English

Giấc mơ Duy Tân

Từ tinh thần nhân văn đến hành trình trường Đại học hạnh phúc

Xuất bản cuốn sách thứ 11: TỪ TINH THẦN NHÂN VĂN ĐẾN TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẠNH PHÚC của thầy giáo Lê Công Cơ nhân kỷ niệm 30 năm thành lập trường Đại học Duy Tân

 

Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Đại học Duy Tân (1994-2024), Nhà giáo ưu tú – Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Chủ tịch Hội đồng trường, thầy Lê Công Cơ (cũng chính là Người đã khởi xướng, và là thành viên tiên phong sáng lập trường) đã có cuốn sách thứ 11 của “nghiệp Văn, dù tôi vốn là Cử nhân Toán”: TỪ TINH THẦN NHÂN VĂN ĐẾN TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẠNH PHÚC (Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn).

 

Từ tinh thần nhân văn đến hành trình trường Đại học hạnh phúc
Thầy Lê Công Cơ chủ trì buổi họp báo giới thiệu tủ sách truyền thống Đáp lời sông núi

 

Tác giả luận rằng, “UNESCO đã đưa ra một mô hình “Trường học hạnh phúc - Happy School” xoay quanh 3 chữ P: People (con người), Process (Hệ thống), Place (Môi trường). Trong đó, chữ P đầu tiên là People (Con người). Để có một trường học hạnh phúc thì cần chú trọng xây dựng những giá trị nhân văn và những chuẩn mực hành xử tích cực giữa Người với Người.

 

Chữ P thứ hai là Process (Hệ thống) Các quy trình, chính sách, hoạt động… được thiết kế để vận hành ngôi trường ấy có hợp lý hay không. Thật khó để học trò hạnh phúc khi mà ngày ngày các em phải đối mặt với khối lượng bài vở khổng lồ, thời gian chơi đùa gần như chẳng có. Cũng như thật khó để giáo viên kiến tạo lớp học hạnh phúc cho học trò của mình với một chương trình quá tải, áp lực thành tích đè nặng trên vai, các công cụ hỗ trợ thì ít ỏi mà đồng lương thì bèo bọt.

 

Chữ P thứ ba là Place (Môi trường) Những không gian vật chất lẫn không gian văn hóa giúp cho trường học là một môi trường an toàn, thân thiện với học sinh. Trong đó sẽ không có nhà vệ sinh bẩn, bạo lực học đường, không có cảnh cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng…, như đã từng xảy ra tại một vài trường phổ thông của chúng ta”.

 

Nội hàm một Đại học hạnh phúc

 

Cột mốc 30 năm (1994-2024), Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ cho rằng “đây cũng là một bước chạy đà để những người sáng lập trường Đại học Duy Tân và các cộng sự thực hiện chiến lược đưa trường Đại học Duy Tân trở thành một trường Đại học Hạnh phúc. Phương châm được đưa ra: “Sự tin cậy, chỗ dựa tinh thần, tấm gương và tình yêu thương” (là) để có một Đại học Duy Tân hạnh phúc trong thời gian sắp tới!

 

Từ tinh thần nhân văn đến hành trình trường Đại học hạnh phúc

 

Trong những nội hàm của một Đại học hạnh phúc, ông khẳng định rằng, Đại học Duy Tân sẽ phải “khẩn trương hoàn chỉnh, bổ sung và xây mới một hệ thống chính sách”. Trong đó (và là đầu tiên), chính là chính sách về tuyển dụng, thu hút những người có tài, có tâm huyết với giáo dục; đồng thời, giữ được những người giỏi gắn bó lâu năm với trường. Hướng về NGƯỜI HỌC “trong và ngoài”, phải có “Chính sách học bổng cho sinh viên xuất sắc, con gia đình khó khăn, học giỏi.Chính sách giảm hoặc miễn học phí cho con cháu của đội ngũ đang công tác tại trường”.

 

Và hướng về CON NGƯỜI, phải có “Chính sách cho những thành viên đến tuổi hưu, có năng lực và sức khỏe được tiếp tục cống hiến cho Đại học Duy Tân, cho tới khi không thể tiếp tục được nữa”. Quan điểm về HẠNH PHÚC của một ĐẠI HỌC, như vậy là hài hòa, có riêng, có chung, có trước, có sau. Và Đại học hạnh phúc không gì hơn, là kiến tạo (thành công) một môi trường học thuật thực sự để phụng sự quốc gia, dân tộc.

 

Đại học hạnh phúc là đặt mọi điều trên nền tảng nhân văn

 

Trong tập sách, tác giả đã khá kỳ công để định nghĩa về NHÂN VĂN. Nói cách khác soi rọi khái niệm này, ở nhiều lăng kính khác nhau: Từ truyền thống và hiện đại. Bắt đầu từ giá trị nhân văn tôn giáo, đó là “Tinh thần nhân văn chủ đạo trong Nho giáo”, hay “Những quan điểm nhân văn bao trùm của Phật giáo”. Tiếp đến là bàn sâu các giá trị nhân văn dưới góc nhìn của văn hóa Việt Nam; kể cả những biểu hiện của khủng hoảng giá trị nhân văn trong quá trình phát triển, …

 

Phải nói đây là những trang viết mài mòn nhiều sức lực của tác giả. Bởi phải đọc, nghiên cứu, hệ thống lại gần như toàn diện hành trình của NHÂN VĂN trên nền giá trị Việt Nam. Trước đó, ông cũng tiêu hao nhiều sức khỏe, để đưa tinh thần nhân văn, đi vào đời sống một học hiệu, mà chính ông là người lặn lội khai sinh. “Lúc tôi đi xin giấy phép để mở trường, có ý kiến nói thẳng với tôi rằng, cực nhọc để làm gì ? chẳng ai dám cấp phép cả ! Chủ nghĩa xã hội không bao giờ chấp nhận có trường tư (!)”, ông kể với tôi.

 

“Trên nguyên tắc hành xử theo chữ ĐẠO trong việc LÀM NGƯỜI, tôi luôn nghĩ tới nền tảng GIÁO DỤC NHÂN VĂN mà một nhà trường, dù hiện đại đến mức nào chăng nữa, cũng cần phải có. Do đó, tất cả tập thể quản lý và đào tạo phải thống nhất nguyên tắc: “Đào tạo gắn liền với nghiên cứu thực nghiệm, trên nền tảng Nhân văn - Hiện đại”, “Lấy thực hành gắn với nhu cầu của doanh nghiệp làm trọng tâm, trong suốt quá trình đào tạo và nghiên cứu”. Việc truyền đạt kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho sinh viên, dù thông qua những giáo trình, phương pháp thật tiên tiến, có sự hỗ trợ tối ưu của hệ thống giáo cụ và nghe nhìn hiện đại, nhưng tất cả phải đứng vững trên cái nền NHÂN VĂN.

 

Từ tinh thần nhân văn đến hành trình trường Đại học hạnh phúc
Nhà giáo Lê Công Cơ và đại diện Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh

ký kết hợp tác toàn diện. Ảnh: T.Ngọc

 

Dạy Chữ, dạy Nghề, nhưng luôn luôn phải song hành dạy các em LÀM NGƯỜI. Con Người đúng nghĩa sẽ đối nhân xử thế một cách mực thước, không làm tổn thương người khác; biết đem cái Chữ, cái Nghề ra phục vụ xã hội, để qua đó tự nuôi sống bản thân và làm lợi cho xã hội, cộng đồng. Đó là lý tưởng, là lẽ sống mà chúng ta phải luôn tâm niệm - và có phương pháp thật phù hợp – để dạy dỗ cho các em, các cháu”, tác giả giải thích cái nền NHÂN VĂN của Đại học Duy Tân, những viên gạch đầu tiên, từ đó, một Đại học hạnh phúc bắt đầu được xây dựng.

 

Vì sao phải xây dựng Đại học hạnh phúc ?

 

“Một trường đại học có uy tín, khẳng định được học hiệu có chất lượng đào tạo cao, không thể không xây dựng trên nền tảng của những giá trị nhân văn, để từ đó, có điều kiện hướng tới một đại học hạnh phúc”, Nhà giáo Lê Công Cơ nhấn mạnh trong tập sách, như một lý giải: Đại học hạnh phúc bắt đầu từ đâu?.

 

Nhưng ông cũng tự hỏi, xây dựng Đại học hạnh phúc để rồi “Ta làm gì với giá trị ấy ?”. Và lý giải, (chính là) để đáp ứng yêu cầu của cả quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh quốc tế hiện nay và (quan trọng hơn) để xây dựng nên giá trị Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Việt Nam, với truyền thống lịch sử, đã xây dựng được giá trị dân tộc về chống giặc ngoại xâm và bảo vệ chủ quyền đất nước, được thế giới thừa nhận. Còn trong xây dựng và phát triển đất nước, mặc dù đạt nhiều thành quả lớn, nhưng có thể nói, chúng ta chưa thực sự thành công trong kết nối xây dựng giá trị dân tộc, nhất là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng xã hội văn minh, hiện đại. Đây là vấn đề lớn đặt ra trong việc xây dựng hệ giá trị phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới. Điều rất quan trọng là phải cụ thể hóa được hệ giá trị tổng quát (sau khi xây dựng được) theo yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho giai đoạn hiện nay.

 

Trường đại học trước yêu cầu “Con người phải tạo nên giá trị dân tộc mình”

 

Tác giả viết: Nhiều thành tựu chính trị, kinh tế, xã hội và cả văn hóa đã được người dân chứng kiến, đặc biệt từ khi Đảng ta tiến hành công cuộc Đổi mới. Tuy nhiên, không có bất cứ thứ gì không có mặt trái của nó. Sự mở cửa về kinh tế, xã hội, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông, bên cạnh những tác động tích cực, cũng để lại rất nhiều hệ quả.

 

Xã hội rơi vào tình trạng khủng hoảng giá trị. Từ khủng hoảng giá trị dẫn đến mất niềm tin và định hướng trong xã hội, đó là lý do quan trọng của tình trạng xuống cấp đạo đức vì xung đột và khủng hoảng giá trị và niềm tin. Tất cả khiến cho nhiều chủ nhân tương lai của xã hội (thế hệ trẻ) lạc lối trong cách xác định lý tưởng sống cũng như phong cách sống.Trào lưu cá nhân hóa khác rất nhiều so với lối sống vì cộng đồng từng phổ biến trong xã hội truyền thống. Đó là những điều thực sự đáng lo ngại. Trong tình hình này của xã hội, các trường đại học sẽ đóng vai trò gì và sẽ có trách nhiệm đến đâu?

 

Muốn xây dựng một nền văn hóa mang tính nhân văn sâu sắc cần phải thực hiện được vấn đề cốt yếu đầu tiên “Kiến tạo một nền giáo dục dân chủ, khoa học, nhân văn làm cho mọi năng lực sẵn có trong mỗi học sinh đều được phát triển tốt nhất”.

 

Vai trò của đại học trong nền kinh tế tri thức chính là đào tạo ra những người lao động bình thường nhưng có tri thức. Điều này gần như là một nguyên lý tồn tại một yêu cầu bức thiết không thể chối bỏ khi nói đến vai trò của đại học trong nền kinh tế tri thức toàn cầu hiện nay, nhất là trong trường hợp của đất nước ta, khi gia nhập vào kinh tế thị trường. Đã đến lúc phải đoạn tuyệt hẳn với kiểu “ngăn sông cấm chợ” để bắt đầu giương buồm ra biển lớn... Muốn làm được điều đó, nghĩa là muốn đóng tròn và đóng đúng vai trò của mình thì phải có một số điều kiện cần.

 

Một điều kiện cần cho phát triển và bảo đảm chất lượng đào tạo ở bậc đại học là, quyền tự chủ của các trường đại học. Nói cách khác, đó là “Quyền tự quyết của các trường đại học”. Ta không hề đòi hỏi đại học tự trị, như đại học ở các nước phương Tây. Nhưng ta cũng thấy thật đã quá lạc hậu nếu không cho phép các trường đại học được tự chủ, tự quyết trên một số lãnh vực.

 

Cần phải để cho các trường đại học tự chủ trong một số trường hợp nhất định nào đó; chẳng hạn như trong việc tuyển sinh; trong việc lựa chọn ngành đào tạo nào thích hợp với nhu cầu của xã hội, nhất là của địa phương mà trường đại học đứng chân; phải để cho các trường đại học uyển chuyển trong điều chỉnh số lượng sinh viên thích hợp với các ngành học, theo từng thời kỳ đào tạo nhất định. Đại học đa ngành ở mỗi địa phương, trước hết, phải đáp ứng những yêu cầu xã hội của chính con người và vùng đất mà trường đại học đứng chân.

 

Trong tình hình thực tế hiện nay, các trường đại học ở nước ta có thể làm được gì?

 

Từ tinh thần nhân văn đến hành trình trường Đại học hạnh phúc
Hợp tác cùng Đại học Upper Iowa (Hoa Kỳ). Ảnh: T.Ngọc

 

Trong việc đào tạo của các đại học hiện nay, không thể không chú trọng đến phương pháp đào tạo ứng dụng. Và chính bản thân các trường đại học phải chú trọng đến tạo dựng học hiệu uy tín, nghĩa là, phải luôn đào tạo được những sinh viên giỏi, có trình độ chuyên môn cao và có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt.

 

Trường đại học chính là vừa phải dạy cho người sinh viên của thời đại CNTT phải biết học, biết tận dụng khả năng ưu việt, nhanh nhạy của CNTT, nhưng vẫn luôn giữ được sự tự chủ, tin vào chính bản thân, tin ở những nhận định của bản thân, và phải luôn có sáng kiến trước những vấn đề của cuộc sống. Nghĩa là, trường đại học không thể rời bỏ cái gốc, cái nền móng cần thiết nhất, trong mọi sinh hoạt đại học, là tinh thần nhân văn.

 

Trường đại học đa ngành ở các địa phương phải nỗ lực giải quyết cho được vấn đề quan trọng hàng đầu là đội ngũ giáo sư, giảng viên. Không có Lương sư thì cũng chẳng thể có Cao đồ, không có Thầy giỏi, thì làm sao có Trò giỏi(?)!Cho đến nay, đây vẫn còn là bài toán khó cho cả hai trung tâm trí thức ở hai đầu đất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chứ chưa nói đến miền Trung và Tây nguyên vốn lâu nay vẫn khan hiếm đội ngũ trí thức...

 

Thứ hai, cần cải cách sâu rộng, triệt để việc thi cử, tuyển chọn và tuyển dụng... để sớm khắc phục tình trạng còn phổ biến hiện nay là học chỉ để thi, học cái gì thi cái ấy; học vì bằng cấp (do đó, đã đẻ ra nạn bằng thật mà học vị dỏm, hoặc tệ hơn là nạn mua bán bằng cấp). Thứ ba, là đổi mới nội dung, chương trình dạy và học. Thứ tư, là cần làm cho mỗi sinh viên có tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tự tin ở nhận định và bản lĩnh của bản thân, chứ không trở thành “nô lệ” của CNTT và không chỉ “học vẹt” để “trả nợ” ở các kỳ thi.

 

Phút lắng đọng của tác giả

 

Nhà giáo Lê Công Cơ kể, có người hỏi tôi rằng: Động cơ nào, động lực nào lại đi làm giáo dục, mở Đại học để “làn ăm” hay sao ?. Tôi chỉ bày tỏ tâm nguyện mà tôi đau đáu từ lúc đi kháng chiến: Nước mình nghèo quá, chiến tranh liên miên, tàn phá dữ dội. Sau này hòa bình, tái thiết như thế nào đây ? Không học vấn, không tri thức thì biết bao phận người trong chiến tranh rồi sau chiến tranh sẽ không thể đổi đời, trong đó có con, có em, có người thân đồng đội tôi, và biết bao người là đồng bào của tôi … Tôi mở trường, xây lớp rồi xây cơ ngơi giáo dục này, … là vì muốn đền đáp công ơn bao người đã hy sinh, đã chết trong cuộc chiến. Tôi đã từng hứa với những đồng đội đã hy sinh, sẽ làm điều gì đó thật xứng đáng.

 

30 năm hình thành học hiệu rồi gây dựng từng bước và phát triển cho đến hôm nay là một chặng đường với biết bao gian khó trong sóng gió, trong thử thách. Thử thách đầu tiên là sức chịu đựng của tôi – với tư cách là một trong những thành viên sáng lập, đi với trường từ viên gạch nền móng đầu tiên. Nói những cái khó của Đại học Duy Tân suốt 30 năm qua, nói không hết … Và Trường (Đại học Duy Tân) đã tự lực “gần như toàn bộ”.

 

TỪ TINH THẦN NHÂN VĂN ĐẾN TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẠNH PHÚC là cuốn sách thứ 11 của tác giả. Ấn phẩm tiếp theo, thứ 12 (có tựa là Tinh thần Đại học) sẽ được xuất bản trong năm nay. 10 đầu sách trước đó, gồm Giấc Mơ Duy Tân ; Khát vọng Duy Tân ; Một thời sống đẹp ; Một số vấn đề về phát triển nông nghiệp ; Năm tháng dâng người ; Năm tháng tình người ; Người của một thời ; Những chân trời khát vọng ; Sáng tạo để canh tân và Từ một mái trường. Trong số này, nhiều đầu sách đã tái bản đến 2-3 lần.

 

Nhà giáo ưu tú – Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Chủ tịch Hội đồng trường, Thầy Lê Công Cơ, còn là Người khởi xướng Tủ sách truyền thống “Đáp lời sông núi”. Cách đây 12 năm, vào dịp kỷ niệm 37 năm Ngày Giải phóng Đà Nẵng (29 tháng 3 năm 1975 – 2012), Đại học Duy Tân và Nhà Xuất bản Trẻ (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP. Hồ Chí Minh) đã tổ chức giới thiệu những ấn phẩm đầu tiên của tủ sách (mà theo kế hoạch chung, tủ sách tổng cộng có 30 đầu sách).

 

Từ tinh thần nhân văn đến hành trình trường Đại học hạnh phúc
Tủ sách truyền thống Đáp lời sông núi. Ảnh: T.Ngọc.

 

Đáp lời sông núi ( trích 1 câu trong ca từ của bài hát Sinh viên hành khúc, sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước) là một trong những hạng mục chính của công trình khoa học nghiên cứu về Phong trào đấu tranh đô thị của học sinh sinh viên trong lòng đô thị miền Nam từ 1954 đến 1975 của Đại học Duy Tân.

 

Còn nhớ hôm ra mắt Tủ sách, nhà giáo Lê Công Cơ trong xúc động, bồi hồi bày tỏ rằng: “Chúng tôi mong ước, Tủ sách truyền thống này sẽ góp phần khơi lên ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần cống hiến, phụng sự cho dân tộc, cho nhân dân của tuổi trẻ ngày hôm nay. Thế hệ chúng tôi ngày trước, đi theo tiếng gọi của kháng chiến, dám xả thân vì độc lập, dám chết cho Tổ quốc tự do, là bởi chúng tôi đi theo tiếng gọi “làm cách mạng”, được Đảng giác ngộ.

 

Bây giờ, trong bối cảnh như thế này, chúng ta lại càng phải nghĩ nhiều hơn đến việc giác ngộ, giáo dục, truyền lửa như thế nào cho lớp trẻ. Nếu để các cháu mất phương hướng, sống mà không có lý tưởng, hoài bão ; không thể hiện được khát vọng sống , không biết học để làm gì thì nguy lắm ! - Nhà giáo Lê Công Cơ – cũng là một trong các tác tác giả “chủ công” của tủ sách thổ lộ./.

 

(Nguồn:https://baovannghe.vn/tu-tinh-than-nhan-van-den-hanh-trinh-truong-dai-hoc-hanh-phuc-13837.html)