Trong những năm gần đây, vấn đề chất lượng giáo dục đại học đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều chương trình hành động cụ thể nhằm cải thiện tình hình. Từ ngày 13/8/2007, Bộ đã chính thức ban hành bản Quy chế Đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT. Tuy nhiên tại hội thảo khoa học toàn quốc “Đổi mới phương pháp giảng dạy ĐH theo hệ thống tín chỉ” vào ngày 21-5-2010 tại ĐH Sài Gòn, PGS-TS Trần Thị Hà, vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết đến nay mới chỉ có 40/376 trường áp dụng việc đào tạo theo quy chế của Bộ. Đây được xem là một bước chuyển khá chậm của các trường ĐH Việt Nam.
Học chế tín chỉ là hình thức đào tạo tiên tiên trên thế giới, cho phép người học chủ động hơn và việc đánh giá sát thực tế, hạn chế được tình trạng dạy và học theo lối kinh viện.Trong giai đoạn hiện nay, việc chuyển đổi sang phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ là tất yếu trong đào tạo ĐH-CĐ.Nhưng hiện nay, phần lớn các trường đại học, cao đẳng đều cho rằng rất khó khăn trong khâu quản lý khi thực hiện hình thức đào tạo tín chỉ. Bởi, để thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ cần phải đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, điều mà nhiều trường đại học, cao đẳng ở ta chưa đáp ứng được. Khi chuyển sang mô hình đào tạo tín chỉ, các trường chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong khâu quản lý vì phải hoàn toàn quản lý và sắp xếp lịch học cho từng sinh viên trên máy tính, đảm bảo không chồng chéo và nhầm lẫn. Và với hệ thống máy tính và trình độ tin học của những người làm công tác sắp xếp, quản lý hồ sơ sinh viên như hiện nay thì đây không phải công việc dễ dàng.
Chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang tín chỉ là một bước chuyển đổi đầy khó khăn và tốn kém. Song những tiện ích mà phương thức tín chỉ mang lại cho người học và quyết tâm đưa trường hội nhập với xu hướng phát triển của thế giới đã thôi thúc các nhà lãnh đạo tại Đại học Duy Tân. Ngay từ năm 2007, lộ trình chuyển đổi từ hình thức niên chế sang tín chỉ đã được nhà trường triển khai. Các hoạt động về tổ chức đào tạo phục vụ cho học chế tín chỉ của nhà trường như xây dựng chương trình, lập đề cương chi tiết môn học, đánh giá kết quả học tập, hệ thống thư viện phục vụ cho sinh viên tự học v.v... từng bước đi vào thế ổn định và mang tính bền vững. Trường đã thực hiện chế độ tích luỹ kết quả học tập theo học phần thống nhất cho các loại hình đào tạo Sau đại học, ĐH chính quy, ĐH bằng 2, Hệ liên thông và Hệ từ xa. Ngoài ra, vấn đề mở rộng cơ sở vật chất cũng được nhà trường quan tâm. Từ năm 2009, cơ sở thứ 4 của trường với tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng gồm nhiều phòng học, phòng thí nghiệm trang bị hiện đại được đưa vào sử dụng. Cơ sở hiện đại đã góp phần không nhỏ trong việc đáp ứng nhu cầu và tạo tâm lí thoải mái cho sinh viên. Với những nỗ lực đó, việc chuyển đổi sang hình thức tín chỉ tại Duy Tân đã đạt được những thành tựu đáng phấn khởi. Tổng kết năm học 2009-2010 có 1542 sinh viên đầu tiên của trường tốt nghiệp theo phương thức đào tạo tín chỉ trong đó có 3,60 % xếp loại xuất sắc; 25,90 % loại giỏi; 55,12 % loại khá; 22,09% trung bình khá và trung bình. Đặc biệt cũng trong niên khoá này, 79 kiến trúc sư đầu tiên tốt nghiệp tại Duy Tân sẽ bắt đầu tham gia vào thị trường lao động. Điều đó cho thấy sự đa dạng ngành nghề trong công tác đào tạo tại Duy Tân. Tính đến nay các lĩnh vực như Kinh Tế, Xây Dựng, Du Lịch, Kiến Trúc... đã phát triển hoàn thiện và trở thành thế mạnh của Duy Tân.
Với khoá sinh viên đầu tiên tốt nghiệp theo học chế tín chỉ ngay trong năm 2010, ĐH Duy Tân đã cho thấy sự nhanh nhạy và quyết tâm rất lớn trong việc tiếp cận với phương thức đào tạo tiên tiến của thế giới. Thành quả đạt được là những nỗ lực không mệt mỏi của toàn thể thầy và trò tại ĐH Duy Tân. Tất cả vì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và khẳng định học hiệu Duy Tân trong hệ thống các trường đại học chất lượng tại Việt Nam.
Ông Lê Công Cơ, Chủ tịch HĐQT kiêm quyền Hiệu trưởng trường ĐH Duy Tân:
Với trách nhiệm của mình mọi nỗ lực đều ưu tiên dành cho người học
Trường ĐH Duy Tân đã triển khai chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ trước ba năm so với chủ trương chung của Bộ GD & ĐT, điều đó khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của BGH nhà trường, sự đồng lòng của tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên, nên công tác đào tạo theo học chế tín chỉ đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Hôm nay, tại lễ phát bằng tốt nghiệp năm 2010 là những SV đầu tiên tốt nghiệp theo chương trình đào tạo học chế tín chỉ. Đó là thành quả bước đầu của ĐH Duy Tân. Và, đó cũng là trách nhiệm của chúng tôi, với tâm niệm: Tất cả mọi nỗ lực đều ưu tiên dành cho người học
Trong thời gian tới, nhà trường sẽ đẩy mạnh hơn nữa về phương thức tổ chức, quản lý, giám sát và những phần việc liên quan đến chương trình đào tạo theo tín chỉ tới toàn bộ giảng viên, cán bộ và sinh viên để những năm kế đến, chương trình này sẽ được hoàn thiện, bền vững và mở rộng đến các ngành đào tạo trong nhà trường.
(D.Khải-T.Dương-Theo Báo Người Lao Động sổ 62)