English

Đoàn Thể

Phát triển đảng trong trường học: Mô hình từ trường Đại học Duy Tân

Làm thế nào để thu hút được nhiều người có tâm tài, trí đức vào đảng là việc làm khó khăn, song tại Đảng bộ trường Đại học Duy Tân, nhờ quyết tâm và bám sát thực tế, yêu cầu của đơn vị gắn với tập trung lãnh chỉ đạo mà công tác này đã đem lại nhiều kết quả tích cực.
 
Chánh Văn phòng Đảng uỷ trường Đại học Duy Tân Lê Công Kinh nói về kinh nghiệm của Đảng bộ nhà trường trong công tác phát triển đảng. (Nguồn: Đình Tăng).
 
Phát huy vai trò của tổ chức đảng với công tác phát triển đảng
 
Là một trường đại học tư thục và khi mới thành lập (1994), Đảng bộ trường Đại học Duy Tân với tiền thân chỉ có 3 đảng viên. Trong hoàn cảnh đó, đến nay Trường cũng trải qua nhiều khó khăn, biến động, nhất là những tiêu cực xã hội, những khó khăn chung về kinh tế, ảnh hưởng lớn của dịch bệnh… đã tác động không nhỏ đến hoạt động của Trường. Đặc biệt, trước sự thoái hoá, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xây dựng Đảng nói chung, trong đó có công tác phát triển Đảng từ đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường.
 
Tuy nhiên, với quyết tâm coi công tác xây dựng Đảng và phát triển Đảng trong nhà trường là nhiệm vụ chính trị, đồng thời thông qua đó để tạo ra nguồn nhân lực có phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống và năng lực công tác tốt để bổ sung vào hàng ngũ lãnh đạo, quản lý của Trường mà đến nay Đảng bộ trường Đại học Duy Tân đã rất thành công, trở thành điểm sáng trong công tác xây dựng Đảng tại TP Đà Nẵng.
 
TS Võ Thanh Hải - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân chia sẻ: “Để công tác phát triển đảng trong đơn vị đảm bảo đạt kết quả về chất lượng và số lượng theo yêu cầu, Đảng uỷ nhà trường đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về phát triển đảng viên mới. Nghị quyết đã phân công các chi bộ phụ trách các đơn vị chưa có đảng viên và phân công đảng viên theo dõi, gúp đỡ quần chúng ưu tú gắn kết các hoạt động của Công đoàn, Đoàn thanh niên và phong trào sinh viên nhà trường; đồng thời thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng thông qua kết quả phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
 
Phát triển đảng trong trường học: Mô hình từ trường Đại học Duy Tân
 Đại hội Đảng bộ trường Đại học Duy Tân lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2020-2025) diễn ra mới đây đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ mới.
 
Cũng theo TS Võ Thanh Hải, trên cơ sở phân công theo dõi phát hiện và kèm cặp, giúp đỡ quần chúng ưu tú để giới thiệu với đảng, các chi bộ cùng các đảng viên được phân công còn thực hiện tốt “mục tiêu kép” là làm tốt công tác giáo dục mục tiêu lý tưởng, động cơ phấn đấu để quần chúng ưu tú trở thành đảng viên của Đảng. Qua đó làm cho cán bộ, giảng viên, sinh viên ưu tú có nhận thức tư tưởng chính trị, học tập và rèn luyện, công tác tốt, xứng đáng để được đứng chân vào hàng ngủ của Đảng.
 
Thông tin thêm về công tác phát triển đảng viên tại đơn vị, đồng chí Lê Công Kinh, Đảng uỷ viên, Chánh Văn phòng Đảng uỷ trường Đại học Duy Tân cho biết: Qua công tác phát hiện, giới thiệu quần chúng ưu tú của các chi bộ và đội ngũ đảng viên được phân công theo dõi, kèm cặp, giúp đỡ, Đảng uỷ hoàn thành các thủ tục để đề nghị Quận uỷ Hải Châu xét kết nạp đảng cho các quần chúng ưu tú. Nhờ đó, qua 25 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ trường Đại học Duy Tân đã phát triển được 251 đảng viên mới.
 
Riêng trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ nhà trường đã cử được 257 quần chúng ưu tú (gồm 153 cán bộ, giảng viên, chuyên viên và 104 sinh viên) tham dự các lớp bồi dưỡng nhận thức về đảng. Qua đó đã kết nạp được 140 đảng viên mới (gồm 85 cán bộ, giảng viên, chuyên viên, trong đó có 1 Phó Giáo sư, 5 tiến sĩ, 70 thạc sĩ và 54 sinh viên), đạt 110,4% so với kế hoạch đề ra và đã thanh toán được gần 60% đơn vị tại trường chưa có đảng viên lãnh đạo; phần lớn các đồng chí sau khi vào đảng đều phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác, gương mẫu trước tổ chức và sinh viên. Đảng uỷ đã gắn được công tác phát triển đảng viên mới với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của trường, nhiều đồng chí đã trưởng thành và một số đồng chí đã được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý Nhà trường và lãnh đạo các khoa, phòng của trường. Trong khi đó, về phía đảng, một số đồng chí được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ nhà trường, Ban Thường vụ, Phó Bí thư Đảng uỷ và Bí thư các chi bộ.
 
Đối với các đảng viên mới là sinh viên, qua kết quả học tập và rèn luyện đạt loại giỏi và xuất sắc sẽ được nhà trường giữ lại để đào tạo và quy hoạch bố trí cán bộ chủ chốt cho trường. Đến nay, có nhiều đồng chí đã được đề bạt, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo từ các đơn vị trực thuộc đến Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Đảng bộ. Số đảng viên là sinh viên đã ra trường, qua khảo sát của nhà trường cho thấy hầu hết các đồng chí này đều có việc làm ổn định và phát huy được vai trò, trách nhiệm trong công tác; một số đồng chí được đề bạt, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở nhiều địa phương trong cả nước.
 
Những kinh nghiệm bước đầu
 
Theo Chánh Văn phòng Đảng uỷ trường Đại học Duy Tân Lê Công Kinh, là một trường Đại học tư thục, song trên cơ sở bám sát Điều lệ Đảng và Quy định số 163-QĐ/TW ngày 15/4/2006 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trường học, bệnh viện ngoài công lập cùng các quy định khác có liên quan, những năm qua Đảng bộ trường Đại học Duy Tân đã nắm vững và từng bước cụ thể hoá các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Từ đó vận dụng sát vào thực tiễn của nhà trường.
 
Đặc biệt, Đảng bộ nhà trường đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước công việc; biết chọn lọc và tiếp thu những cái mới, cái hay và tạo ra được khâu đột phá, đồng thời tranh thủ được sự hỗ trợ của các cấp uỷ, chính quyền trên địa bàn TP Đà Nẵng để phát huy trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nhà trường.
 
Phát triển đảng trong trường học: Mô hình từ trường Đại học Duy Tân
Ngoài việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội, nhiều đảng viên là sinh viên tại  trường Đại học Duy Tân sau khi ra trường đã phát huy tốt vai trò của mình đối với công việc được giao.
 
Cùng với kinh nghiệm trên, mặc dù là Đảng bộ của một trường đại học tư thục, song Nhà giáo ưu tú, Anh hùng Lao động Lê Công Cơ, Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng trường luôn dành nhiều quan tâm chăm lo cho công tác xây dựng Đảng ở đơn vị, từ công tác tư tưởng, chính trị và tổ chức; luôn đề cao ý thức chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh và thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức của Đảng. Nhờ sự quan tâm và quyết liệt của người đứng đầu đối với công tác xây dựng Đảng nói chung và phát triển Đảng trong nhà trường nói riêng, dù là một đơn vị tư thục nhưng với Đảng bộ trường Đại học Duy Tân vẫn rất thành công, trở thành một trong những điểm sáng tại TP Đà Nẵng những năm qua.
 
Kinh nghiệm thứ ba mà Đảng bộ trường Đại học Duy Tân hiện đang phát huy là tập trung xây dựng tổ chức Đảng và đảng viên vững mạnh về tư tưởng chính trị; làm cho cán bộ, đảng viên nhà trường nắm vững được các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là qua học tập và quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII), Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nên qua đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm, đến nay tại Đảng bộ không có đảng viên vi phạm tư cách và bị xử lý kỷ luật, không có cán bộ, đảng viên bị thoái hoá, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
 
Một kinh nghiệm quan trọng nữa mà Đảng bộ trường Đại học Duy Tân đúc kết được là xây dựng Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ, Quy chế phối hợp giữa Đảng uỷ, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu và các cơ quan chức năng. Qua đó đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên, tạo được sự thống nhất cao trong Đảng bộ và các đơn vị nhà trường.
 
Ngoài ra, Đảng bộ nhà trường cũng thực hiện tốt công tác dân vận, từ đó tập hợp được đội ngũ trí thức trong quá trình xây dựng và phát triển Trường.
 
Một kinh nghiệm nữa là Đảng bộ nhà trường luôn coi trọng, chăm lo công tác kiểm tra, giám sát. Đặc biệt là kiểm tra, đánh giá, uốn nắn những thiếu sót, hướng dẫn, chỉ bảo cho cấp dưới thực hiện mọi công việc, quy định đảm bảo đúng pháp luật và yêu cầu phát triển nhà trường./.
 
(Nguôn:http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/phat-trien-dang-trong-truong-hoc-mo-hinh-tu-truong-dai-hoc-duy-tan-564526.html)