Nhanh nhẹn, tinh tường và đầy tâm huyết, cụ ông Lê Phước Thiệt - 83 tuổi đã đến đăng ký học Thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh tại Đại học Duy Tân. Sau 2 năm chuyên tâm học tập, cụ đã nhận tấm bằng Thạc sĩ với tinh thần học để “đánh thức” bộ não người già, học để có thêm tri thức, và học không bao giờ là muộn. Lắng nghe những chia sẻ đầy giản dị của cụ Lê Phước Thiệt trong suốt quá trình học Cao học tại Đại học Duy Tân sẽ khiến các thế hệ học viên, sinh viên hôm nay trân trọng và tự hào.
Cụ ông Lê Phước Thiệt - 83 tuổi học Thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh tại Đại học Duy Tân
Nhận được cuốn hồi ký “Năm tháng dâng Người” của Nhà giáo Ưu tú, Anh hùng Lao động Lê Công Cơ từ cháu tôi (ông Nguyễn Đình Ba – Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Quảng Nam), tôi đã rất xúc động. Đây cũng chính là niềm cảm hứng đầu tiên để tôi tìm đến Đại học Duy Tân để tìm hiểu thêm về trường. Tôi nhận thấy chương trình đào tạo Thạc sĩ của trường rất tốt và quyết định sẽ bắt đầu học Cao học tại đây.
Trước đó, tôi đã từng theo học trường Đại học Bang California (Mỹ) khi đã 65 tuổi. Ngày đó tôi cũng trăn trở: Bao nhiêu người nước khác ao ước được học ở Mỹ, vậy tại sao mình đang ở trên đất Mỹ mà không chịu học? Ngày tôi bước vào giảng đường bên ấy, mọi người cũng nhìn tôi với ánh mắt tò mò: vừa già nhất trường, vừa là người Việt. Nhưng có gì đâu, sự học với tôi không bao giờ là muộn, học thức không phân biệt trẻ hay già, chỉ đến với người có ý chí.
Cụ Lê Phước Thiệt nhận bằng Thạc sĩ tại buổi Lễ Tốt nghiệp
Giờ trở về Việt Nam, tôi không phải lo lắng gì khi 7 người con đang ở Mỹ đều đã trưởng thành và thành đạt. Các con tôi đang là Tiến sĩ, Bác sĩ, chuyên gia của Tập đoàn Cisco,... Vậy vì sao tôi lại không đi học khi bản thân chưa bao giờ nguôi cơn “thèm” học?
Tôi học để răn dạy con cháu: “Ông nội đến tuổi đó còn chuyên tâm học hành, không lý gì mà bọn trẻ lại bỏ bê việc học.” Sự học của tôi bây giờ không phải để khởi nghiệp kinh doanh, không phải để tham gia thương trường mà học để có kiến thức, để tự tin làm những việc mình mong muốn, học để bộ não được tinh tường, nhạy bén, học để khiến con người ta sống mực thước hơn và để thấy tuổi già thật ý nghĩa, để sau này không còn thấy hối tiếc vì sự học chưa làm thật trọn vẹn.
Biết đi học thể nào cũng phải leo cầu thang, đi bộ nhiều nên hôm mới ra Đà Nẵng tôi đã tìm ngay trung tâm thể hình để đăng ký luyện tập. Hôm cụ tới ghi danh, huấn luyện viên lắc đầu vì cụ già quá không tập tành gì được, và cũng lo cụ tập quá sức lỡ xảy ra chuyện gì chỉ thêm rắc rối. Vậy mà cụ gạt phăng, bảo cứ cho tập thử, rồi cụ vào cầm lấy hai quả tạ loại vừa giơ lên hạ xuống rất nhịp nhàng, sành sỏi, huấn luyện viên thấy vậy liền gật đầu cho cụ theo học.
Tôi chẳng thể nào tiếp thu nhanh bằng lớp trẻ, để theo kịp chương trình thì phải cần cù thôi. Phần lớn thời gian tôi ở thư viện để đọc thêm tài liệu, xem lại bài. Ở trường bao giờ cũng có không khí học tập hơn ở nhà cả. Hồi ở Mỹ, tôi cũng siêng năng vậy mới tốt nghiệp được đại học. 2 năm học tập, dù ngày mưa hay nắng, cụ cũng không đi muộn dù chỉ một buổi học. 18h buổi học mới bắt đầu, nhưng cụ Thiệt là người tới sớm nhất, lựa cho mình chỗ ngồi ở bàn trên để nhìn cho rõ. Nhiều hôm bão gió, con cháu khuyên ở nhà nhưng cụ vẫn bắt xe buýt đi hơn 30km để đến trường học tập.
Trước khi làm Luận văn tốt nghiệp, tôi có bị ngã dập phần mềm tay phải. Bác sĩ nói tôi phải phẫu thuật thì mới mong khỏe lại, cộng với căn bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính tái phát khiến sức khỏe của tôi giảm sút. Tôi đã suy nghĩ đến chuyện dừng việc học lại, nhưng nhờ sự động viên của Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ cùng các thầy cô trong trường và các bạn học viên, tôi đã thêm động lực để tiếp tục thực hiện luận văn, hoàn thành khóa học. Làm luận văn khó lắm, gian nan lắm nhưng phải làm cho được. Ngày nhận bằng Thạc sĩ của Đại học Duy Tân, nhận được lời chúc mừng từ con cháu, các giảng viên nhà trường, bạn bè xung quanh, tôi vô cùng vui mừng và xúc động.
25 năm lưu lạc trên đất khách, cụ Lê Phước Thiệt quyết định trở về quê hương, sống trong tình làng nghĩa xóm và đồng hành cùng người dân Hoán Mỹ, Ái Mỹ của tỉnh Quảng Nam tham gia hoạt động xã hội vì cộng đồng. Ngoài việc tham gia công tác tại Hội khuyến học Khu Hoán Mỹ, Ái Mỹ, Khu 6, tham gia phong trào thể dục thể thao, cụ Lê Phước Thiệt đã hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn nối dài tuyến đường khu 6 - khu Hoán Mỹ dài 700m, góp sức xây dựng hệ thống điện thắp sáng, phát quà Trung thu cho thiếu nhi khu Hoán Mỹ đồng thời trao quà cho trẻ em tại Trại Mồ Côi huyện Đại Lộc,... Cụ chính là tấm gương sáng về tinh thần ham học hỏi với một trái tim nhân ái!.