Từ ngày 10-12/7/2023, Khoá Academic Writing Retreat (AWR) do Hội đồng Anh (BC), Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Northampton (UK) đồng tổ chức đã diễn ra tại số 3 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng. Tham dự có GS.TS. Richard Hazenberf - Giám đốc Viện Sáng tạo và Tác động Xã hội, Trường Đại học Northampton; TS. Lê Nguyễn Tuệ Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân cùng các giảng viên đến từ Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Duy Tân.
TS. Lê Nguyễn Tuệ Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân chia sẻ tại khóa AWR
Phát biểu tại khóa AWR, TS. Lê Nguyễn Tuệ Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân chia sẻ: “Chào mừng mọi người đến với khóa Academic Writing Retreat ngày hôm nay tại Trường Đại học Duy Tân. Tôi xin cảm ơn GS. Richard Hazenberf đã đến với chúng tôi và tổ chức khóa luyện viết này. Tôi tin rằng Khóa huấn luyện thật sự có ý nghĩa bởi không chỉ mang lại lợi ích cho những người trực tiếp tham gia sự kiện này mà còn mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực trong việc phát triển chương trình giảng dạy và nghiên cứu cho các trường đại học. Sau khi học với GS. Richard Hazenberd, tôi nghĩ các bạn có thể quay lại trường đại học của mình và chia sẻ những kiến thức các bạn đã học được hôm nay. Chúc các bạn có thể tìm hiểu và học hỏi thêm nhiều điều bổ ích trong những ngày tới!”
SILKEN (Social Innovation Linkages for Knowledge Exchange Network) Vietnam là dự án được triển khai bởi Hội đồng Anh tại Việt Nam, kết hợp với các đối tác là một số trường đại học tại Vương quốc Anh và 6 trường đại học tại Việt Nam. Mục tiêu của dự án là triển khai và vận hành các đơn vị đổi mới sáng tạo xã hội trong các trường đại học, hướng tới phát triển chương trình giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi học thuật, quốc tế hoá.
GS.TS. Richard Hazenberf - Giám đốc Viện Sáng tạo và Tác động xã hội, Đại học Northampton
là người tham gia huấn luyện chính trong Khoá AWR tại Đại học Duy Tân
Khoá AWR là chương trình nằm trong khuôn khổ dự án SILKEN WP2 được tổ chức nhằm mục đích hỗ trợ các học viên, giảng viên nâng cao kỹ năng viết để hoàn thành một cuốn sách, một bài báo hay chỉ đơn giản là một bài viết. Tham dự khóa AWR, các học viên và giảng viên có thêm động lực và không gian cần thiết để tập trung vào việc hoàn thiện và nâng cao kỹ năng viết lách nói chung và kỹ năng viết bài báo nghiên cứu khoa học nói riêng.
GS.TS. Richard Hazenberf - Giám đốc Viện Sáng tạo và Tác động xã hội, Đại học Northampton là người tham gia huấn luyện chính trong Khoá AWR tại Trường Đại học Duy Tân. Ông có nhiều năm làm việc và nghiên cứu trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo xã hội, tài chính xã hội, đổi mới dịch vụ công và đo lường tác động xã hội. GS.TS. Richard Hazenberf đã có nhiều nghiên cứu trên các tạp chí học thuật quốc tế và nhiều báo cáo chất lượng được trình bày tại các hội nghị ở Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ. Đồng thời, GS.TS. Richard Hazenberf đã có kinh nghiệm quản lý một số dự án nghiên cứu quốc tế và quốc gia cho trường đại học, bao gồm các dự án tài trợ bởi Quỹ Xã hội Châu Âu, chương trình Horizon 2020,…
Nhiều nội dung quan trọng để nâng cao kỹ năng viết bài báo khoa học đã được chia sẻ tại Khoá AWR
Tại Khoá AWR, GS.TS. Richard Hazenberf đã chia sẻ nhiều nội dung quan trọng để nâng cao kỹ năng viết bài báo khoa học như: lựa chọn vấn đề nghiên cứu phù hợp; xác định tạp chí muốn đăng bài; biết cách thu thập và phân tích dữ liệu chính xác; lập luận mạch lạc, nhất quán xuyên suốt bài báo, tránh dùng những ngôn ngữ phức tạp khó hiểu và tuân thủ được giới hạn số lượng từ; chú ý đến kết cấu của bài báo phù hợp với yêu cầu của tạp chí bạn muốn đăng bài; biết cách phản hồi những câu hỏi và nhận xét của người phản biện; chỉnh sửa bài báo theo yêu cầu của các phản biện,...
GS.TS. Richard Hazenberf chia sẻ: “Tôi rất vui khi được làm việc và lắng nghe về những bài báo mà các bạn mong muốn được xuất bản trong thời gian tới. Hi vọng rằng, những chia sẻ và kinh nghiệm của chúng tôi sẽ góp phần hỗ trợ cho các thành viên tham dự Khóa Academic Writing Retreat tại Trường Đại học Duy Tân có những bài báo khoa học, phù hợp và chất lượng để có thể đăng trên các tạp chí uy tín trong thời gian tới.”
(Truyền Thông)