Chiến tranh đã đi qua nhiều năm nhưng những hậu quả và dư âm của nó còn sót lại vẫn rất lớn lao và khốc liệt, ghi dấu mãi mãi trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Việt Nam. Ngày 27/7 đã đi vào lịch sử như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam và nhân dịp Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), Đại học Duy Tân đã tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Nhớ ơn Người đã khuất” nhằm tôn vinh và tri ân các thương binh, liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sự kiện đã mang đến những giây phút cảm động và ý nghĩa cho cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên của trường, cũng như cho những người dân đang sinh sống tại thành phố Đà Nẵng.
Anh hùng Lao động - Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ phát biểu đầy xúc động
nhân dịp Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ...
Anh hùng Lao động - Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Duy Tân đã có những lời phát biểu hào hùng và đầy xúc động: “Cuộc chiến đã đi qua gần nửa thế kỷ, những đổ nát đã được chúng ta xây dựng lại đàng hoàng hơn nhưng những đau thương chờ thời gian hàn gắn vẫn mãi chưa nguôi. Tôi là người trực tiếp trở về từ cuộc chiến, tôi đã đi hết dãy Trường Sơn và mỗi lần nhớ lại những gian khổ của Trường Sơn cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn như mới ngày hôm qua. Thực sự rất kinh khủng mà các bạn trẻ ngày hôm nay thông qua phim ảnh, báo đài cũng không thể hình dung hết được. Đồng đội của tôi, nhiều người đã ngã xuống ở Trường Sơn đến nay vẫn chưa đưa về được. Để được như ngày hôm nay, dân tộc ta đã phải đổ máu rất nhiều mà thống kê ra là một con số khổng lồ. Cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ và tỉnh có nhiều liệt sĩ nhất là tỉnh Quảng Nam với hơn 65.000 liệt sĩ; cả nước có hơn 127.000 mẹ Việt Nam Anh hùng thì tỉnh Quảng Nam có khoảng 11.000 mẹ Việt Nam Anh hùng. Những con số đó không nói lên tất cả nhưng phần nào cho các em ngày hôm nay thấy được sự hi sinh, mất mát lớn của thế hệ đi trước để đổi lấy hòa bình cho đất nước.
Chương trình ngày hôm nay là ‘Nhớ ơn Người đã khuất’ bởi người đã khuất ở đây không chỉ là những người chiến sĩ mà còn là cả những người dân thường đã nằm xuống trong cuộc chiến. Các em ngày hôm nay được sống trong hòa bình, được hưởng sự tự do, độc lập thống nhất đất nước hãy nâng cao niềm tự hào trước lịch sử hào hùng của dân tộc, hãy khắc ghi và biết ơn với những người đã khuất và hãy nỗ lực hết mình để gánh vác đất nước, đưa đất nước sánh vai được với các cường quốc năm châu như lời bác Hồ đã dạy.”
... và tặng quà hỗ trợ cho các gia đình Thương binh - Liệt sĩ của Phường Hải Châu 1
Ngay sau đó, Anh hùng Lao động - Nhà giáo Ưu tú Lê Cơ đã đại diện cho Đại học Duy Tân tặng quà và quyết định tiếp nhận cũng như hỗ trợ thường xuyên cho hai gia đình Thương binh, Liệt sĩ của Phường Hải Châu 1, Tp. Đà Nẵng có hoàn cảnh khó khăn. Đó là gia đình ông Hoàng Yến Đệ và gia đình bà Trần Thị Tưởng, những gia đình có người đã hy sinh một phần xương máu của mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây là một hành động đầy tình cảm và ý nghĩa của Đại học Duy Tân đối với những người có công với đất nước cùng mong muốn giúp giảm bớt khó khăn cho những gia đình đã hy sinh cho đất nước.
Những câu chuyện xúc động của thế hệ cha anh đi trước
đã khơi gợi nhiều cảm xúc trong lòng thế hệ trẻ Duy Tân
Không chỉ có vậy, Đại học Duy Tân đã thực hiện nhiều hoạt động xã hội - từ thiện - nhân đạo khác trong nhiều năm qua. Tiêu biểu phải kể đến là đóng góp vào Quỹ đền ơn đáp nghĩa của thành phố Đà Nẵng, hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại huyện đảo Trường Sa, phát động nhắn tin ủng hộ ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa bằng tin nhắn qua điện thoại, tổ chức các chương trình văn nghệ giới thiệu những ca khúc hay nhất về biển đảo quê hương, và tặng quà cho đại diện 33 điểm đảo trên Quần đảo Trường Sa. Những hoạt động này đã tạo nên một sức lan tỏa lớn và truyền cảm hứng cho cộng đồng tham gia vào các hoạt động từ thiện và nhân đạo.
Xuyên suốt chương trình “Nhớ ơn Người đã khuất”, những ca khúc như Lá Xanh, Đoàn vệ quốc quân, Trai anh hùng - gái đảm đang, Màu hoa đỏ, Tiếng đàn Ta lư, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Con xin ở lại nơi này, Mùa xuân nho nhỏ,… đã vang lên rất hào hùng trong Hội trường của Đại học Duy Tân. Đó là những ca khúc “đi cùng năm tháng”, có sức lan tỏa và khơi dậy lòng người. Biết bao thế hệ khán giả đã cùng hòa điệu với những lời ca, nốt nhạc hào hùng, đầy chí khí của cuộc đấu tranh cách mạng.
Cũng trong chương trình, các thế hệ trẻ của Đại học Duy Tân đã được lắng nghe những câu chuyện, những kỷ niệm thương đau nhưng đầy cảm động của các thế hệ cha anh đi trước qua lời kể của Anh hùng Lao động - Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ, của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ, của thầy Lê Công Kinh - Chánh văn phòng Đảng ủy Đại học Duy Tân. Từ đó, khởi dậy lòng tự hào dân tộc, là nguồn động viên và khích lệ để thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống của cha anh, tiếp tục cống hiến cho đất nước và xã hội.
Trong thời đại hiện nay, khi xã hội đang phát triển với tốc độ chóng mặt, những giá trị đạo đức và truyền thống văn hóa của dân tộc đang bị mai một. Thế nên, chúng ta cần phải trân trọng và gìn giữ những giá trị đạo đức và truyền thống văn hóa của dân tộc, đồng thời phải tôn vinh và tri ân những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể tiếp tục phát triển và vươn lên trong tương lai. Chương trình "Nhớ ơn Người đã khuất" của Đại học Duy Tân đã đóng góp rất lớn vào việc phát huy đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, giáo dục cho thế hệ trẻ lòng biết ơn và trân trọng những người đã cống hiến một phần xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
(Truyền Thông)