English

Hợp tác & Hội nhập

ĐH Duy Tân trở thành Thành viên Mới nhất của CDIO

Trong những ngày đầu tháng 7 vừa qua, tại Hội thảo Quốc tế về CDIO Lần 8 tổ chức tại ĐH Kỹ thuật Queensland, Hiệp hội CDIO Quốc tế đã chính thức công nhận ĐH Duy Tân là một trong những thành viên mới nhất của tổ chức này. Đây là sự kiện đáng chú ý đối với giáo dục đại học Việt Nam nói chung và với ĐH Duy Tân nói riêng.

CDIO (Conceive - Hình thành Ý tưởng; Design - Thiết kế Ý tưởng/Sản phẩm; Implement - Thực hiện/Triển khai Ý tưởng/Sản phẩm; Operate - Vận hành Sản phẩm/Dự án) là một sáng kiến mới cho giáo dục, là một hệ thống các phương pháp và hình thức tích lũy tri thức, kỹ năng trong việc đào tạo sinh viên nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Khởi nguồn từ Viện Công nghệ Massachusetts - MIT (Hoa Kỳ), cho đến nay mạng lưới các trường đại học áp dụng CDIO trên thế giới đang ngày càng được mở rộng, đặc biệt là ở Mỹ và Bắc Âu. CDIO được biết đến nhiều là một hệ thống các phương pháp xây dựng chương trình, nội dung và cách thức đào tạo các ngành nghề kỹ thuật nhưng thực chất, CDIO là một quy trình đào tạo chuẩn, căn cứ vào yêu cầu đầu ra (outcome-based) để thiết kế các định chế đầu vào, môi trường học tập, phương pháp giảng dạy,... Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, logic và về phương pháp tổng thể mang tính phổ cập có thể áp dụng để xây dựng quy trình chuẩn cho nhiều lĩnh vực giáo dục và đào tạo khác nhau.

 

TS. Lê Nguyên Bảo - Phó Hiệu Trưởng ĐH Duy Tân chụp hình lưu niệm với GS. TS. Johan Malmqvist - một trong những nhà sáng lập CDIO

Có thể nói việc theo đuổi phương thức CDIO thể hiện hướng đi chung nhắm đến mục tiêu đào tạo gắn liền với thực nghiệm và với nhu cầu của giới tuyển dụng; giúp người học phát triển toàn diện với các “kỹ năng cứng” và “kỹ năng mềm” để có thể nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc liên tục thay đổi ngày nay. CDIO còn giúp thiết kế và xây dựng các chương trình đào tạo theo một quy trình chuẩn và gắn sự phát triển chương trình với việc chuyển tải và đánh giá hiệu quả giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học lên một tầm cao mới.

Từ khi ra đời vào năm 2000, đến nay, Hiệp hội CDIO đã chính thức kết nạp hơn 80 trường đại học của trên 25 quốc gia bên cạnh việc được rất nhiều đại học khác ở khắp thế giới áp dụng vào công tác đào tạo. Thực tế cho thấy không phải trường nào cũng có thể được kết nạp thành thành viên của hiệp hội này: hầu hết các thành viên CDIO chính thức đầu là các đại học hàng đầu ở các nước. Bên cạnh ĐH Duy Tân, trong năm nay, còn có một số trường khác được kết nạp như: Linnaeus University; University of Skövde; Novia University of Applied Science; Dalian Neusoft Institute of Information; Suzhou Industrial Park Institute of Vocational Technology; Beijing Institute of Petrochemical Technology; và Skolkovo Institute for Science and Technology (Skolkovo Tech).

Để có kết quả này, ĐH Duy Tân đã bắt đầu ứng dụng CDIO vào công tác đào tạo các ngành nghề công nghệ và kỹ thuật tại trường gần 2 năm nay. Trường đã đầu tư lớn vào xây dựng cơ sở và trang thiết bị hiện đại; ban hành chuẩn đầu ra cho các khối ngành; thực hiện các tiêu chí kiểm định theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo; ứng dụng nhiều phương pháp dạy và học mới như dạy học tích cực, học theo nhóm,… và đặc biệt đã xây dựng được hàng loạt các chương trình đào tạo theo chuẩn đào tạo của các ĐH hàng đầu của Mỹ. Hầu hết sinh viên ra trường đều đáp ứng tốt yêu cầu từ phía doanh nghiệp và có tới 89% sinh viên tìm được việc làm trong 6 tháng đầu tiên sau khi tốt nghiệp. Với tất cả những nỗ lực đó, cùng với sự giới thiệu của đối tác chiến lược Bách Khoa Singapore (SP), ĐH Duy Tân đã được Ban điều hành CDIO xem xét và quyết định kết nạp trở thành thành viên mới nhất và duy nhất tại Việt Nam của Hiệp hội CDIO tại Hội thảo Quốc tế về CDIO Lần thứ 8 vừa qua.

 

Các thành viên đoàn trường ĐH Quốc Gia Tp. Hồ Chí Minh và ĐH Duy Tân chụp ảnh lưu niệm tại Đại học Kỹ thuật Queensland

Như vậy, tính đến nay ĐH Duy Tân là đại học đầu tiên của khối trường Ngoài Công lập và là thứ 2 tại Việt Nam (sau ĐH Quốc Gia Tp. HCM) được kết nạp vào hiệp hội danh giá này. Đây là một minh chứng cho thấy uy tín của ĐH Duy Tân đang ngày được khẳng định trong mắt bạn bè quốc tế. Trở thành thành viên của CDIO, ĐH Duy Tân đã và đang nỗ lực đưa chất lượng đào tạo công nghệ và kỹ thuật của mình lên một tầm cao mới, khẳng định thương hiệu Duy Tân trong quá trình hội nhập quốc tế.

(Truyền Thông)