Vậy là đã bảy mùa thu đi qua, bảy mùa hoa sữa nở. Đôi chân cô bước lang thang trên con đường vô định. Chợt giật mình nghe tiếng gọi nhau của các bạn sinh viên trước cổng trường. Thì ra mùi hoa sữa đã đưa cô về đây, dưới mái trường Đại học Duy Tân này. Từ lúc đến đây, cô không dám nhìn cảnh quan xung quanh, cũng không dám hít một hơi thật sâu. Bởi cô sợ làm đau nhói trái tim non nớt của mình. Ba năm đã trôi qua. Ba năm là quãng thời gian ngắn so với cả đời người, riêng với những người sống trong nỗi đau như cô ba năm cũng đã là quá dài. Từ ngày tốt nghiệp ra trường, cô đã hơn một lần trở lại thành phố Đà Nẵng nhưng chưa lần nào cô nghĩ đến chuyện về thăm lại trường xưa-nơi đã chôn dấu nỗi đau một thời của cô. Lần này, cô về Đà Nẵng vào cuối mùa thu-mùa của hoa sữa ngọt ngào-mùa đã làm tan nát trái tim cô.
Lòng ngập ngừng không dám đi tiếp nhưng không hiểu sao đôi chân như muốn thôi thúc cô bước vào. Ngôi trường của cô. Ngỡ ngàng trước sự vẹn nguyên của nó đã khiến cô tò mò hơn. Đôi chân cứ chầm chậm từng bước, từng bước một.
Cách đây bảy năm, ngày đầu tiên được gọi là sinh viên cô đã háo hức đạp xe đến trường. Vừa đi, cô vừa tận hưởng hương thơm của hoa sữa dọc hai bên đường Nguyễn Văn Linh. Cũng trong ngày đầu tiên đó, cô đã quen một người. Duy-cái tên nghe thật ấm nhưng lại làm con tim cô đau nhói suốt cuộc đời. Cô dịu dàng, mơ mộng, thích nghe nhạc Trịnh vào những ngày mưa. Duy mạnh mẽ, điềm đạm, tâm điểm của các cô gái. Duy không thích hoa sữa bởi cái mùi nồng của nó nhưng chưa lần nào anh từ chối lời đề nghị đi bách bộ dọc “đường hoa sữa” cùng cô.
Đôi chân đã đưa cô lên đến tầng sáu-Thư viện. Đã ba năm rồi còn gì, ấy vậy mà khung cảnh vẫn như xưa, chẳng có gì thay đổi. Vẫn bàn đó, ghế đó ngày xưa cô và Duy cùng ngồi; vẫn những chị thủ thư đó. Chỉ có điều, lớp bụi của thời gian đã phủ lên đó một màu mờ xám xịt. Bao nhiêu kí ức xưa cứ tràn về.
Cô nhớ những buổi sáng hai đứa ngồi gặm bánh mì trước lúc vào thư viện. Nhớ có lần Duy nài nỉ chị thủ thư hơn nữa tiếng cũng chỉ để xin chị thôi không khóa thẻ của cô nữa.
Nhớ có lần đang học, cô đề nghị Duy xuống đường hòa mình vào mùi hoa sữa nồng nàn. Chưa một lần Duy từ chối lời đề nghị hấp dẫn đó của cô. “Thy thích hoa sữa à ?”, “Ừ, Thy thích cái hương sắc còn trinh nguyên của nó, hay mình gọi con đường này là đường hoa sữa nha!”
Nhớ một lần cô vừa lên thư viện đã ngất xỉu, Duy phải cõng cô từ tầng sáu xuống, mệt bở hơi tai. Sau này nghe Duy kể lại hai đứa vừa ngượng ngùng vừa thấy xao xuyến trong lòng. Nhớ mỗi lần lấy xe cực khổ vì chiếc xe đạp luôn nằm trong góc. Duy phải dắt xe cô ra rồi mới quay lại dắt xe anh. Những lúc như vậy cô vừa thương anh vừa thầm ghét cái khuôn viên của trường sao nhỏ quá! Nhớ hôm nào đạp xe mất hai mươi phút đến trường nhưng lại được nghỉ vì phòng học đã có lớp khác “đóng đô” rồi. Đó cũng là lúc cô và Duy có dịp cùng ngắm hoàng hôn bên nhau trên bờ biển. Những lúc như thế cô lại thấy trong mắt Duy thoáng buồn. Có lẽ không nơi nào chôn dấu nhiều kỉ niệm của cô và Duy nhiều hơn nơi đây, dưới mái trường Đại hoc Duy Tân này.
Những tháng ngày của cô thật sự hạnh phúc cho đến một ngày cô nhận được tin từ em gái Duy. Rằng Duy đã bị tai nạn trong một lần băng qua đường. Cô nghĩ… đây là giấc mơ chăng? Tại sao số phận lại quá nghiệt ngã đến vậy. Anh đã ra đi vào mùa hoa sữa nở, vào đúng ngày sinh nhật của cô. Chưa mùa hoa sữa nào cô khóc nhiều đến thế. Anh hứa sẽ đi cùng cô đến hết con đường hoa sữa mà. Làm sao cô sống nỗi khi hằng năm ngày hạnh phúc của cô cũng là ngày đau khổ của cuộc đời. Không … chỉ là giấc mơ thôi và cô đã sống trong giấc mơ ấy suốt ba năm trời. Hôm nay, quay trở lại trường xưa cũng là lúc cô bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Đã đến lúc sống với thực tại rồi Thy à!
Sau một lúc nói chuyện với bác bảo vệ ngày nào. Cô biết được trường đã xây thêm cơ sở thứ năm. Chỉ mất năm phút đi taxi, cô đã đứng trước dãy nhà K7/25 Quang Trung ngày nào. Giờ đây là một tòa nhà to lớn, xinh đẹp. Ở đâu đó trong lòng cô dâng lên một niềm tự hào. Tất cả mọi thứ đều hiện đại, thấp thoáng là những bạn sinh viên mang áo quần giống nhau, cô đoán đây đồng phục của khoa nào. Theo chân họ cô đứng trước một chiếc thang máy chật cứng người. Thấy quanh đây có bốn chiếc thang máy, cái nào cũng đông ngẹt người. Sinh viên trường mình nhiều chăng? Cô đi theo sự chỉ dẫn của một bạn để lên thư viện. Vẫn là tầng sáu, nhưng cô đã ngỡ ngàng trước sự mới lạ của nó. Mọi thứ thật hiện đại, từ chiếc bàn làm việc của các chị thủ thư đến những chiếc laptop phục vụ cho sinh viên. Trường bây giờ đẹp thật đấy. Cô gặp được chị thủ thư ngày nào. Chị bây giờ đã có gia đình, chị cũng đã tham gia vào ban lãnh đạo của nhà trường, nhọc nhằn của cuộc sống đã thể hiện trên khuôn mặt của chị. Chị kể cho cô nghe về sự đổi thay của trường. Rằng bây giờ trường đã có 15 Khoa và 29 chuyên ngành; rằng trường đang áp dụng chương trình chuyển giao của Mỹ (CMU & SPU) để đưa vào chương trình dạy và học; rằng giảng viên giảng dạy của trường đã lên đến gần 600, đa số đều có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư; rằng trường có một vị phó hiệu trưởng trẻ tuổi, tài ba đang từng ngày “thay da đổi thịt” cho trường.
Chị cho phép cô vào tham quan thư viện. Mọi thứ thật xa lạ đối với cô. Chợt trước mắt cô là đôi bạn đang ngồi cạnh nhau. Hình ảnh về Duy lại ngập tràn trong tâm trí cô, những dòng hoài niệm không tên cứ đua nhau ùa về làm tim cô đau buốt. Cô bỗng chạnh lòng khi bắt gặp ánh mắt tinh nghịch của chàng trai đang lén luốc nhìn cô gái. Cô mỉm cười… Quay trở lại khách sạn, chưa bao giờ cô thấy lòng mình nhẹ đến thế. Cô tự hỏi: “mình đã giải thoát cho linh hồn của Duy hay giải thoát cho trái tim vụn vỡ của chính mình”
(Nguyễn Thị Xuân-Lớp K14DLK2-Đại học Duy Tân)