English

Giấc mơ Duy Tân

Đại học sáng tạo và thời đại công nghệ

Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) vừa tổ chức Hội nghị khoa học với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và chuyên gia giáo dục đại học (GDĐH) trong và ngoài nước. Các tham luận khoa học tại hội nghị đã tập trung đề cập những vấn đề quan trọng, mang tính thực tiễn của GDĐH nói chung và ĐH ngoài công lập nói riêng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên... Trong đó, có thể coi triết lý GD hiện đại của ĐH Duy Tân là “Đào tạo gắn liền với nghiên cứu thực nghiệm, lấy nhân văn làm nền tảng” vừa là định hướng cho nhà trường, vừa là quan điểm GD đại diện cho cả hệ thống GDĐH ngoài công lập trong xu thế mới hiện nay. Tạp chí Thế Giới Mới xin lược ghi những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia GDĐH tại hội nghị khoa học này.
 
Đoàn chủ tịch điều hành phiên thứ nhất Hội nghị
 
Triết lý giáo dục cần có trong từng trường

Theo ông Lê Công Cơ, Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, triết lý GD cần phải hiểu theo nghĩa rộng, đó là quan điểm, chủ trương, phương hướng GD phù hợp với thực tế tình trạng kinh tế, chế độ chính trị, đời sống xã hội và trình độ văn hóa của thời đại đó. Trong quá trình phát triển, ĐH Duy Tân xác định triết lý GD hiện đại và toàn diện của trường là “Đào tạo gắn liền với nghiên cứu thực nghiệm, lấy nhân văn làm nền tảng”. Đây là “kim chỉ nam” cho toàn bộ các quyết định của lãnh đạo, là định hướng cho mọi hoạt động của nhà trường cũng như của từng cán bộ, giảng viên (GV), chuyên viên, nhân viên, sinh viên (SV) trong trường...

Các chuyên gia GD cho rằng, không có triết lý GD chung chung cho mọi thời đại, mọi quốc gia. Triết lý GD Việt Nam hiện nay là “mục đích cải tạo con người khỏe về thể chất, sáng về trí tuệ, độc lập về tư duy, giàu lòng nhân ái, đẹp về ước mơ, mạnh về ý chí, nghị lực, năng động, sáng tạo”. Ở các nước, triết lý GD không chỉ ở tầm quốc tế, quốc gia mà còn ở trong từng trường. Vì vậy, trước tiên cần phải có hệ thống lý luận và triết lý cho hệ thống quản lý, thứ hai là điều kiện (cơ chế) xã hội đối với GD như thế nào, đánh giá của xã hội đối với GD và trường học.

Nhà văn Nguyên Ngọc nhấn mạnh: “Triết lý GD chi phối, chỉ đạo toàn bộ các khâu, các lĩnh vực cụ thể của GD, từ nội dung GD, phương châm GD, phương pháp GD, tổ chức GD, ảnh hưởng quyết định đến tất cả các cấp của nền GD, từ tiểu học, trung học đến ĐH, sau ĐH. Kiểu triết lý GD nào thì sẽ đưa đến kiểu nội dung, phương châm, phương pháp, tổ chức GD đó”. Vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước: “Mục tiêu đào tạo con người giờ khác trước rồi, không thể nói chung chung mà phải nói đến con người có nhân cách đạo đức, có phương pháp tư duy, con người của năng lực, hành động”.

Từ những lý luận mang tính triết lý ấy, có thể thấy thực trạng của GDĐH Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều điều bất cập. Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Phượng, Trưởng đại diện Quỹ GD Việt Nam của Hoa Kỳ (VEF), kết quả khảo sát thực tế một số trường ĐH ở Việt Nam cho thấy, phương pháp giảng dạy còn kém hiệu quả, ít có sự tương tác giữa SV và GV; trang thiết bị và nguồn lực chưa đầy đủ, cần phải hiện đại hóa phòng học, thư viện và trang thiết bị thí nghiệm... Chương trình đào tạo ĐH còn quá nặng nề; nội dung đào tạo đã lỗi thời (chưa tập trung vào kỹ năng ứng dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá); mất cân đối giữa giờ học lý thuyết và giờ thực hành; thiếu các kỹ năng nghề nghiệp thông thường; thiếu tính linh hoạt trong việc chuyển tiếp giữa các ngành học... Vì vậy, các trường ĐH cần được phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo; các trường được chủ động và linh hoạt về chương trình đào tạo, để có thể hợp nhất các môn học, giảm số môn học tương ứng với các trường ĐH tiên tiến (chỉ cần từ 120-130 tín chỉ để hoàn thành bậc GDĐH); được chủ động trả lương cao cho GV giỏi để thu hút nhân tài, v.v.

Các chuyên gia GD cho rằng, các trường ĐH Việt Nam cần phải biết rõ vị thế của mình đang ở đâu trong “bản đồ” GDĐH, để nhìn nhận lại công việc đào tạo hiện tại của mình. Trong đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy và học tập trong nhà trường hiện đại là một xu thế tất yếu mà các trường ĐH cần chú trọng.

Theo PGS.TSKH Nguyễn Xuân Huy, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn GD Microsoft - ĐH Duy Tân: “Công nghệ thông tin (CNTT) chiếm vị trí rất quan trọng trong GD&ĐT. Tuy nhiên, những thay đổi của kỹ thuật số hình như lại không làm thay đổi GD&ĐT. Có cảm giác là GD&ĐT đang “trơ” với công nghệ. Hơn nữa, những hoạch định đưa công nghệ vào nhà trường cũng không đặt ra mục tiêu thay đổi nhà trường, mà chỉ đơn thuần là trang bị (cơ sở vật chất, phương tiện, phòng học...). Công nghệ chỉ có thể tạo ra sự thay đổi sau khi tư tưởng, nhận thức và tư duy được thay đổi. Công nghệ được đưa vào nhà trường nhằm mục đích: kế thừa những gì đã làm được; bổ sung, thay thế giá trị cho những gì đã làm được; phá bỏ những gì cũ kỹ, lạc hậu. Đưa công nghệ vào nhà trường chắc chắn sẽ là rất sáng tạo và tạo ra những thay đổi mạnh mẽ tại những nơi chất lượng hiện hành còn yếu kém”.

Đại học sáng tạo và thành phố thông minh

Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, Đà Nẵng đang hội đủ điều kiện để trở thành một “thành phố thông minh” đi đầu cả nước, có tầm cỡ ở Đông Nam Á. Trong quá trình tiến vào nền kinh tế tri thức, những “thành phố thông minh” sẽ xuất hiện làm đầu tàu phát triển kinh tế cho từng vùng miền, đất nước và cả khu vực. Chúng phát triển dựa trên 6 trục (axe) hoặc độ đo (dimension) chính, căn cứ trên tính thông minh về kinh tế, lưu động, môi trường, nhân dân, lối sống, trị lý. Năng lực cạnh tranh đô thị cũng sẽ dựa trên các yếu tố:thế cạnh tranh vùng, vận chuyển, CNTT và truyền thông, nguồn vốn con người và xã hội, sự tham gia của công dân vào việc trị lý đô thị. Tất cả đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là tạo sự phát triển kinh tế bền vững.

Các chuyên gia GDĐH cho rằng, CNTT đang được coi là nền tảng để xây dựng những thành phố kết nối, nơi có các tòa nhà thông minh khi mọi quy trình đều được điều khiển từ xa hoặc tự động hóa mà không cần đến sự can thiệp của con người. Khu kinh tế Songdo, Incheon (Hàn Quốc), Thượng Hải (Trung Quốc), Shah Alam (Malaysia)... là các ví dụ điển hình về thành phố thông minh, với khả năngáp dụng công nghệ vào quản lý và sinh hoạt. Tại Việt Nam, Đà Nẵng cũng đang bước đầu áp dụng thành công mô hình này.

Theo GS Michael Porter (ĐH Harvard- Mỹ), về mặt năng lực cạnh tranh đô thị, Đà Nẵng có thể tận dụng các lợi thế như: là đô thị phát triển sau nên có thể rút ra các bài học, kinh nghiệm, biết tăng cường các thế mạnh và loại bỏ các sai lầm của các thành phố khác; do vị trí trung tâm giữa Nam - Bắc Việt Nam, gần Tây Nguyên, ở điểm cuối hành lang Đông Tây của tiểu vùng sông Mekong; nguồn nhân lực được đào tạo khá lớn, khoa học công nghệ phát triển, có các trường ĐH và cơ sở nghiên cứu khoa học mạnh; có một chính quyền chủ trương cách tân, chịu lắng nghe ý kiến nhân dân và tư vấn khoa học - kỹ thuật.

 Trong quá trình xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh, các chuyên gia GDĐH đều cho rằng, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của các trường ĐH ở Đà Nẵng, trong đó có ĐH Duy Tân, là cực kỳ quan trọng. Theo các chuyên gia, ĐH Duy Tân hiện đang có những thế mạnh: sự đào tạo nổi trội trong các ngành CNTT, Kiến trúc, Du lịch, Kinh tế - Tài chính, Ngoại ngữ; đang tích cực triển khai hợp tác quốc tế về nhiều mặt, nhất là đào tạo đội ngũ GV trẻ và mạnh dạn cách tân chương trình đào tạo; các chương trình đào tạo linh hoạt, hiệu quả nhờ có cơ chế thoáng của một ĐH tư thục, kết hợp chương trình đào tạo tiên tiến...

Nền kinh tế tri thức và toàn cầu hóa đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các trường ĐH phải đổi mới triệt để, nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới của việc đào tạo nguồn nhân lục chất lượng cao, có khả năng làm việc trong bối cảnh hội nhập, trong đó, việc xây dựng nền tảng cho mô hình ĐH sáng tạo là xu hướng phát triển của các trường ĐH tiên tiến. Hiện nay, với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, quy tụ được đội ngũ cán bộ quản lý GDĐH và lực lượng GV giỏi, sử dụng hiệu quả khoa học ứng dụng và hệ thống CNTT..., ĐH Duy Tân hoàn toàn có thể phát triển theo mô hình ĐH sáng tạo, để từ đó có những đóng góp quan trọng cho Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh.

Thế kỷ 21 là thế kỷ của khoa học, công nghệ và toàn cầu hóa. Công tác chuẩn bị nguồn nhân lực trong tình hình mới đòi hỏi phải có các giải pháp cách tân toàn diện GDĐH. Mô hình ĐH sáng tạo ra đời trong bối cảnh các thành tựu diệu kỳ của CNTT, truyền thông và sự phát triển vũ bão của khoa học - công nghệ sẽ là một giải pháp hữu hiệu đóng góp tích cực vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế. Các trường ĐH phải thấy rằng, ĐH sáng tạo là một trong các giải pháp quan trọng nhằm giúp nhà trường nhanh chóng hội nhập với GDĐH thế giới và khu vực, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

(Đào Quốc Toàn -Theo Báo Thế Giới Mới -Số 959 07/11/2011)