English

Thành tích

Trà thảo dược dành cho Phụ nữ của SV Duy Tân giành giải Khuyến khích lĩnh vực Công nghệ Chế biến

Lựa chọn đề tài rất thiết thực nhằm hỗ trợ điều trị đau bụng kinh từ thảo dược tự nhiên cho “phái đẹp”, nhóm nghiên cứu Hóa-Y-Sinh-Dược đến từ trường Đại học (ĐH) Duy Tân đã được trao giải Khuyến khích tại cuộc thi “Công nghệ Chế biến sau thu hoạch” năm 2021. Cuộc thi do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ cùng trường ĐH Công nghệ Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức vào ngày 11/12/2021.
 
Đây là cuộc thi chuyên về công nghệ chế biến sau thu hoạch, công nghệ bảo quản thực phẩm, công nghệ chế biến thực phẩm với mong muốn tìm kiếm các ý tưởng, sản phẩm mang tính sáng tạo đột phá, có khả năng áp dụng vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề thực tế trong ngành nông nghiệp, thực phẩm. Cuộc thi thu hút 160 đội thi đến từ các doanh nghiệp, giảng viên và sinh viên. Ban tổ chức đã chọn ra 23 đội thi với các dự án xuất sắc nhất vào vòng Chung kết. 
 
Trà thảo dược dành cho Phụ nữ của SV Duy Tân giành giải Khuyến khích lĩnh vực Công nghệ Chế biến
Đội thi với đề tài "Trà hỗ trợ điều trị đau bụng kinh từ thảo dược tự nhiên"
giành giải Khuyến khích
 
Trong đó, ĐH Duy Tân có 2 đề tài của 2 đội lọt vào vòng này là:
 
- Đề tài: "Trà hỗ trợ điều trị đau bụng kinh từ thảo dược tự nhiên" (Trà Cheery Lady)” của các thành viên gồm Trần Thị Thuỳ Trang, Đặng Thị Quỳnh Trâm, Đặng Thị Hoàng Duyên (cùng học ngành Công nghệ Thực phẩm) và Nguyễn Chí Toàn (ngành Công nghệ Sinh học) thuộc nhóm Hóa-Y-Sinh-Dược, ĐH Duy Tân.
 
Đây là sản phẩm trà thảo dược được điều chế từ 100% thảo mộc tự nhiên gồm các dược liệu: Ích mẫu, Táo đỏ, Hoa hồng, Kỷ tử, Long nhãn được xử lý qua công nghệ sấy lạnh. Công nghệ này giúp giữ tối đa hoạt chất và giảm thiểu lượng lưu huỳnh trong nguyên liệu. Tác dụng của sản phẩm là hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh, dưỡng nhan, đẹp da, hoạt huyết, bổ máu. Sản phẩm được nghiên cứu và sản xuất với quy trình chặt chẽ, khoa học, được tư vấn bởi đội ngũ bác sĩ y học cổ truyền và các nhà khoa học. Sản phẩm có thể dùng cho người tiểu đường.
 
- Đề tài: “Khảo sát mối liên hệ giữa điều kiện Rang, chỉ tiêu Cảm quan và Hóa học của hạt Cafe Robusta tỉnh Gia Lai, Việt Nam” của các thành viên Nguyễn Đức Trường, Trương Đại Dương (cùng học ngành Công nghệ Thực phẩm) thuộc nhóm Hóa-Y-Sinh-Dược, ĐH Duy Tân.
 
Cà phê là loại thức uống được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên hiện nay, chất lượng cà phê rang chủ yếu được đánh giá cảm quan bằng phương pháp cho điểm kết hợp với phương pháp mô tả do đó cần có một phương pháp thay thế khách quan dựa trên cơ sở của các chỉ số cảm quan. Nhóm nghiên cứu đã phân tích các thành phần hóa học quan trọng và sự thay đổi của chúng trong quá trình rang từ đó xây dụng mô hình dự đoán điểm cảm quan dựa trên tín hiệu đặc trưng trong các thành phần của cà phê rang.
 
Vượt qua 3 vòng thi, trong đó vòng Chung kết có nhiều hoạt động như: chấm Poster, trưng bày sản phẩm, trình bày trực tiếp và trả lời câu hỏi của Ban giám khảo, đề tài "Trà hỗ trợ điều trị đau bụng kinh từ thảo dược tự nhiên" được Ban giám khảo đánh giá cao về hàm lượng khoa học và thực tiễn, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt. Đề tài đã được trao giải Khuyến khích chung cuộc. Đề tài nghiên cứu này đã có 3 bài báo khoa học cấp Quốc gia.
 
Trà thảo dược dành cho Phụ nữ của SV Duy Tân giành giải Khuyến khích lĩnh vực Công nghệ Chế biến
Poster tham gia triển lãm cùng sản phẩm
Trà hỗ trợ giảm đau bụng kinh từ thảo dược tự nhiên (Trà Cheery Lady)
 
Chia sẻ sau cuộc thi, bạn Thùy Trang - thành viên trong nhóm Hóa-Y-Sinh-Dược, ĐH Duy Tân cho biết: “Thời gian chuẩn bị Vòng Chung kết diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh là khá gấp rút, chỉ có vẻn vẹn 2 ngày. Trong khi đó, do điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên chúng em gặp không ít khó khăn trong quá trình chuẩn bị cho cuộc thi. Tuy nhiên, với niềm đam mê nghiên cứu, chúng em đã nhanh chóng khắc phục để giới thiệu đến Ban Giám khảo đề tài nghiên cứu rất hữu ích. Đây thực sự là cột mốc đáng nhớ trong những năm tháng là sinh viên, là tiền đề cho những kết quả cao hơn trong chặng đường nghiên cứu khoa học của cả nhóm sau này. Chúng em chân thành cảm ơn thầy Nguyễn Ngọc Hiếu, cô Ngô Thị Minh Thu cùng Ban Giám hiệu ĐH Duy Tân đã giúp đỡ chúng em trong suốt thời gian cuộc thi diễn ra.” 
 
(Truyền Thông)