Trẻ lớp lá ở TP.HCM dự khảo sát tăng cường ngoại ngữ vào lớp 1 - Ảnh: Đ.N.Thạch |
- Việc “Có nên cho trẻ học ngoại ngữ từ lớp 1?” còn nhiều chuyện cần bàn. Với nhiều ý kiến từ độc giả trong những ngày qua, mong rằng ngành giáo dục xem như là góp ý đầy tâm huyết của những người quan tâm đến giáo dục và sau ý kiến của PGS-TS Nguyễn Lộc dưới đây, Thanh Niên tạm khép lại diễn đàn này.
PGS-TS Nguyễn Lộc - Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (nơi chủ trì xây dựng Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020) (ảnh) đã có cuộc trao đổi với PV Thanh Niên. Ông cho biết:
- Một trong những nội dung quan trọng của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 được Chính phủ phê duyệt vừa qua là xác định rằng các ngoại ngữ được giảng dạy chính thức trong nhà trường bao gồm tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác. Một nội dung khác hết sức quan trọng là thời lượng dành cho dạy và học ngoại ngữ được tăng lên rất nhiều, cụ thể là đối với giáo dục phổ thông thời lượng này được tăng lên 1.150 tiết (trước kia chỉ có 700 tiết). Với thời lượng dạy và học ngoại ngữ như vậy mới hy vọng có thể đảm bảo cho học sinh (HS) kết thúc chương trình có thể sử dụng ngoại ngữ một cách tự tin và độc lập. Một nội dung nữa của đề án cần được nhấn mạnh là ngoại ngữ sẽ được dạy từ lớp 3, tức là lần đầu tiên cấp tiểu học được tham gia vào việc học ngoại ngữ với tư cách là môn học bắt buộc. Từ trước tới nay môn học này chỉ được dạy như môn học tự chọn. Cuối cùng là đề án này còn hướng tới việc tạo cho việc dạy và học ngoại ngữ trở nên tương thích và phù hợp với quốc tế bằng cách dùng các chuẩn của quốc tế để thiết kế chương trình cũng như đánh giá quá trình học tập của HS.
* Xin ông cho biết dựa trên những nghiên cứu khoa học hay tình hình thực tiễn nào mà môn tiếng Anh được quyết định sẽ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 chứ không phải từ lớp 1 hoặc lớp 2?
- Xu thế dạy tiếng Anh cho người trẻ, hay là trẻ em là một xu thế phổ biến trên thế giới hiện nay. Các thử nghiệm và nghiên cứu cho thấy trẻ em có năng lực tiếp thu ngoại ngữ rất nhanh và hiệu quả cao, thậm chí các em chưa biết chữ vẫn có thể học ngoại ngữ được. Tuy nhiên, về mặt tâm - sinh lý thì việc học ngoại ngữ ở trẻ em cũng gặp phải những khó khăn so với người trưởng thành. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, do quá trình tâm - sinh lý của trẻ chưa ổn định, việc học ngoại ngữ cũng không có tính mục đích nên rất dễ xảy ra tình trạng lơ là, thiếu tập trung trong quá trình học.
Nhưng yếu tố tâm - sinh lý ấy chưa phải là điều quyết định đến thành công hay thất bại của việc dạy học ngoại ngữ. Có thể khẳng định rằng: nên dạy ngoại ngữ sớm hay muộn, có hiệu quả hay không hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện của nhà trường: nhà trường đã sẵn sàng cho việc dạy và học ngoại ngữ hay chưa, đã có đội ngũ giáo viên có chất lượng chưa, cơ sở vật chất và phương tiện dạy học đầy đủ chưa, chương trình và tài liệu dạy học có phù hợp không?
Nếu cứ theo phong trào, nếu cứ áp đặt sự chủ quan của người lớn thì các em sẽ như một tờ giấy trắng bị làm hỏng bởi thiếu “mực”, thiếu nội dung để “vẽ” lên nó. Từ lớp 1 các em hoàn toàn có thể học ngoại ngữ nhưng có nên dạy hay không trong điều kiện thực tế của một trường, của một đất nước ấy lại là chuyện khác.
Cách đây vài năm Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Hội đồng Anh đã từng tiến hành những nghiên cứu riêng biệt về việc dạy tiếng Anh với tư cách là môn học tự chọn ở cấp tiểu học ở một số địa phương. Các phát hiện của các nghiên cứu này cho thấy mức độ báo động khi mà trang thiết bị nghèo nàn đến mức không thể chấp nhận được, bên cạnh đó chất lượng đội ngũ giáo viên cũng là vấn đề cần phải quan tâm. Cho nên hiệu quả của việc dạy ngoại ngữ cho trẻ không cao như mong đợi. Ví dụ như vậy cho thấy, nếu chỉ dạy ngoại ngữ theo phong trào, dạy cho có thì sẽ là một sai lầm lớn của các trường.
Thực tiễn cho thấy, hiện nay đại đa số các nước trên thế giới dạy ngoại ngữ từ lớp 3, một số lượng cũng không ít dạy ngoại ngữ từ lớp 6 và một số ít các nước khác nơi mà tiếng Anh là ngôn ngữ hành chính hoặc là ngôn ngữ thứ hai như: Singapore, Malaysia, Brunei... thì tiếng Anh được dạy từ lớp 1. Yếu tố quyết định thành công cần phải xem xét trước khi quyết định đưa môn ngoại ngữ vào giảng dạy là đội ngũ giáo viên và trang thiết bị.
* Vậy ngoài quy định chung như vậy thì Bộ GD-ĐT có khuyến khích việc các nhà trường hoặc các địa phương thực hiện việc dạy tăng cường tiếng Anh từ lớp 1, lớp 2 không?
- Do ngoại ngữ có tính nhu cầu cụ thể của địa phương và cá nhân rất lớn nên không thể áp đặt trong vấn đề này, sẽ không có chuyện ở đâu có nhu cầu cao hơn mà quy định lại “kéo” họ xuống để thấp bằng với mặt bằng chung. Chuẩn mà đề án đưa ra là chuẩn tối thiểu và đề án cũng khẳng định: địa phương nào có điều kiện, có nhu cầu thì có thể dạy ngoại ngữ với thời lượng nhiều hơn, bắt đầu dạy sớm hơn, dạy đến mức độ cao hơn.
* Theo ông, việc dạy tăng cường tiếng Anh cho trẻ từ lớp 1 với thời lượng 6-8 tiết/tuần liệu có mang lại hiệu quả như mong muốn?
- Tăng thời lượng dạy và học ngoại ngữ là một điều kiện cần và nếu thời lượng càng nhiều thì ta sẽ có nhiều hy vọng là HS sẽ giỏi ngoại ngữ hơn. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, cần phải lưu tâm đến đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và phương tiện dạy học, chương trình và tài liệu giảng dạy, môi trường hỗ trợ ngoại ngữ... Và phương pháp cũng đóng vai trò rất quan trọng. Nếu dạy học 6-8 tiết ngoại ngữ/tuần mà cách dạy cứ khô cứng thì quả thật sẽ trở thành một sự nhàm chán và quá tải cho HS. Lứa tuổi mà tâm sinh lý chưa ổn định, tính mục đích và ý chí chưa cao thì cách dạy học của giáo viên phải thật sinh động, đa dạng, kết hợp với vui chơi, tham gia các hoạt động ngoài trời...
* Học sinh muốn vào lớp 1 có tăng cường ngoại ngữ của các trường tiểu học hiện nay phần lớn đều phải qua một kỳ kiểm tra, khảo sát đầu vào rất căng thẳng. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?
- Do nhu cầu của các bậc phụ huynh ở các thành phố lớn trong việc cho con học tăng cường ngoại ngữ từ sớm quá lớn trong khi điều kiện thực tế của các trường lại chưa đáp ứng được nên một số địa phương phải đưa biện pháp “khảo sát” đầu vào để giảm bớt số lượng này. Tuy thông cảm với biện pháp này nhưng tôi cho rằng cần xem xét lại vì nó gây căng thẳng cho trẻ em (và gia đình) khi các em mới chập chững bước vào lớp 1. Đối mặt với việc các em không được học cái mà các em muốn vì không đủ năng lực thì quả là một cú sốc đầu đời. Có lẽ nên quy định: trường nào muốn dạy ngoại ngữ tăng cường phải đảm bảo tuyển được hết 100% HS muốn học; tránh cho HS khỏi một kỳ khảo sát đầu vào căng thẳng, không cần thiết.
* Xin ông đưa ra một vài lời khuyên đối với các bậc phụ huynh đang có nhu cầu cho con mình học tăng cường tiếng Anh từ khi còn nhỏ?
- Lời khuyên của tôi là nếu con em của một ai đó không vượt qua được kỳ khảo sát để có thể vào học lớp ngoại ngữ tăng cường thì cũng đừng nghĩ rằng con mình không học được và sẽ không được học ngoại ngữ. Không vào được lớp tăng cường ngoại ngữ từ lớp 1 ngay trong năm học này ở một số ít trường thì chỉ vài năm tới đây (năm 2010), khi môn tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 thì cơ hội lại đến với tất cả trẻ em và tôi xin khẳng định rằng việc học ngoại ngữ từ lớp 3 vẫn là sự khởi đầu khá lý tưởng, không hề muộn.
Giai đoạn 2008-2009 chuẩn bị thí điểm môn học ngoại ngữ; giai đoạn 2010-2011 môn ngoại ngữ trở thành môn học bắt buộc và khối lớp 3 của cấp tiểu học sẽ là “vạch xuất phát” đầu tiên của đề án này. |
Tuyết Mai (thực hiện