English

Đại học

Tọa đàm “Sống đẹp trong Xã hội Đương đại”

Sự trỗi dậy của nhiều phong cách sống trước tốc độ phát triển như vũ bão của xã hội đã khiến không ít người sống “lệch” với những chuẩn mực đạo đức. Quá nhiều những thuật ngữ “sống thử”, “sống gấp”… và vô vàn những từ mang ý nghĩa tiêu cực ghép với từ “sống” đang “phủ sóng” bầu khí quyển, len lỏi trong xã hội đương đại. Tuy nhiên cũng chính sự phong phú của những từ ghép đó đã khiến con người dần nhận ra giá trị thực sự của cuộc sống, của “sống đẹp” để tìm về một chuẩn mực chung. Tọa đàm khoa học “Sống đẹp trong Xã hội Đương đại” được tổ chức chiều 23/4/2013 tại Đại học Duy Tân với mục đích khẳng định sống đẹp trong xã hội đương đại là làm cho xã hội phát triển nhân văn nhân bản hơn, tất cả vì sự hoàn thiện và phát triển con người.

15 tham luận được trình bày tại hội thảo làm “nóng” thêm bầu không khí đã rất sôi nổi khi một phạm trù rất mở và ý nghĩa được bàn thảo tại một trường đại học. Dù đứng trên bình diện là những nhà nghiên cứu khoa học hay những giảng viên giảng dạy khoa học nhân văn tại Đại học Duy Tân thì tham luận của các đại biểu đã thể hiện sự nhận thức một cách sâu sắc về vấn đề mang tính nhân bản và rất quan trọng trong xã hội hiện nay.
 
 TS. Nguyễn Xuân Hương trình bày tham luận tại Tọa đàm

TS. Nguyễn Xuân Hương - Trưởng Khoa Khoa học Xã hội và Nhân Văn - Đại học Duy Tân khẳng định: “Để có xã hội nhân văn, trước hết phải có những con người nhân văn với những biểu hiện cụ thể là biết ý thức, hành xử có văn hóa, theo hướng Chân - Thiện - Mỹ. Con đường để xây dựng nội dung giáo dục nhân văn cho sinh viên trong thời đại mới, trước hết phải bắt đầu từ việc giáo dục lẽ sống, các hành vi ứng xử, các khuôn mẫu ứng xử đẹp, phù hợp với dân tộc và thời đại. Bởi đó là những thuộc tính làm nên con người nhân văn trong xã hội hiện đại. Sự nghiệp giáo dục đòi hỏi các trường đại học ngày nay phải đào tạo được những sinh viên Việt Nam giỏi về công nghệ, ngoại ngữ, có tư duy, duy lý nhưng cũng phải là con người biết trân trọng đạo lý, bảo vệ những truyền thống quý báu.”

Trên tinh thần chung là sự tôn vinh cách sống đẹp, sống nhân văn, nhiều tham luận đã trình bày những quan điểm về sống đẹp, bàn luận về sống đẹp. Có nhiều ví dụ rất sâu sắc và đáng để mọi người phải suy ngẫm như: sống đẹp trước hết là phải sống và làm việc theo pháp luật, phát triển kinh tế cũng phải trân trọng cốt cách, giữ chữ tín và tránh xa lừa đảo, cần phải tự phê bình, tự nhận thức bản thân để hướng tới cộng đồng với những hành vi lành mạnh, tham chiếu sống đẹp từ lối sống minh triết của dân tộc; sống đẹp là biết gắn kết, bảo vệ, sẻ chia và thương yêu nhau… Những ví dụ rất sinh động và thực tế đó đã trở thành nền tảng để đưa ra những đề xuất, giải pháp giáo dục nhân văn cho sinh viên trong thời đại mới.
 
 
Thầy Phan Ngọc Thu chia sẻ tại Tọa đàm

Thầy Phan Ngọc Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân chia sẻ: “Trong khoa học xã hội, các khái niệm liên quan đến con người đều là những khái niệm mở. Mỗi thời kỳ lịch sử đều khẳng định giá trị nhân văn, nhân bản của con người. Con người phải biết mình bất toàn, bất túc nên không bao giờ bất tử để luôn rèn luyện và sống tốt hơn. Ai trong chúng ta cũng đều nhận thức được sống đẹp như thế nào và đều có thể điều chỉnh hành vi. Sự điều chỉnh hành vi đó sẽ giúp mỗi cá nhân biết sống đẹp hơn để góp sức xây dựng nên một xã hội bình đẳng và nhân văn. Tại môi trường giáo dục, sống đẹp càng thực sự cần thiết. Chính sự nhiệt huyết, yêu nghề, hết lòng vì sinh viên của giảng viên sẽ là tiền đề để tạo ra một môi trường học tập thật tốt, là tấm gương soi để giáo dục nhân cách, cốt cách cho các thế hệ sinh viên”.

Năm 2013, Đại học Duy Tân phát động cuộc thi viết “Sống đẹp - Tuổi Ô mai” đến tất cả các bạn học sinh, sinh viên với mong muốn lắng nghe quan niệm của Tuổi trẻ hiện nay về sống đẹp. Với phương châm: “Đào tạo gắn liền với nghiên cứu thực nghiệm trên nền nhân văn - hiện đại”, Trường Đại học Duy Tân sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện để trước những quan điểm sống, cách sống của giới trẻ, nhà trường đề xuất những giải pháp thích hợp nâng cao chất lượng giảng dạy, bồi dưỡng những phẩm chất sống đẹp cho học sinh, sinh viên nói riêng và tuổi trẻ nói chung.

(Truyền Thông)