm cao nhất sẽ được Ban Tổ chức tại Armenia trao chứng nhận “Best Result of the Country” và tài trợ toàn bộ kinh phí để đến tranh tài ở vòng 2 (hay Chung kết) cùng các thí sinh đến từ khắp thế giới.
Tại Việt Nam, tham dự giải năm nay gồm có 3 trường đại học với nhiều thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển Điện tử-Viễn thông là Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia Tp. HCM, Đại học RMIT Việt Nam và Đại học Duy Tân (Tp. Đà Nẵng). 6 thí sinh đến từ Đại học Duy Tân đã có những ngày tranh tài hồi hộp với 36 thí sinh đến từ Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh và 3 thí sinh của RMIT Việt Nam tại Vòng loại Quốc gia. Các cụm thi được tổ chức tại từng trường có thí sinh dự thi với sự hỗ trợ trực tiếp của Ban tổ chức. Bài thi được cấu trúc với 30 câu hỏi bằng tiếng Anh bao quát 4 nội dung lớn gồm (1) Thiết kế và Kiểm tra IC số, (2) Thiết kế và Kiểm tra IC tương tự và tín hiệu hỗn hợp, (3) Công nghệ và các Thiết bị Bán dẫn, (4) Toán học và các Thuật toán cho các Công cụ Thiết kế Mạch Tự động (EDA) đã giúp “định vị” những thí sinh vững kiến thức kỹ thuật nền và có kỹ năng xử lý thông tin toàn diện nhất. Nghiên cứu sinh Nguyễn Lê Hoài Hương - Đại học Duy Tân đã xuất sắc giành điểm số cao nhất là 29/30. Trong khi đó, thí sinh có số điểm cao nhất của Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh là 12/30 và của Đại học RMIT Việt Nam là 18/30. Một thí sinh khác của Đại học Duy Tân cũng đạt điểm số khá cao là sinh viên (Đại học) Lương Hà Quế Yên với số điểm 23/30.
Nhóm sinh viên Duy Tân tham dự cuộc thi
Là thí sinh duy nhất của Việt Nam được lựa chọn tham dự Chung kết Olympic Vi Điện tử Quốc tế 2014, Nghiên cứu sinh Nguyễn Lê Hoài Hương - Đại học Duy Tân chia sẻ: “Thực sự vui mừng bởi những nỗ lực và đam mê trong nhiều năm qua đã giúp Hương gặt hái được những thành công đầu tiên tại một cuộc thi mang tầm quốc tế. Trước khi tham gia cuộc thi này, các thí sinh của Đại học Duy Tân đã được học tập với các giảng viên có chuyên môn cao, các tiến sĩ tốt nghiệp từ nước ngoài về, đồng thời luôn được tiếp cận với hệ thống thiết bị thực hành đồng bộ và hiện đại của Trung tâm Điện - Điện tử (CEE) như các kits thực hành FPGA để kiểm chứng độ chính xác của các kết quả nghiên cứu với lý thuyết khi cần. Quá trình ôn luyện và tham gia cuộc thi đã giúp Hương trau đồi thêm kiến thức, tự tin nghiên cứu các đề tài khác thuộc lĩnh vực vi mạch số đang theo đuổi. Hương sẽ nỗ lực và quyết tâm hơn nữa để mang về cho Đại học Duy Tân, cho Việt Nam giải thưởng cao hơn ở Vòng Chung kết Cuộc thi Olympic Vi điện tử Quốc tế năm nay tại Armenia.”
Cuộc thi Olympic Vi điện tử Quốc tế 2014 không chỉ giúp sinh viên giao lưu, học tập và chia sẻ kinh nghiệm, đây còn là sân chơi bổ ích, tạo điều kiện phát hiện các tài năng trong lĩnh vực Thiết kế Vi Điện tử và Vi mạch của từng quốc gia. Đồng hành cùng các sinh viên Duy Tân trong suốt quá trình ôn luyện trước khi dự thi, TS. Đặng Việt Hùng - Viện Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ Cao, Đại học Duy Tân cho biết: “Olympic Vi điện tử Quốc tế là một cuộc thi thú vị đòi hỏi các thí sinh tham gia phải có kiến thức nền vững chắc, hiểu biết sâu sắc bản chất các phần tử mạch cơ bản, thuần thục các kỹ năng lập trình, tư duy logic, xử lý nhanh các bài toán kỹ thuật đồng thời phải có trang bị vốn ngoại ngữ về kỹ thuật nói chung và về chuyên ngành điện tử, vi điện tử nói riêng. Sinh viên Duy Tân tham dự cuộc thi lần này có tư duy tốt, kiến thức vững cùng sự tự tin, bản lĩnh của thế hệ sinh viên toàn cầu. Các em khá mạnh ở các mảng kiến thức như Vi mạch số, Vi mạch Tương tự, Linh kiện Điện tử và Bán dẫn, Công nghệ Bán dẫn, Toàn Rời rạc và Lý thuyết Tổ hợp,… Trong thời đại Công nghệ Số, nguồn nhân lực phục vụ cho các ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam và các kiến thức liên quan đến quy trình đầy sản xuất hoàn chỉnh vẫn còn khá hạn chế, do đó, việc đẩy mạnh đào tạo từ các trường đại học cũng như tổ chức các cuộc thi lớn mang tầm quốc tế trong lĩnh vực này là thực sự cần thiết để xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp cho sinh viên cũng như đẩy mạnh phát triển ICT toàn cầu.”
Sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực Thiết kế Vi mạch giúp tạo ra các sản phẩm điện tử ngày càng nhỏ gọn, tiêu thụ ít điện năng nhưng với tốc độ xử lý nhanh hơn, góp phần giúp người dân được sống trong một thế giới ngày càng hiện đại với nhiều tiện tích. Với nhiều nỗ lực cùng những thành quả đáng ghi nhận về đào tạo và nghiên cứu trong mảng Điện tử - Viễn thông, Đại học Duy Tân sẽ tiếp tục đồng hành để cung cấp cho xã hội các tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Điện tử - Viễn thông.
(Truyền Thông)