Là trường đại học tư thục đầu tiên và lớn nhất miền Trung, sau hơn 15 năm xây dựng và phát triển, Đại học Duy Tân đã có những hướng đi đúng đắn và được xem là mô hình tiên phong “xã hội hóa giáo dục” hiệu quả.
Năm 2010, Đại học Duy Tân được vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng ba do Chủ tịch nước trao tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2004-2005 đến học 2008-2009.
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với nhà giáo Lê Công Cơ, chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm quyền hiệu trưởng Đại học Duy Tân trước thềm mùa tuyển sinh 2010.
Ông Lê Công Cơ-chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm quyền hiệu trưởng ĐH Duy Tân.
PV: Được biết, trong thời gian gần đây, Đại học Duy Tân được nhắc đến như một trong những đại học tư thục trong nước có nhiều chương trình đào tạo hợp tác với các đại học nổi tiếng ở Mỹ. Đây có phải là giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo của trường?
Nhà giáo Lê Công Cơ: Trong những năm qua, một trong những tôn chỉ mục tiêu mà Đại học Duy Tân chúng tôi luôn hướng đến là “Đào tạo chất lượng cao trên cơ sở hợp tác quốc tế” với các trường đại học có uy tín bên ngoài để nâng cao chất lượng cao ở một số ngành.
Từ năm 2008, chúng tôi đã liên kết và thực hiện thành công chương trình đào tạo Cử nhân ĐH và Cử nhân CĐ chuẩn CMU (ĐH Carnergie Mellon, 1 trong 4 ĐH mạnh nhất về CNTT của Hoa Kỳ). Việc hợp tác này đã tạo tiền đề cho Đại học Duy Tân tiếp tục ký hợp tác chuyển giao chương trình đào tạo ngành Quản trị Kinh doanh và Kế toán từ ĐH Bang Pennsylvania, một trong 5 trường công lớn nhất Hoa Kỳ.
Thông qua những hợp tác này, hàng năm chúng tôi cử nhiều giảng viên của trường đi tập huấn nước ngoài (Hoa Kỳ, Singapore) để nâng cao trình độ và đổi mới phương pháp giảng dạy. Ngoài ra, các trường đối tác nước ngoài cũng thường xuyên cử giảng viên đến Đại học Duy Tân trực tiếp giảng dạy những môn chuyên ngành và tham gia tổ chức nhiều hội thảo chuyên môn…
Qua quá trình liên kết, hợp tác với các trường đẳng cấp nhất thế giới, chúng tôi đã thu nhận được nhiều kinh nghiệm quý báu. Thứ nhất, họ đã định hướng giúp cho chúng tôi biết cách “đứng trên vai người khổng lồ” thay vì mày mò tốn kém mà không đạt được đẳng cấp nào hết.
Thứ hai, việc mời được giảng viên giỏi từ các trường đối tác đến dạy ngay tại trường giúp đội ngũ viên Duy Tân của trường chuyên nghiệp hơn. Môi trường làm việc của nhà trường cũng dần được “quốc tế hóa”.
Đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, ĐH Duy Tân ngày càng khẳng định là một thương hiệu uy tín với tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao.
Có thông tin cho biết chi phí đào tạo tại Đại học Duy Tân khá cao?
Đúng, nếu như so với các trường công lập mà sinh viên có sự hỗ trợ chi phí đào tạo của Nhà nước. Đại học Duy Tân là một trường tư thục, đầu tư vào lĩnh vực giáo dục để xây dựng một thương hiệu uy tín. Để có được uy tín về chất lượng đào tạo như chúng tôi đã được công nhận, ngoài việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, trong nhiều năm qua Đại học Duy Tân đã không ngừng đầu tư một nguồn kinh phí rất lớn để xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy và học. Trường đã tạo dựng được 5 cơ sở với diện tích 50.000m2. Cơ sở vật chất, phương tiện dạy học được trang bị hiện đại đảm bảo nhu cầu đào tạo sinh viên với hơn 1100 máy vi tính được kết nối Internet để truy cập thông tin. Hầu hết phòng học được trang bị máy chiếu đa phương tiện (multi-projectors), các phòng thực hành, thí nghiệm, thư viện hiện đại đảm bảo công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và học tập…
Chúng tôi đồng thời tăng cường bồi dưỡng trình độ giảng viên. Chú trọng phương pháp giảng dạy, song song với việc truyền đạt kiến thức, tư vấn trực tiếp cho sinh viên các “kỹ năng mềm”. Từ đó, đã góp phần tạo ra nguồn nhân lực đúng yêu cầu của xã hội hiện nay: đó là những sinh viên tốt nghiệp ra trường tự tin, biết phát huy tinh thần độc lập, sáng tạo cá nhân; đồng thời có phương pháp làm việc độc lập và theo nhóm hiệu quả.
So với chất lượng đào tạo như vây, chi phí đào tạo tại Đại học Duy Tân là hoàn toàn hợp lý. Riêng mùa tuyển sinh năm nay, trường có đến 700 suất học bổng với tổng trị giá 1,5 tỷ đồng dành cho sinh viên có điểm thi tuyển cao. Ngoài ra, hàng năm, trường còn dành 500 triệu đồng học bổng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và sinh viên có thành tích học tập xuất sắc ngay tại trường.
Thầy khẳng định chất lượng đầu ra của sinh viên tốt nghiệp Đại học Duy Tân?
Tôi lấy một con số chứng thực qua Trung tâm Xúc tiến Việc làm của nhà trường và các đơn vị liên kết, có khoảng 80% sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, 100% sinh viên ngành Công nghệ thông tin ra trường có việc làm ngay. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường đã rất thành đạt trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước và tư nhân.
Năm 2010, khóa sinh viên đầu tiên của Đại học Duy Tân tốt nghiệp theo học chế tín chỉ. Thầy đánh giá hiệu quả của hình thức đào tạo này?
Đào tạo theo học chế tín chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên về thời gian, học phí và cách học. Những sinh viên học giỏi có thể rút ngắn thời gian, có điều kiện tiếp cận với công việc sớm hơn. Đại học Duy Tân đã triển khai chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ trước ba năm so với chủ trương chung của Bộ GD-ĐT, điều đó khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của ban giám hiệu nhà trường, sự đồng lòng của tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên, nên công tác đào tạo theo học chế tín chỉ đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa về phương thức tổ chức, quản lý, giám sát và những vấn đề liên quan đến chương trình đào tạo theo tín chỉ để những năm kế đến, chương trình này sẽ được hoàn thiện và hiệu quả cao hơn.
Xin trân trọng cảm ơn thầy về cuộc trao đổi này.
Khánh Hiền(thực hiện)
(Nguồn : http://dantri.com.vn)