English

Giấc mơ Duy Tân

Ở những mùa phai nắng sau cùng

Tôi thích gọi nơi chốn đã nuôi dưỡng tôi suốt những năm đại học đơn giản là Duy Tân, mà không phải bằng một tên gọi rườm rà nào hết. “Duy Tân”, hai tiếng ấy như lời buộc miệng hơn là một phát ngôn toan tính; vì lẽ, sự thân thiết giữa chúng tôi bây giờ không còn gì đong đếm được nữa… 
 
Ở Duy Tân, niềm vui lớn nhất với tôi là bè bạn.  
 
Bất kì sự sắp đặt nào, dù có ngẫu nhiên hay không, cũng sẽ đẩy người ta vào những hoàn cảnh khác nhau. Và sau những khúc ngoặt đó, con người sẽ phải chịu những tác động khác nhau. Hoàn cảnh, chúng đóng vai trò tối trọng trong việc hình thành nên từng cá thể-nhân cách, lối hành xử, lối suy nghĩ ... Tôi học Duy Tân trọn vẹn những năm đại học, trọn vẹn những mùa đến mùa đi, chỉ để hiểu ra điều đó, chỉ để biết rằng chính cái môi trường như hai bàn tay mềm này đã nhào nặn nên tôi hôm nay. Và, bè bạn thì lúc nào cũng bên cạnh, như những ngón tay thuần thục nhất, uốn nắn, gầy dựng nên tôi.


 
 Ở Duy Tân, niềm vui lớn nhất với tôi là bè bạn


Con người tôi, sau những năm đại học, sau bao nhiêu kì thi miệt mài, đã thay đổi đi nhiều. Để nhận ra sự thật đó, tôi không soi mình trong gương, không soi mình vào những tấm ảnh vô thanh nữa. Tôi soi mình vào bè bạn quen thân…

Mùa hè năm 2009 có lẽ là thời khắc đặc biệt nhất trong đoạn đời sinh viên của tôi. Thời điểm đó, Duy Tân có mở một workshop đặc biệt. (Tôi không biết gọi tên khóa học này ra sao, đành mượn từ workshop) Đoàn sinh viên bốn người trường SPU lặn lội từ Mĩ sang Việt Nam theo học khóa workshop. Bốn con người lần lượt là: Brad Shuel, Rachel Katsur, Kyle Lusk, và trưởng nhóm-Michael Richards. Họ học chung với sinh viên Duy Tân trong một khóa học mà giảng viên cũng là người Mĩ-thầy Levi Davenport. Tôi kém duyên khi không thể theo học khóa Leading Change ấy. Tuy nhiên, sự ngẫu nhiên đã cho tôi gặp họ. Đó là mùa hè tôi dành toàn bộ quĩ thời gian của mình cho những nhà tình thương, nơi bốn con người kia, sau những giờ học, thường lại qua. Tôi làm việc với họ trước hết với tư cách phiên dịch. Và về sau, với tư cách bạn bè. Họ yêu trẻ con. Họ quí từng giây phút hiếm hoi bên những bé trai bé gái đã lớn lên sau giông bão, sau những đổ vỡ gia đình. Từ một góc trời xa lạ, nhờ vào Duy Tân, trong những sáng nồng nực khi ấy, họ đã đến và gặp tôi, dưới căn nhà cấp bốn, mái gạch phủ rêu phủ dầy. Họ hiện lên sinh động trong kí ức tôi qua những trò chơi, những bài giảng tiếng Anh cơ bản, rất ABC. Tôi chia tay những con người đáng mến ấy trong một buổi sớm Đà Nẵng chuẩn bị vào thu. Họ bay vào bầu trời nhiều mây, bỏ lại sau một Đà Nẵng ồn ào thường nhật.
 

 
Thảo luận nhóm tại thư viện trường 

Chính cái kỉ niệm dễ chịu kia đã làm tình yêu của tôi với Duy Tân thêm phần đầy đặn. Chính ngay nơi này, tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu khuôn mặt như thế, những giọt nước mắt chia tay, và những tình bạn không bị giới hạn bởi ngôn ngữ lẫn khoảng cách. Mùa hè năm đó, tôi đã sống những giây phút đáng nhớ và rõ ràng hơn bao giờ hết.

Duy Tân, trong cái nhìn ấy, chuyển mình không ngừng. Dưới tầm nhìn chiến lược xa vời vợi, những mối liên kết với nhiều nền giáo dục cấp tiến cho chúng tôi những cơ hội mà năm mười năm trước không ai dám mơ tới. Và nhờ vậy, tôi thấy mình như bị cột chặt trong những mối quan hệ bằng hữu đặc biệt, kì lạ, đẹp không ngờ.

Duy Tân còn là nơi những sinh viên Việt tứ xứ không hẹn mà gặp. Tôi quen những con người Hội An hiền hòa, những sinh viên Bình Định nói giọng ngồ ngộ, những khuôn mặt Tam Kì chất phác,… Họ là những tập hợp những cá thể riêng biệt, như trăm hoa gieo trong một vuông vườn, tỏa ngàn mùi hương lạ. Tôi không thể quên những buổi tranh luận trong lớp, những giờ thuyết trình đã thành lệ với những slide nhiều màu, ít chữ. Bè bạn chung lớp, họ gợi cho tôi những ngày không xưa lắm, nhưng ngày cả lớp ngồi hát “Bạn tôi” của Quang Linh hệt như buổi nào trong phim 12A4H: “Bạn tôi sáng nhịn ăn lên giảng đường. Bạn tôi sáng đạp xe hai mươi cây số…

Ở Duy Tân, một cơ may khác của tôi là thầy cô. Họ trẻ như những lá nghệ trong vườn nhà, xanh và thẳng. Khoa Quản Trị là nơi dung dưỡng tôi vào những ngày không thể quên khi ấy. Những khuôn mặt phơi phới, họ đến với Duy Tân như gió xanh. Tôi hạnh phúc khi có những mối quan hệ thân tình với thầy cô mình. Họ dạy tôi, ngoài những kiến thức phổ thông trên lớp còn về cách để gầy dựng cho mình một lối sống vừa vặn, đúng mực. Họ như những người bạn lớn, đi trước, rải sỏi trên con đường gồ ghề cho thế hệ tôi lũ lượt theo sau.

Ở những mùa phai nắng sau cùng, tất thảy những êm đềm riêng dành cho Duy Tân một phần rực rỡ hơn nhờ những con người như thế. Tôi nhận ra điều đó trong nỗi nuối tiếc của cuộc chia tay cận kề. Tôi thầm mang ơn họ. Không có những con người như thế, hoàn cảnh như thế, môi trường như thế, tôi đã không thể là tôi của hôm nay. Duy Tân, chỉ riêng hai tiếng ấy thôi, đã khéo gợi cho tôi phần nào bức tranh kí ức của mình, nơi tôi và bè bạn mình thuộc về, nương theo.

Và hơn lúc nào hết, tôi nghiệm ra rằng: “Ở Duy Tân, niềm vui lớn nhất với tôi vẫn là bè bạn mình”.

(Ông Ích Phương-Cựu SV trường Đại học Duy Tân)