Theo cô giáo Vũ Mỹ Lan, Trưởng bộ môn Tiếng Anh - Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM thì do đặc tính riêng đối với môn thi Tiếng Anh nên thí sinh không nên phân biệt câu dễ làm trước, khó làm sau mà nên làm trình tự từ đầu đến cuối. Việc thí sinh phân biệt câu khó dễ hay dẫn đến việc bỏ sót, khoanh sai đáp án từ câu này sang câu nọ...
Cô Lan cho rằng, môn Tiếng Anh thi theo hình trắc nghiệm nên đề không thể quá khó mà chủ yếu kiểm tra các kiến thức cơ bản. Chính vì thế nếu thí sinh quản lý quỹ thời gian tốt thì kết quả làm bài sẽ hiệu quả. Thí sinh không nên làm bài quá nhanh để quay lại làm lại lần hai bởi đối với môn thi này nếu thí sinh càng sửa nhiều thì càng không chính xác. Thí sinh chỉ cần tính toán làm sao để dư khoảng 10-15 phút để kiểm tra lại bài thi của mình như xem đã khoanh đáp án đúng quy định hay chưa, đã ghi đầy đủ thông tin trên giấy trả lời trắc nghiệm hay chưa… Để tránh việc mất thời gian trong việc tô lại đáp án, thí sinh nên sử dụng bút chì mềm.
Về phân bố thời gian để làm bài cô Lan khuyên thí sinh chỉ dành 1-2 phút để làm các câu hỏi về từ vựng, ngữ pháp. Đối với phần đọc hiểu thì cần đọc lướt nhanh sau đó xem đề bài hỏi những gì. Do đặc tích là đọc hiểu chứ không phải đọc dịch nên thí sinh tránh việc đọc toàn bài để dịch và sau đó trả lời. Cách làm này rất mất thời gian và không hiệu quả.
Theo quan điểm của PGS.TS Lê Quang Hưng, trưởng bộ môn Việt Nam học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì đối với môn Văn thí sinh phải xác định làm hết và không bỏ sót câu nào. Việc thí sinh không đạt được kết quả cao ở môn thi này là do chưa chủ động bố trí thời gian làm bài. Khi nhận được đề thi thí sinh cần đọc để hiểu những yêu cầu từng câu và sau đó bố trí thời gian tương đối cho từng câu hỏi đó.
Cũng theo thầy Hưng thì rất nhiều thí sinh thường hay có tâm lý “sa đà” vào những câu trúng tủ. Những câu trúng tủ thí sinh viết rất dài nên dẫn đến mất quỹ thời gian làm bài. Chính vì thế khi làm bài thi môn Văn, thí sinh phải vừa say, vừa tỉnh là như vậy.
Về kinh nghiệm làm bài, thầy Hưng chia sẻ, ở câu 1 chiếm 2 điểm thì thí sinh chỉ cần viết 1 trang giấy là đủ. Đối với câu nghị luận thì nên có chính kiến riêng và chỉ cần viết từ 2-3 trang là phù hợp.
Chia sẻ về cách làm bài môn Toán, Th.S Toán học Phan Văn Danh - khoa Toán Trường ĐH Sư phạm Huế cho rằng thí sinh nên tuân thủ nguyên tắc dễ làm trước, khó làm sau.
Khi nhận đề thi thí sinh cần đọc kỹ đề. Tốt nhất là nên đọc 3 lần: lần 1 đọc lướt toàn bộ câu hỏi, lần 2 đọc gạch chân các ý quan trọng trong đề, lần 3 đọc để làm bài.
Cũng theo thầy Danh thì khi thi môn Toán, thí sinh cần xác định không cần đạt điểm 10 mà chỉ cần đạt điểm cao nhất có thể. Đối với môn Toán thì thường có 7 câu 10 ý, chính vì thế thời gian làm mỗi câu là từ 15-17 phút. Để có thể còn quỹ thời gian làm các câu khó hơn thì thí sinh nên chọn câu nào có khoảng thời gian làm bài dưới 10 phút làm trước. Thí sinh cũng nên dành khoảng 20-30 phút để kiểm tra toàn bộ bài làm của mình.
Trong đề thi các câu được coi là dễ đó chính là câu tích phân, hình học giải tích - không gian. Câu khó bao gồm câu số 5 và câu 2 ý 2.
Sau khi nhận định được câu khó, dễ thí sinh nên kẻ trên giấy nháp thành hai cột. Cột bên trái là câu hỏi, cột bên phải là thời gian dự kiến làm bài theo trình tự từ dễ đến khó. Nếu trong quá trình làm bài hết thời gian dự kiến thì thí sinh nên tạm thời bỏ qua để làm câu khác.
Khi bỏ qua như vậy thì không nên bỏ trống khoảng trống trên giấy làm bài để tránh những rắc rối như nghi đánh dấu bài... Khi chấm thi, các thầy sẽ đọc bài làm và khi đọc sang trang khác thấy câu hỏi đó tiếp tục được thí sinh trình bày thì các thầy sẽ vẫn chấm bình thường.