Là thành phố trẻ giữa đất biển miền Trung nhưng sự năng động và nhạy bén trong việc khơi dậy tiềm năng du lịch đã giúp Đà Nẵng sớm trở thành điểm sáng du lịch. Năm 2012, Tổng Cục Du lịch bình chọn Đà Nẵng là 1 trong 3 địa phương có bứt phá về phát triển du lịch và mới đây nhất, trang Smart Travel Asia bình chọn Đà Nẵng là 1 trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á. Thương hiệu đã được xã hội ghi nhận nhưng để Đà Nẵng trở thành điểm đến hoàn hảo trong mắt bạn bè quốc tế rất cần có những bứt phá trong sáng kiến, ý tưởng độc đáo cũng như một trái tim tâm huyết để cũng xúc tiến, bảo vệ và khai thác bền vững tiềm năng du lịch Đà Nẵng. Câu trả lời đã được gợi mở trong Hội thảo “Phát triển Thương hiệu Du lịch Đà Nẵng” do Đại học Duy Tân phối hợp Trung tâm Xúc tiến Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng), Chuyên gia tổ chức PUM-Hà Lan (PUM Senior Experts) tổ chức sáng 25/9/2013 tại Hội trường 713-K7/25 Quang Trung-Đại học Duy Tân.
Chuyên gia Guillaume Van Grinsven trình bày tại Hội thảo
Vì một môi trường du lịch Đà Nẵng hoàn hảo
Khi đã có thương hiệu, được du khách khắp thế giới tìm đến thưởng ngoạn, Đà Nẵng đã khẳng định những bước đi trong việc khai thác tiềm năng du lịch của thành phố biển là hoàn toàn đúng đắn. Những Bà Nà, Sơn Trà, Non Nước… trở thành địa chỉ không thể thiếu trong hành trình khám phá Việt Nam, châu Á trong nhiều năm trở lại đây. Ngay tại buổi hội thảo, ông Trần Chí Cường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Du lịch Đà Nẵng đã ghi nhận những bước đi giúp Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước: “Đà Nẵng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam được xác định là một trong những trung tâm du lịch của cả nước, mang tầm cỡ quốc tế. Thương hiệu du lịch của Đà Nẵng vượt qua mảnh đất Việt đến khắp thế giới và được ghi nhận với thứ hạng cao trong các cuộc bình chọn. Đây là niềm vui, vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm đối với ngành du lịch trong thời gian tới. Bởi vậy, hội thảo tổ chức hôm nay sẽ tiếp tục xúc tiến các mối liên kết để phát triển du lịch, tập hợp những ý tưởng độc đáo và khả thi của tất cả các thành viên trong cộng đồng doanh nghiệp nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu thống nhất cho Du lịch Đà Nẵng.”
Đông đảo các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tham dự Hội thảo
Sự đột phá trong phát triển du lịch đã giúp thành phố “thay da đổi thịt”, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên, Đà Nẵng tự hào khi trở thành thành phố biển có tiếng vang lớn về du lịch. Tuy nhiên, đi đôi với sự phát triển vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức mà nếu khắc phục được du lịch Đà Nẵng sẽ bước sang một trang mới. Rất nhiều những chủ đề mà Đại học Duy Tân đặt ra trong hội thảo trở thành những câu hỏi thiết thực của ngành du lịch. Chuyên đề A với “Thực trạng của Du lịch Đà Nẵng” và “Những sản phẩm du lịch chính hiện nay của Đà Nẵng” đưa người nghe trở về với thực tại, nhận định một cách chính xác tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch. Chuyên đề B với “Những tiềm năng phát triển của du lịch Đà Nẵng”, “Tương lai của ngành du lịch: mục tiêu và định hướng”, “Những thiếu sót thực tại trong việc xây dựng một môi trường du lịch hoàn hảo” giúp những thành viên trong ngành du lịch nhìn nhận lại những thuận lợi, khó khăn hiện tại và tương lai của du lịch. Và chuyên đề C với “Làm sao để đạt được một môi trường du lịch hoàn thiện hơn cho Đà Nẵng”, “Những điều cần thực hiện để đạt được mục tiêu, ai sẽ trực tiếp thực hiện những đề án nhỏ”, “Những điều kiện, thủ tục nào là cần thiết để thực hiện những dự án nhỏ trong tổng thể dự án xây dựng thương hiệu du lịch lớn” bắt mỗi người phải nhập cuộc, cùng hành động để du lịch được phát triển một cách có kế hoạch chứ không đơn giản khai thác du lịch một cách thụ động với tiềm năng sẵn có.
Góp sức phát triển du lịch Đà Nẵng của những trái tim tâm huyết
Hội thảo “Phát triển Thương hiệu Du lịch Đà Nẵng” không chỉ có sự quan tâm của lãnh đạo, doanh nghiệp, cơ quan giáo dục của Việt Nam mà các tình nguyện viên đến từ tổ chức phi lợi nhuận của Chính phủ và Chuyên gia tổ chức PUM-Hà Lan cũng tìm đến góp sức. Hơn 45 năm làm việc trong ngành du lịch, giải trí và khách sạn cùng kinh nghiệm thực hiện rất nhiều dự án Marketing và xây dựng thương hiệu cho nhiều thành phố trên thế giới, chuyên gia Guillaume Van Grinsven đã đưa ra những lời khuyên thiết thực để phát triển du lịch Đà Nẵng:“Thành phố Đà Nẵng có một bờ biển tuyệt vời, một đời sống địa phương sôi động, một thiên đường ẩm thực đầy màu sắc, những con người thân thiện, bạn có thể trải nghiệm cuộc sống Việt Nam hàng ngày ở trung tâm của thành phố và những khu chợ, bạn có thể ghé thăm nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn… Những thú vị từ Đà Nẵng kích thích những người làm du lịch xây dựng một đề án đặc biệt để góp sức phát triển du lịch thành phố. Đề án không chỉ khai thác tối đa các thị trường tiềm năng cho sản phẩm du lịch sẵn có mà còn vạch một hướng đi mới để phát triển thị trường, nâng cấp các sản phẩm mới, hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các vùng lân cận. Ngoài ra, sự phối hợp để cải thiện chất lượng của các hoạt động xúc tiến du lịch, giáo dục, định vị thị trường, tuyển dụng và quản lý nhân lực trong lĩnh vực du lịch, giải trí và khách sạn là thực sự cần thiết.”
Chuyên gia Guillaume Van Grinsven cũng khẳng định những ý tưởng của mọi công dân trong cộng đồng và đặc biệt là những giảng viên, sinh viên sẽ giúp ích rất nhiều cho phát triển du lịch bởi đó là những người trẻ, yêu và gắn bó với ngành du lịch, có những sáng tạo độc đáo giúp du lịch phát triển tốt và có bản sắc hơn.
Đã từng làm việc trong ngành du lịch và gắn bó gần 20 năm để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Hiệu trưởng Đại học Duy Tân đặt ra câu hỏi khiến mọi người đều phải suy ngẫm. "Vì sao du khách vẫn chỉ lướt qua Đà Nẵng rồi đến các nơi khác dài ngày hơn?”. Đà Nẵng được xem là điểm trung chuyển quan trọng trên con đường di sản miền Trung khi nằm cận kề các di sản văn hóa thế giới và di sản thiên nhiên thế giới. Đây là một lợi thế và những người làm du lịch phải biết khai thác để xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm sáng để họ không thể không dừng chân lâu hơn qua mỗi lần trung chuyển. Không có con đường nào khác là phải kết hợp giữa đào tạo và có chiến lược phát triển đúng đắn để khắc phục những hạn chế đang tồn tại trong phát triển du lịch.
Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ chia sẻ: “Nhận thức được việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần không nhỏ vào phát triển du lịch, Duy Tân đã xác định Du lịch là 1 trong 3 chuyên ngành đào tạo trọng tâm của nhà trường. Thời gian qua, cùng với việc hợp tác với Đại học Bang Pennsylvania (PSU - PennState) một trong 5 đại học công lớn nhất của Hòa Kỳ, triển khai các chương trình chuẩn quốc tế ở các ngành Quản trị Kinh doanh, Kế toán,Tài chính-Ngân hàng và Du lịch, Duy Tân đã luôn nâng cao chất lượng đào tạo, nắm rõ xu thế phát triển du lịch trong và ngoài nước cũng như đón đầu nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước để đào tạo những thế hệ sinh viên chuẩn đầu ra về du lịch.Đại học Duy Tân sẵn sàng đào tạo miễn phí kỹ năng phục vụ tại các nhà hàng cho các em học sinh, sinh viên, lao động phổ thông ở các vùng quê Quảng Nam ra Đà Nẵng và làm việc trong các nhà hàng, tiệm ăn… Việc các em chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, kỹ năng phục vụ do hoàn cảnh, môi trường sống sẽ khiến các em không thể tạo nên ấn tượng tốt cho du khách trên địa bàn thành phố. Bởi vậy, sự góp sức trong đào tạo của Duy Tân sẽ nâng mặt bằng chung về phục vụ lên một tầm cao mới.”
Hội thảo “Phát triển Thương hiệu Du lịch Đà Nẵng” sẽ kéo dài đến giữa tháng 10/2013 với nhiều phiên hội thảo. Hàng trăm ý kiến trong cộng đồng du lịch gửi đến hội thảo sẽ là nguồn tài liệu quý giá, là những đóng góp thiết thực nhất để Đại học Duy Tân cùng các doanh nghiệp có cái nhìn toàn cảnh về bức tranh du lịch cũng như có kế hoạch đào tạo, phát triển trong thời gian tới.
(Truyền Thông)