Trong khuôn khổ của dự án “Social Innovation Linkages for Knowledge Exchange Network - SILKEN Vietnam”, Đại học Duy Tân đã tổ chức buổi hội thảo “Công dân tích cực: Quan điểm của sinh viên về đổi mới xã hội ở đa lĩnh vực” vào chiều ngày 18/4/2023 tại số 3 Quang Trung, Tp. Đà nẵng. Hội thảo này giúp sinh viên hiểu rõ hơn về định hướng đổi mới sáng tạo xã hội, về công dân tích cực và nâng cao ý thức đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội.
Tham dự hội thảo, về phía trường Đại học Glasgow Caledonian (Vương Quốc Anh) có ông Mark Anderson - Giám đốc Nghiên cứu và Đổi mới, đại diện của dự án SILKEN Việt Nam và bà Natalia Popielska - Điều phối viên Dự án EU/Quốc tế - Văn phòng Nghiên cứu và Đổi mới; về phía Đại học Duy tân có sự tham dự của TS. Bùi Lê Anh Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Du lịch, ThS. Nguyễn Thị Lan Anh – Trưởng Phòng, Phòng Trao đổi Sinh viên toàn cầu cùng đông đảo giảng viên và sinh viên Duy Tân.
Ông Mark Anderson - Giám đốc Nghiên cứu và Đổi mới, trường Đại học Glasgow Caledonian
phát biểu tại hội thảo
Hội thảo “Công dân tích cực: Quan điểm của sinh viên về đổi mới xã hội ở đa lĩnh vực” là một hoạt động trong dự án SILKEN Việt Nam. Được biết, SILKEN Việt Nam là dự án được triển khai bởi Hội đồng Anh tại Việt Nam, kết hợp với các đối tác là một số trường đại học tại Vương quốc Anh: trường Đại học Glasgow Caledonian, trường Đại học Northampton và 6 trường đại học tại Việt Nam, bao gồm: trường Đại học Duy Tân, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, trường Đại học Nông lâm Huế, trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Mục tiêu của dự án là triển khai và vận hành các Trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo xã hội trong các trường đại học, hướng tới phát triển chương trình giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi học thuật, quốc tế hoá và ươm tạo để tạo ra mạng lưới trên toàn cầu, giải quyêt những vấn đề ảnh hưởng đến xã hội.
Trao đổi tại hội thảo, ông Mark Anderson cho biết: “Tôi rất vui khi có mặt tại Đại học Duy Tân và được gặp gỡ các bạn sinh viên. Tôi thấy rằng, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác trên thế giới vô cùng xinh đẹp và đặc biệt. Tuy nhiên, các nước này đều đang đối diện với rất nhiều vấn đề mà chúng ta vẫn chưa thể giải quyết được. Hy vọng, các bạn sinh viên sẽ không ái ngại, mà sẵn sàng chia sẻ về những vấn đề đang là trở ngại của địa phương mình, của đất nước mình vì nó là mầm mống ảnh hưởng đến toàn cầu trong tương lai. Chúng ta cần xác định được những thuận lợi và bất lợi của các vấn đề và gắn kết lại với nhau để tìm cách để giải quyết chúng, góp phần vào sự phát triển ổn định của xã hội”.
Trình bày các ý tưởng để trở thành công dân tích cực, buổi hội thảo có sự tham gia trực tiếp của các bạn sinh viên Trường Du lịch, Đại học Duy Tân và tham dự trực tuyến qua Zoom của 4 sinh viên Châu Âu (1 sinh viên Đan Mạch, 2 sinh viên Scotland và 1 sinh viên Tây Ban Nha) cùng 2 sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, 2 sinh viên đến từ trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.
Phần thuyết trình ấn tượng của bạn Nguyễn Đức Thịnh - sinh viên Đại học Duy Tân
Trong đó, phần thuyết trình của một số sinh viên Duy Tân gây được ấn tượng cho các diễn giả như:
- Nguyễn Lê Ngọc Hân thuyết trình về lợi ích của việc sử dụng các ứng dụng công nghệ đối với đổi mới sáng tạo xã hội và công dân tích cực như ứng dụng VneiD, Tiktok, Chat GPT;
- Phạm Thị Khánh Vân nói về các hoạt động tình nguyện như: làm sạch bãi biển du lịch ở Đà Nẵng của sinh viên DTU, hoạt động gây quỹ, trăng tròn yêu thương, Trung thu cho em,...
- …
Các bạn trẻ cũng chia sẻ về lợi ích khi tham gia dự án SILKEN Việt Nam như: bản thân mình trở nên tự tin hơn, có cơ hội làm quen và học hỏi từ bạn bè quốc tế, tiếp thu nhiều kỹ năng trong cuộc sống. Kết thúc hội thảo, các bạn sinh viên được trao tặng giấy Chứng nhận tham gia Hội thảo Dự án SILKEN Việt Nam năm học 2022-2023.
Ngay sau đó, vào ngày 19/4/2023, Đại học Duy Tân tổ chức Hội thảo về Năng lực liên văn hóa trong việc đổi mới sáng tạo xã hội dành cho các giảng viên. Chia sẻ tại hội thảo, bà Natalia Popielska - Điều phối viên Dự án EU/Quốc tế - Văn phòng Nghiên cứu và Đổi mới đã trình bày một cách rõ nét về năng lực liên văn hóa. Đó là khả năng làm việc hiệu quả và phát triển các mối quan hệ có ý nghĩa với nhiều người ở các nền văn hóa khác nhau.
Để giúp giảng viên nắm bắt thêm về sự khác biệt văn hóa và sự cần thiết của năng lực liên văn hóa, câu hỏi: “Đứng trước sự hiểu lầm do những khác biệt về văn hóa, thầy/cô sẽ giải quyết như thế nào?” đã được đưa ra để thầy/cô cùng suy ngẫm và thảo luận. Những ý kiến mang nhiều tâm huyết và ý nghĩa từ các thầy cô đã giúp cho chủ đề năng lực liên văn hóa được mở rộng, mang đến những góc nhìn mới hơn để góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong tương lai.
(Truyền Thông)