English

Đại học

Sinh viên Duy Tân tự tin bước vào Chung kết VMAC 2013

Chinh phục Ban Giám khảo bởi ý tưởng mới lạ, độc đáo, thiết thực, sản phẩm HEPTM (Handle Electronic Parking Ticket Machine) - Thiết bị điện tử cấp phiếu giữ xe cầm tay của nhóm CEE - R&P (Đại học Duy Tân) đã vượt qua 58 đề tài của nhiều đối thủ mạnh đến từ các doanh nghiệp, các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước để trở thành 1 trong 14 đội xuất sắc bước vào vòng Chung kết VMAC 2013 diễn ra từ ngày 26/2/2014 đến tháng 7/2014.
 
 
Lễ khai mạc Vòng Chung kết VMAC 2013
 
Tham dự VMAC 2013, sản phẩm HEPTM của nhóm sinh viên Đại học Duy Tân được đánh giá là một trong những ý tưởng độc đáo và có tính ứng dụng thực tiễn cao. HEPTM là một thiết bị mang tính cơ động, nhỏ gọn cho phép người giữ xe có thể sử dụng trong mọi điều kiện không gian, không cần kết nối mạng để đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng ở những bãi giữ xe ngoài trời,... Khi đến giữ xe, khách hàng sẽ được cấp một thẻ NFC Tag được kết nối với thiết bị HEPTM. NFC Tag là một loại thẻ an toàn, bảo mật, tiện lợi và giúp giảm thiểu rác thải từ vé giữ xe, thể hiện sự văn minh trong sinh hoạt đô thị.
 
Vòng Chung kết VMAC 2013 sẽ diễn ra từ 26/02/2014 đến tháng 07/2014. Hiện tại, nhóm CEE - R&P (Đại học Duy Tân) đã hoàn tất việc tập huấn viết thuyết minh miêu tả cho ý tưởng của mình cũng như được hướng dẫn, tư vấn các vấn đề kỹ thuật từ phía Ban Tổ chức để tự tin tranh tài cùng với các đội bạn. Với tinh thần quyết tâm và nỗ lực hết mình, hy vọng sinh viên Duy Tân sẽ làm nên kỳ tích tại vòng Chung kết Cuộc thi.
 
Chính thức phát động từ ngày 9/1/2013, Cuộc thi Ứng dụng Vi điều khiển Việt Nam lần thứ nhất (VMAC) được phối hợp tổ chức bởi Sở Khoa học Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh, ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển Công nghiệp Vi mạch Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế Vi mạch (ICDREC) - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo sinh viên và những người yêu thích công nghệ trên cả nước. Cuộc thi nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp của các cá nhân và tổ chức trong cả nước về hướng ứng dụng và tính năng của chip SG-8V1 - chip thương mại đầu tiên của người Việt, tiến đến hoàn thiện dần và phát triển các phiên bản tiếp theo. Những sản phẩm mang tính ứng dụng thực tiễn cao khi tham dự cuộc thi sẽ có cơ hội để hoàn thiện hơn nữa và sản xuất đưa vào sử dụng phổ biến trong cuộc sống.
 
(Truyền Thông)