Thời luận
Có lẽ cho đến ngày hôm nay, chúng ta không cần nói nhiều đến các tác động của Covid 19 đến đời sống nhân loại nữa; bởi vì, những ảnh hưởng của nó đã là quá rõ ràng. Xét ở khía cạnh được và mất, chúng ta cũng cần phải thấy rằng, ngoài những cái mất không thể đo đếm thì đại dịch này phần nào đó cũng đã mang lại cho chúng ta nhiều “cái được” lớn lao. Một trong những “cái được” quan trọng là đại dịch đã giúp chúng ta nhận thức lại nhiều giá trị nhân sinh vốn đã bị khuất lấp dưới nhiều tầng thói quen, sự huyễn hoặc về đời sống hay cả sự hoài nghi cố hữu.
Ảnh: Reuters
Quyền sống tối thượng và những lựa chọn mang tính văn hóa
Thời gian qua,những chia rẽ về quan điểm chính sách giữa các quốc gia đã trở thành một thách thức lớn đối với công tác ứng phó với đại dịch trên toàn thế giới. Trong khi nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam áp dụng các biện pháp đóng cửa biên giới và cách ly xã hội ngay từ đầu để ứng phó với Covid 19 thì nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ lại cho rằng,việc thực thi các chính sách cách ly hà khắc (draconian measures) này đã làm ảnh hưởng đến quyền tự do của con người. Tuy nhiên, khi đại dịch bùng phát và gây ra những thiệt hại khủng khiếp về nhân mạng thì chính sách cách ly xã hội cũng lại lần lượt được thực hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Thực tế trên phản ánh rằng, quá trình toàn cầu hóa nếu không xem xét đến phong tục và tình hình kinh tế - chính trị riêng có của mỗi quốc gia là một thiếu sót lớn. Đại dịch là một vấn đề toàn cầu, hậu quả của nó không chỉ gói gọn trong khuôn khổ của một quốc gia; nhưng thay vì cộng tác chặt chẽ với nhau để cùng ngăn chặn, chúng ta lại đang có quá nhiều chia rẽ. Trên thực tế, không thể đứng ở góc độ của một nền văn hoá này để phán xét hành động của những người thuộc một nền văn hoá khác khi chúng ta không thực sự biết những gì họ đang phải đối mặt. Ngăn chặn đại dịch trên quy mô toàn cầu phải bắt đầu từ việc thấu hiểu các chuẩn mực văn hóa riêng thay vì cố gắng áp đặt một hệ thống đạo đức chung cho toàn thế giới. Diễn biến của Covid 19 những ngày qua cho chúng ta thấy rằng: chỉ khi quốc gia đặt quyền sống của mỗi người dân lên vị trí tối thượng thì quốc gia đó mới có những lựa chọn hành động phù hợp và nhân văn; kể cả khi lựa chọn đó là khác biệt. Những nỗ lực để “không bỏ ai lại phía sau trong đại dịch”của Việt Nam là một trong những hành động để thực hiện quyền thiêng liêng đó. Đại dịch nhìn ở khía cạnh này thực sự là một cứu cánh cho những quan điểm về văn hóa, đặc biệt là văn hóa bản địa (local culture) mà lâu nay chúng ta đã nhầm lẫn hoặc lãng quên.
Đại dịch và những giá trị tưởng như bị lãng quên
Những thảm họa mà nhân loại đã từng trải qua cho thấy, ngoài những thiệt hại có thể đo đếm được bằng những con số cụ thể thì còn có những mất mát vô hình lớn lao không kém. Đó chính là những xung đột giá trị, sự kỳ thị, định kiến và chia rẽ xã hội. Quan trọng hơn, mức độ bền vững trong tái thiết của một quốc gia sau thảm họa lại phụ thuộc nhiều hơn vào những mất mát vô hình đó. Ở Việt Nam, trước khi đại dịch diễn ra, chắc hẳn đã có không ít người hoài nghi về sự biến mất của những giá trị văn hóa cốt lõi – những giá trị vốn đã tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt. Có quá nhiều câu hỏi đã đặt ra như: bản lĩnh, ý chí Việt Nam phải chăng đã phai nhạt? Và rằng, người Việt của hôm nay, nhất là các thế hệ ngày mai, liệu có giữ được các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mang tính cốt cách của dân tộc mà ông cha ta để lại; đồng thời có biết phát huy nó khi đất nước lâm nguy? Hơn 100 ngày đối phó với đại dịch vừa qua đã phần nào trả lời cho những câu hỏi mang tính thời đại đó.
Đại dịch bùng phát, trong khi nhiều quốc gia chưa có phương án đưa người từ vùng dịch về nước vì lo sợ sự lây lan cho cộng đồng thì Chính phủ đã xác định: việc đón bằng được những người con của nước Việt từ vùng dịch trở về là “mệnh lệnh từ trái tim”. Những “cuộc trở về đặc biệt” này đã cho thấy tinh thần dân tộc, nghĩa đồng bào thiêng liêng luôn là những giá trị bất biến, như dòng máu Lạc – Hồng luôn chảy chung trong huyết quản của mỗi người con Việt. Giá trị thiêng liêng đó là kết quả của hàng ngàn năm vật lộn liên miên để chống chọi với thiên tai khắc nghiệt, là kết quả của hàng trăm cuộc chiến đấu oanh liệt chống đủ loại kẻ thù hòng thôn tính lãnh thổ và nô dịch dân tộc. Đó còn là quá trình tự ý thức về bản sắc dân tộc Việt, một dân tộc có những mối liên kết cộng đồng đặc biệt.
Những hình ảnh “ăn núi, ngủ rừng” những bữa cơm vội vã, những đôi mắt quầng thâm vì thiếu ngủ của các chiến sĩ tham gia chống dịch đã làm cho chúng ta thực sự xúc động. Ở tuyến đầu chống dịch, các y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế không chỉ túc trực 24/24 giờ, mà còn phải luôn sẵn sàng lao vào ổ dịch bất kể ngày đêm để hoàn thành nhiệm vụ. Thêm vào đó, hàng trăm bác sỹ về hưu và sinh viên y khoa năm cuối đã không quản hiểm nguy tình nguyện tham gia chống dịch. Đó là những biểu tượng về sự dấn thân thực sự trong những tình huống đất nước gặp nguy nan. Đứng lên khi tổ quốc cần - tinh thần của những người lính thanh xuân tình nguyện xung trận trong thời chiến để bảo vệ tổ quốc một lần nữa lại được tái hiện trong những ngày tháng hòa bình. Tinh thần đó là một bảo chứng thực sự cho khát vọng được phụng sự dân tộc, phụng sự những giá trị nhân văn trong mỗi con người Việt Nam. Covid 19 đã chứng minh rằng, tinh thần đó chưa bao giờ bị mai một, nó chỉ ẩn đi đâu đó trong những tất bật thường ngày, và luôn sẵn sàng bùng lên thành ngọn lửa khi đất nước lâm nguy.
Có lẽ, cũng đã quá lâu rồi chúng ta mới được chứng kiến tinh thần tương thân – tương ái, lá lành đùm lá rách được thể hiện cụ thể và sâu sắc đến thế. Những phòng điều trị áp lực âm có giá hàng tỉ đồng, cùng nhiều trang thiết bị y tế được quyên góp bởi nhiều nghệ sĩ, doanh nhân và cả những khoản "của ít lòng nhiều" từ bà con cả nước. Có những cụ ông, cụ bà đã ngoài 80 tuổi vẫn dành toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình để quyên góp chống dịch. Ai có tiền góp tiền, ai có sức góp sức tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành những điều bình thường vĩ đại có ý nghĩa lớn lao. Đặc biệt ATM gạo, một ý tưởng để hỗ trợ người nghèo trong lúc nguy nan đã trở thành biểu tượng của lòng nhân ái. Hàng loạt máy ATM gạo nối nhau ra đời khắp cả nước đã như hồi chuông dài đánh thức một cõi rất sâu nhưng vô cùng mạnh mẽ của con người, đó là lòng trắc ẩn; thứ mà có lẽ từ quá lâu rồi chúng ta vốn xem nó như là một món quà xa xỉ. Lòng trắc ẩn, chỉ có lòng trắc ẩn mới có thể xua tan đi những tối tăm, vụn vặt đời thường. Đại dịch đã giúp cho niềm tin về lòng trắc ẩn của chúng ta trở lại, giúp chúng ta nhìn thấy hi vọng ngay cả trong những lúc thực sự khó khăn.
Những giá trị cốt lõi của một dân tộc rõ ràng không phải là thứ có thể dễ dàng mất đi. Vì nhiều lý do khác nhau, trong những những hoàn cảnh xã hội nhất định, giá trị này hay giá trị khác có thể bị khuất lấp, nhưng khi dân tộc đối mặt với nguy nan, chắc chắn nó sẽ bùng lên dữ dội và tạo nên sức mạnh vô cùng mạnh mẽ - sức mạnh từ bản lĩnh văn hóa Việt Nam. Có thể nói đại dịch lần này là một “phép thử lòng nhân” để chúng ta thấy rằng những giá trị tạo nên cốt cách của người Việt vẫn vẹn nguyên và đầy đủ tính nhân văn vốn có. Đó sẽ mãi là những kháng thể tinh thần quan trọng được tạo thành từ nhiều lớp lang văn hóa. Kháng thể tinh thần đó không chỉ giúp cho chúng ta vượt qua những tai ương hiện tại mà còn là một tấm khiên thép vĩ đại ngăn chặn mọi âm mưu xâm lăng.
Sức mạnh mềm và tầm vóc quốc gia
“Sức mạnh mềm” hay “quyền lực mềm” (soft power) là một trong những khái niệm được thế giới quan tâm nhiều khoảng 10 năm trở lại đây. Khác với sức mạnh cứng (hard power) được thể hiện cụ thể qua các chỉ báo như: tiềm lực quân sự, thực lực kinh tế thì sức mạnh mềm lại những yếu tố ẩn thuộc đặc trưng văn hóa, khả năng sáng tạo và chính sách quốc gia. Ngày nay, sức mạnh mềm được được xem là một dạng năng lực nội sinh đặc biệt tạo nên lợi thế so sánh giữa quốc gia này với quốc gia khác. Lịch sử phát triển cho thấy, có những quốc gia mạnh về tiềm lực quân sự, hùng hậu về kinh tế nhưng lại giới hạn tầm ảnh hưởng, vị thế quốc tế không được đánh giá cao. Ngược lại, có những nước chưa thực sự mạnh về kinh tế, tiềm lực quân sự còn hạn chế nhưng đã vận dụng thành công sức mạnh mềm để khẳng định tầm vóc quốc gia. Những thành công của Singapo, Isarel hay Hàn Quốc là những ví dụ sống động và điển hình nhất về việc sử dụng sức mạnh mềm như thế. Ở một khía cạnh nào đó có thể thấy rằng sức mạnh mềm chính là chìa khóa để xóa đi định kiến nước lớn – nước bé vốn đã tồn tại trong tiềm thức của không ít các quốc gia trên thế giới.
Phép thử covid 19 đã cho chúng ta thấy rằng, bản sắc dân tộc, cốt cách văn hóa – những giá trị cốt lõi để tạo nên sức mạnh mềm của Việt Nam chúng ta không hề bị mai một. Cha ông chúng ta suốt 4000 năm lịch sử đã biết cách sử dụng nó để tạo nên sức mạnh chính trị, lần lượt đánh bại những cuộc xâm lăng, giữ yên bờ cõi. Vấn đề là, trong bối cảnh hiện nay, làm thế nào để biến những giá trị đó thành sức mạnh phát triển, để khẳng định được tầm vóc quốc gia trước vô vàn những khó khăn, biến cố mới đang thường trực phía tương lai? Trả lời câu hỏi đó chắc hẳn không thể là chuyện của ngày một, ngày hai. Tuy nhiên, trong những thành tố của sức mạnh mềm, cái mà chúng ta cần phải đổi thay trước hết là thể chế quốc gia. Cải cách thể chế (cụ thể hơn là chính sách) được ví như việc khơi thông những mạch nguồn để các nguồn lực, sức sáng tạo, vốn xã hội thực sự được thăng hoa. Thế giới sau Covid sẽ không có chỗ cho một nền khoa học công nghệ trì trệ và lạc hậu, sẽ không có chỗ cho những rào cản của sáng tạo và khởi nghiệp, sẽ không có chỗ cho sự bội tín và lòng tin vá víu. Giá trị của một quốc gia có lẽ sẽ không còn đơn giản là những khí tài quân sự, những vũ khí hủy diệt, những tài nguyên sẵn có mà giá trị quốc gia sẽ là những giá trị của sáng tạo, khởi nghiệp, của khoa học công nghệ, của giáo dục và của một lòng tin được xây dựng trên những giá trị nhân văn. Đó là cơ hội để cho sức mạnh mềm Việt Nam được khẳng định. Và, cải cách thể chế là sứ mạng của chúng ta hôm nay.
NGƯT - AHLĐ LÊ CÔNG CƠ
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC DUY TÂN