English

Hợp tác & Hội nhập

“Tay máy vàng” K’Linh tham gia đào tạo làm phim tại Đại học Duy Tân

Chấp nhận “thất nghiệp” dù những dự án ca nhạc, phim truyền hình tới tấp mời gọi, sẵn sàng từ chối các cơ hội việc làm có thu nhập cao để được tự do sáng tạo và làm việc vì nghệ thuật, sau hơn 1 tháng trao đổi bàn luận, “Tay máy vàng” K’Linh - được xếp vào nhóm “người chọn việc” đã nhận lời tham gia Khóa đào tạo làm phim ngắn hạn tại Đại học Duy Tân. Tìm thấy niềm đam mê, tinh thần học hỏi cao của nhóm làm phim trẻ tại Đại học Duy Tân và ấn tượng trước các thiết bị quay và làm phim hiện đại của Nhà trường, nhà quay phim tài năng K’Linh đã dành nhiều tâm sức hướng dẫn, giảng dạy và hỗ trợ để khóa học diễn ra từ ngày 1-3/12/2014 trở nên thực sự hữu ích, mở ra một hướng phát triển mới về làm phim cũng như hỗ trợ quá trình giảng dạy, học tập cho thầy và trò Duy Tân.
 
Nhà quay phim K’Linh (bên phải)
 
Tại Đại học Duy Tân, rất nhiều các dự án làm phim đang được triển khai. Tiêu biểu nhất phải kể đến dự án Phim Tài liệu lịch sử về Cuộc chiến trên không ở miền Bắc giai đoạn 1965-1972 trong chiến tranh Việt Nam với các tái hiện lịch sử bằng 3D ở tập phim mở đầu mang tên “Khi Én bạc vào trận”. Đứng đầu ê-kíp thực hiện dự án này là đạo diễn người Pháp, Didierjean Vincent Raphael - người đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các dự án điện ảnh. Ngoài những thước phim tư liệu được dựng bằng kỹ thuật 3D, “Khi Én bạc vào trận” sẽ là những câu chuyện được kể bởi những người lính đã chiến đấu bảo vệ quê hương của mình, qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp với các chứng nhân lịch sử.
 
Một bức tranh toàn diện và chân thực về Đại học Duy Tân cũng đã được truyền tải tới các tổ chức, doanh nghiệp, các bậc phụ huynh, học sinh sinh viên… thông qua nhiều thước phim được thực hiện bởi các “tay máy” Duy Tân. Tại địa chỉ http://www.youtube.com/duytanuniversity, những thông tin mới nhất về công tác đào tạo, hợp tác quốc tế, về tình thầy trò, sự tín nhiệm của xã hội cùng những giải thưởng lớn trong và ngoài nước của sinh viên Duy Tân đã được ghi nhớ bởi những thước phim đẹp. Nhiều năm qua, công tác làm phim đã hỗ trợ rất lớn trong hoạt động đào tạo, trong đó có chương trình Cử nhân Trực tuyến. Đột phá trong cách thức tiếp cận và cung cấp tài liệu là các tư liệu âm thanh (bài giảng thu âm MP3/MP4), tư liệu hình ảnh (bài giảng ghi hình) cùng mô hình lớp học ảo qua mạng tạo điều kiện cho giảng viên và học viên dễ dàng tương tác với nhau ở nhiều thời điểm, bất kể địa điểm đã thúc đẩy Đại học Duy Tân mở rộng đào tạo Cử nhân Trực tuyến ra khắp cả nước, tạo cơ hội cho 2.500 học viên nâng cao tri thức, đáp ứng nhu cầu thực tế phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.
 

Nhà quay phim K’Linh cùng nhóm làm phim Đại học Duy Tân

Trên tinh thần đó, việc mời nhà làm phim K’Linh tới hướng dẫn trong Khóa đào tạo làm phim ngắn hạn trở thành hoạt động hữu ích hướng tới chuyên nghiệp hóa các hoạt động làm phim tại Đại học Duy Tân. Nổi tiếng là nhà quay phim khó tính, tuy nhiên những thành công sau một quá trình hy sinh cho nghề đã khiến các đồng nghiệp trong giới khâm phục. K’Linh đã là “tay máy” chính cho các bộ phim truyền hình “Gấu cổ trắng”, “Tài tử nghiệp dư”, “Mầm sống”, “Dốc tình”, “Lục Vân Tiên”… và khi “lấn sân” sang điện ảnh, anh đã được vinh danh Quay phim xuất sắc nhất với phim “Huyền thoại bất tử” và “Thiên mệnh anh hùng” tại Giải Cánh diều trong năm 2008 và 2012. Những đạo diễn phim anh hợp tác là những người nổi tiếng, thành công và có một bề dày kinh nghiệm làm phim đáng khâm phục như Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn, Lưu Huỳnh, Victor Vũ…

Tại khóa học, nhà quay phim K’Linh đã giới thiệu chi tiết về hoạt động quay phim, các quy trình thực hiện một cảnh quay, sắp đặt ánh sáng, sân khấu, nhân vật… để tạo nên một thước phim sống động và chân thực. Không ít lần thất vọng khi chứng kiến giới trẻ bỏ qua công đoạn tích lũy rất quan trọng để tạo nên một nhà quay phim lành nghề. Bởi vậy khi tham gia đào tạo tại Duy Tân, anh rất vui khi chứng kiến niềm đam mê và tâm huyết thực sự của các nhà làm phim trẻ tại trường đồng thời khá ấn tượng với sự đầu tư bài bản và đồng bộ các thiết bị quay phim và làm phim. Với K’Linh, sáng tạo là yếu tố sống còn để thành công và trong quay phim, sáng tạo chính là ánh sáng. Bởi vậy, K’Linh dành nhiều thời gian để hướng dẫn các “tay máy” Duy Tân cách đặt góc quay, lựa chọn ánh sáng để tạo ra cảm xúc và áp đặt cảm xúc cho khán giả.

Đạo diễn người Pháp, Didierjean Vincent Raphael chia sẻ: “Bộ phim 'Khi Én bạc vào trận' đang thực hiện tại Đại học Duy Tân có nhiều cảnh quay phỏng vấn các nhân chứng lịch sử đã từng cầm súng để bảo vệ Tổ quốc, bởi vậy thực sự cần các cảnh quay chân thực và cảm xúc. Khóa học này đã giúp nhóm làm phim nâng cao năng lực chuyên môn cũng như phát huy được tính sáng tạo trong quá trình quay phim. Khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển với sự ra đời của nhiều máy quay hiện đại thì việc làm một bộ phim ngắn không khó với mỗi người. Tuy nhiên, làm một bộ phim chất lượng thì không đơn giản như vậy. Tôi đã xem nhiều bộ phim của nhà quay phim K’Linh và nhận thấy giá trị đích thực trong từng cảnh quay. Thời gian tới, Đại học Duy Tân tiếp tục mời các chuyên gia nước ngoài về hướng dẫn trong lĩnh vực âm thanh cho đoàn làm phim, hỗ trợ tối đa để hoạt động quay phim, giảng dạy và đào tạo đạt hiệu quả cao.”

(Truyền Thông)