(Trích dẫn từ báo Đất Việt, số 265, ngày 08.05.09) -Trong những năm gần đây, tỷ lệ thí sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) kể cả công lập lẫn dân lập chiếm khoảng 25%, tức là chỉ 1/4 trong số các em dự thi có được tấm vé bước vào giảng đường trường CĐ, ĐH . Vậy 3/4 còn lại, các em làm cách nào để có được tấm bằng CĐ hay ĐH như mong muốn?
Vào ĐH có phải là con đường duy nhất?
Có nhiều thí sinh đã chọn giải pháp thi lại nhưng liệu mấy người trong số đó đạt được ước mơ khi mà số lượng thí sinh dự thi hàng năm vẫn không ngừng tăng trong khi chỉ tiêu tuyển sinh thì hầu như không thay đổi. Số thí sinh đăng ký dự thi mỗi năm đều gấp gần 8 lần so với chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD& ĐT). Qui mô đào tạo CĐ, ĐH 2006 - 2007 tiếp tục tăng so với năm học 2005 - 2006. Tổng số sinh viên CĐ, ĐH năm học 2006 - 2007 là hơn 1,4 triệu (tăng 10,21% so với năm học 2005 - 2006). Trong đó, số sinh viên hệ chính quy là 881 nghìn (chiếm 62,2% so với tổng số sinh viên), số sinh viên hệ không chính quy là 534,4 nghìn (chiếm tỷ lệ 37,8%), số sinh viên của các trường CĐ, ĐH ngoài công lập là hơn 139 nghìn (chiếm 9,83%) . Hơn nữa, do hạn chế về năng lực, số thí sinh này có thể đỗ vào CĐ, ĐH nhưng quá trình học tập sẽ gặp khó khăn hơn là theo các bậc học phù hợp với năng lực thực sự của bản thân.
Vậy thì tại sao chúng ta cứ phải chọn con đường đầy chông gai thử thách để đi thay vì đi đường vòng nhưng bằng phẳng và chắc chắn? Con đường đó chính là sự lựa chọn khôn khéo: đào tạo liên thông.
Sinh viên học tập tại thư viện trường ĐH Duy Tân
|
Nhiều cơ hội cho học sinh nghèo miền Trung
Một trong số các trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo liên thông, Đại học Duy Tân đã và đang triển khai tốt mô hình này. Trao đổi với Đất Việt, Thạc sĩ Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Thường trực Đại học Duy Tân cho biết: “Trường Đại học Duy Tân bắt đầu triển khai đào tạo liên thông từ năm 2007, cho 03 bậc: từ TCCN lên Cao đẳng; Cao đẳng lên Đại học và từ TCCN lên Đại học, với các ngành Kế toán, Công nghệ Thông tin và Xây dựng. Đây là mô hình mới nên gặp không ít khó khăn trong đào tạo vì: Đối tượng tuyển sinh đến từ nhiều trường; sinh viên đã đi làm nhiều năm trở về học lại; trình độ sinh viên không đồng đều, có môn đã học, có môn chưa học…Vì vậy, đào tạo liên thông đòi hỏi giảng viên phải sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực để phù hợp cho từng đối tượng học, tạo cho giờ học thêm sinh động, hứng thú cho người học”. Bạn Lê Hoàng Tùng, Khoa Công nghệ Thông tin (trường ĐH Duy Tân) tâm sự: “Hiện nay mình đang theo học liên thông từ cao đẳng lên đại học chuyên ngành Công nghệ Phần mềm tại Đại học Duy Tân. Ngày đi làm, tối đi học không còn thời gian để thăm hỏi bạn bè nhưng đây là cơ hội để mình nâng cao trình độ chuyên môn. Điều kiện cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo của trường cũng tốt nên chúng tôi rất yên tâm theo học”. Được biết, năm 2009, trường ĐH Duy Tân sẽ đào tạo liên thông thêm ngành Du lịch và Tin học Viễn thông, sinh viên có thể học ban ngày hoặc ban đêm, hoặc hỗn hợp cả ban đêm và ban ngày theo mô hình chủ động đăng ký môn học theo hệ tín chỉ.
Theo thống kê của trường ĐH Duy Tân, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 80% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay. Trong đó, một trong những ngành “hót” đang được nhiều nhà tuyển dụng “chăm bẵm” như: ngành Công nghệ Thông tin và Tài chính Ngân hàng…Đồng thời, nhờ có mối quan hệ với trên 200 doanh nghiệp ở địa phương và trên cả nước, Đại học Duy Tân luôn có nhiều điều kiện thuận lợi để hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm ngay từ năm hai hay năm ba của bậc Cao đẳng và Đại học.
Bạn Huỳnh Thị Thiên, quê ở Quảng Ngãi, tâm sự “ Năm 2005 tôi tốt nghiệp Trung cấp Kế toán tại trường Đại Duy Tân và đi làm. Năm 2007, tôi quay về trường tiếp tục học liên thông lên đại học. Còn gì vui hơn khi được học để nâng cao kiên thức, tốt nghiệp bằng đại học hệ chính quy và quan trọng hơn là sẽ có cơ hội thăng tiến trong tương lai.
Ngọc Thanh