Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm trong phòng nuôi cấy sinh khối tại Hàn Quốc
TS Hồ Thanh Tâm, giảng viên
Trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đang triển khai nuôi cấy sinh khối đối với rễ cây sâm Ngọc Linh để chiết xuất dược chất như saponin có tác dụng ngừa ung thư. TS Hồ Thanh Tâm là một trong 10 nhà khoa học trẻ xuất sắc nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2020 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì.
Từ vùng quê nghèo cát trắng Bình Sa (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), Hồ Thanh Tâm theo đuổi con đường nghiên cứu công nghệ sinh học tại Trường đại học Đà Lạt. Những ngày tháng còn là sinh viên, anh vừa làm gia sư, làm thêm tại các nhà vườn, trang trại để bớt gánh nặng tài chính cho gia đình. Ước mơ chuyên sâu nghiên cứu để biến cây dược liệu của nông dân thành mỹ phẩm, thực phẩm có giá trị cao cứ thế lớn dần lên trong Tâm. Trong thời gian học cao học, Tâm được GS,TS Dương Tấn Nhựt hướng dẫn tham gia dự án về nhân giống vô tính và bảo tồn sâm Ngọc Linh. Năm 2014, khi chưa hoàn thành xong chương trình cao học tại Trường đại học Đà Lạt, anh nhận học bổng toàn phần chương trình đào tạo tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Chungbuk (Hàn Quốc). Tâm chọn hướng nghiên cứu nhân giống và sinh khối cây dược liệu. Với hướng nghiên cứu này, con đường nghiên cứu khoa học của Tâm rộng mở với nhiều công trình khoa học mang tầm cỡ quốc tế. Từ năm 2012 đến nay, Tâm có 34 công bố khoa học quốc tế và trong nước, đồng tác giả của một chương sách chuyên khảo của Nhà xuất bản SPi Technologies India Private Ltd 2020…
Chia sẻ về giấc mơ của mình, Hồ Thanh Tâm cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn cho nên tình yêu đối với cây trồng luôn có sẵn trong người. Đến với khoa học, tôi mong muốn mang lại những sản phẩm tốt nhất để góp phần tạo ra một nền nông nghiệp công nghệ cao phục vụ quê hương, đất nước”. Bảo tồn giống cây đặc hữu, quý hiếm là giấc mơ của Tâm. Hoàn thành tiến sĩ, Hồ Thanh Tâm ở lại Hàn Quốc làm việc hai năm để tích lũy thêm kinh nghiệm. Đầu năm 2020, Tâm quyết định trở về Việt Nam và chọn làm việc tại Viện nghiên cứu Sáng kiến sức khỏe toàn cầu của Trường đại học Duy Tân. TS Hồ Thanh Tâm và cộng sự đang trong những bước thực hiện sản xuất sinh khối và hợp chất từ nguồn cây dược liệu của Việt Nam, trước mắt sẽ tập trung vào cây sâm Ngọc Linh. Tâm cho biết: Hiện quy trình nhân giống sâm Ngọc Linh bằng kỹ thuật nuôi cấy mô đã được ứng dụng phổ biến. Thế nhưng, đây là loại cây đặc hữu, phân bố hạn chế, khó trồng. Sâm Ngọc Linh hiện chỉ mới trồng được trên một diện tích rất nhỏ ở khu vực Quảng Nam, Kon Tum và Lâm Đồng. Nếu không khai thác bằng phương pháp khác, số lượng ngoài tự nhiên có thể ngày càng khan hiếm. Việc chọn nguồn tế bào sinh trưởng mạnh được coi là yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến khả năng tạo ra sinh khối hoạt chất cao.
TS Hồ Thanh Tâm khẳng định, chỉ mất khoảng từ 4 đến 8 tuần là có thể thu được hợp chất quý tương tự cây trồng khoảng 5 năm tuổi trong tự nhiên. Như chất saponin có tác dụng ngăn ngừa ung thư từ các dòng rễ bất định của sâm Ngọc Linh. Một năm, sẽ thu được vài lần như vậy. Mục tiêu của Tâm trong 10 năm tới, là chuyển từ nuôi cấy sinh khối từ quy mô phòng thí nghiệm sang quy mô công nghiệp. Việc chuyển giao công nghệ với sự tham gia của doanh nghiệp, xây dựng nhà máy chuyên sản suất sinh khối sẽ giúp tạo ra được nguồn nguyên liệu có hoạt tính, phục vụ sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có giá trị với giá thành thấp.
(Nguồn: https://nhandan.vn/tin-tuc-giao-duc/giac-mo-san-xuat-cong-nghiep-sam-ngoc-linh-684941/?fbclid=IwAR22RYjxtSJTCG1CKxvYcF6attxF47-v5AiF10aof_KD_uKyzGuzUsXgiCA)