English

Giấc mơ Duy Tân

Duy Tân - những ngày đầu trong tôi!

Nguyện vọng 1 đã ở lại sau lưng, nỗi buồn cũng không đọng lại trong tôi nhiều khi biết mình vẫn còn cơ hội tìm đến một trường khác. Vòng quay của thời gian càng thấy nhanh khi sắp đến ngày hết hạn nộp nguyện vọng 2. Tôi lang thang trên trang web của các trường với mong muốn tìm cho mình một nơi làm điểm tựa để vươn cánh về sau. Tôi đã chọn miền Trung làm bến đỗ bởi cuộc sống ở hai đầu tổ quốc, tôi thấy quá chật vật và vất vả. Tôi không muốn sống trong môi trường như vậy khi lần đầu tiên xa nhà và sống đời sinh viên. Điểm cũng đủ vượt sàn của Bộ quy định, nhiều trường miền Trung tuyển nguyện vọng 2, tôi lang thang được một lúc lâu rồi dừng lại ở trang web: http://dtu.edu.vn, trang web này cung cấp cho tôi thông tin của khá nhiều ngành học, mức học phí cũng như yêu cầu dự tuyển. Tôi cảm thấy những điều kiện đó mình có thể đáp ứng, công việc cuối cùng là ghi lại số điện thoại đường dây nóng của Ban Tuyển Sinh.
 
 
Cơ sở 184 Nguyễn Văn Linh

Không biết nên vui hay buồn, nhưng tôi cũng đã trình bày nguyện vọng của mình với ba mẹ, biết rằng đây là một bước ngoặt trong cuộc đời của con nên ba mẹ đã mở đường cho tôi tự quyết định đến tương lai sau này. Tôi cảm thấy phấn chấn và có phần hơi bối rối bởi mình đang có cơ hội và không biết cơ hội đó sẽ đi về đâu. Tôi nhấc máy gọi, sau 2 tiếng chuông báo tín hiệu, giọng nói nhẹ nhàng của chị tư vấn viên khiến tôi cảm thấy vơi đi chút lo lắng khi được nói chuyện với người quản lý ở bậc đại học. Thông tin đã cụ thể, tâm lý đã sẵn sàng và tin chắc mình sẽ trúng tuyển, ngày hôm sau một bộ hồ sơ xét tuyển nguyện vọng được chuyển vào Đại học Duy Tân qua đường bưu điện quê nhà.

Những ngày chờ đợi tôi cùng với một số bạn bè cùng cảnh ngộ nói về trường mình theo học sau này. Duy Tân lúc bấy giờ với tôi vẫn còn rất mù mờ: là Đại học Dân Lập tại Đà Nẵng, có rất nhiều ngành, điểm đậu bằng điểm sàn, có chị hướng dẫn nói giọng dễ thương…tất cả chỉ có vậy!
 
 
Cơ sở 5A Quang Trung

Một buổi sáng, chú đưa thư ghé qua nhà tôi, một phong bì được lấy ra và đưa trực tiếp tay tôi, phong bì hơi lớn hơn phong bì tôi hay gửi thư cho bạn bè, màu trắng và có dòng chữ Đại học Duy Tân, tôi biết ngay đây là thư gọi nhập học của trường, một cảm giác lâng lâng bỗng ập đến, tôi vui sướng biết bao khi mình sắp trở thành tân sinh viên của một trường đại học.

Cuối cùng cái ngày tôi lên xe vào Đà Nẵng cũng đến, lên xe với những hy vọng của người mẹ mong con mình học hành giỏi dang và nỗi nhớ nhà cũng bắt đầu len lõi trong tim. Đà Nẵng hiện ra trước mắt tôi sau một giấc ngủ dài vì đường xa, lần đầu đến Đà Nẵng tôi đã cảm nhận được cái chất đầm ấm và nhân hậu trong mỗi con người nơi đây. Được ba ra đón ở bến xe và đưa về phòng trọ (ba tôi vào trước 2 ngày để làm thủ tục nhập trường). Lần đầu tiên tôi có riêng một căn phòng trọ nho nhỏ, một tấm thảm đủ để 2 người nằm ngủ, một cái quạt máy mới toanh và đồ nghề tự nấu ăn nữa. Một cảm giác tự do đến tuyệt vời. Thêm cái bản đồ được ba vẽ bằng tay chỉ con đường đến nơi có giảng đường và con đường đến công viên nước nơi mà tôi học những buổi học chính trị đầu khóa. Lấy chiếc xe đạp tôi quyết định đi thăm trường trong ngày đầu tiên sống tự lập, qua những con hẻm lòng vòng và chật hẹp, tôi ra con đường lớn hai bên tràn đầy hoa sữa và tìm đến địa chỉ 21 Nguyễn Văn Linh. Một tấm bảng hiệu lớn có ghi dòng chữ “ Đại Học Dân lập Duy Tân” hiện ra, sau một lúc vui mừng tôi bỗng đứng người lại vì nhìn thấy trường không như trong trí tưởng tượng của tôi trước kia: một khuôn viên rộng mênh mông, có những bãi cỏ xanh ngát và hàng ghế đá cho những sinh viên ngồi ê a mấy câu hát…Tôi lang thang vào bên trong, tìm đến bảng thông báo để có thể biết thêm chút thông tin. Tìm mãi chẳng thấy được gì, tôi liền chạy hỏi chú bảo vệ, thì ra đây là cơ sở đào tạo cho hệ trung cấp, còn hệ đại học của tôi cũng trên con đường này nhưng ở số 184. Tôi chạy xe ngược lại chừng 5 phút đồng hồ, một tòa nhà cao ngất mà tôi phải dừng xe lại và ngước cổ lên mới thấy được tầng trên cùng. Một màu vàng nhạt kết hợp với màu bã trầu tạo nên một điểm nhấn nổi bật giữa khung cảnh gần đó. Đi thêm mấy vòng xe, một tấm bảng được trang hoàng lịch sự và sang trọng có đề tên trường xuất hiện. Ngay ở đây một sự tự hào và kiêu hãnh hiện rõ trong tôi. Tôi biết mình sẽ được học tập và nghiên cứu trong ngôi trường bề thế và sang trọng. Đôi chân mệt nhừ sau một hồi thăm quan trường. Trở về với hiện tại khi đồng hồ đã chỉ hơn 11 giờ trưa. Tôi quay về phòng và lần đầu tiên tự chuẩn bị bữa ăn cho mình.

Sau hơn 1 tuần học chính trị, tôi được gặp biết bao bạn cùng khóa của mình mà không dám nói chuyện vì sợ phân biệt vùng miền, không biết họ có học cùng ngành với mình không? nhiều cái tôi muốn biết lắm, nhưng cuối cùng chỉ biết khung chương trình học và một số thông tin bổ sung về trường. Tôi đang ngồi lắng nghe một thầy giáo còn khá trẻ nhưng đã là phó hiệu trưởng giảng về quy chế học tín chỉ, bỗng phía sau có một ai đó nói nhẹ nhàng: “Giảng đường chi mà rộng và thầy chi mà trẻ kinh rứa mi?” Có ai đó đáp lại: “thì đại học mà!”… Tôi ngẩn tò te không hiểu nội dung câu chuyện là gì, đơn giản vì tôi không nghe được, nhưng hôm sau tôi cũng đã hiểu phần nào khi mà quen được giọng nói mọi vùng miền.

Tuần học chính thức bắt đầu, lịch học thứ hai có giờ đầu tiên, như hồi cấp 3 với quần tây áo sơ mi trắng tôi đến trường, cảm giác được gặp những người mà mình sẽ gắn liền trong 4 năm theo học làm tôi phấn chấn và rảo bước nhanh dần, bước vào tiền sảnh khu 184 Nguyễn Văn Linh, tôi đứng lại nhìn dòng chữ được gắn cố định và sáng bóng “Bản lĩnh Việt Nam - Đổi mới, sáng tạo, vươn tới những tầm cao”. Dòng chữ mà sau này tôi với biết đó là tâm huyết, là mong muốn, là sứ mệnh mà thầy Lê Công Cơ người sáng lập ĐH Duy Tân gửi gắm đến toàn thể giảng viên và sinh viên của trường. Và bất giác tôi nhớ lại phương châm sống giản dị nhưng sâu sắc mà thầy đã dạy chúng tôi trong buổi lễ khai giảng đầu năm “mỗi người đang sống hãy trồng cho mình một cái cây, khi mất đi thì để lại cho đời một bóng mát”

Lê Thái Việt (Lớp: k13QNH9)