English

Giấc mơ Duy Tân

Hậu Covid 19 và Những lựa chọn cho tương lai

Covid 19 đang khiến cho loài người phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu được cho là lớn nhất kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai. Những tác động khủng khiếp của nó đến các chỉ báo kinh tế - xã hội ở các quốc gia liên tục tăng theo cấp số nhân. Và, chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm. Trong lúc này, việc ứng phó y tế đang được tất cả các quốc gia có dịch đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, nếu việc ứng phó y tế được ví như là hành động trong ngắn hạn để “cứu mạng sống” thì những chính sách phát triển kinh tế - xã hội lâu dài khác lại được xem là những hành động để “cứu cuộc sống”. Cách tiếp cận trên cho chúng ta thấy rằng,ở góc độ cá nhân cần phải chuẩn bị một tâm thế rất chủ động và sẵn sàng cho những đổi thay. Đặc biệt là những đổi thay “hậu Covid”; thậm chí là những đổi thay ngay trong lúc Covid đang hoành hành để có những chiến lược cuộc sống phù hợp. Chắc lẽ, việc đầu tiên chúng ta cần phải làm là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: thế giới sẽ ra sao khi “cơn bão” này qua đi?

Hậu Covid 19 và Những lựa chọn cho tương lai

Hậu Covid 19 và Những lựa chọn cho tương lai (Ảnh: Politico)

1. Những thói quen định hình tập quán
 
Khác với các cuộc khủng hoảng dịch bệnh khác như Sars hay Ebola, những cách thức ứng phó với Covid 19 trên toàn cầu đang tạo ra những thay đổi chưa từng có tiền lệ. Có những thói quen tưởng chừng như đã trở thành văn hóa nhưng trong dịch bệnh, con người đã phải từ bỏ chúng. Có những quá trình xã hội tưởng chừng như phải cả chục năm sau mới thực sự thành hình, nhưng dịch bệnh đã thúc đẩy chúng hiện hữu một cách đầy đủ hình hài. 
 
Thời gian qua, sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội đã khiến người dùng luôn được tiếp cận một khối lượng thông tin khổng lồ. Thông tin nhiều đến mức mà con người không có đủ khả năng và kiên nhẫn để xác thực nó. Giai đoạn đầu của dịch bệnh, thói quen này đã khiến chúng ta hoang mang, sợ hãi, thậm chí không biết phải làm gì để đối phó với dịch bệnh. Giai đoạn sau, chúng ta đã thấy được những giá trị quan trọng của thông tin chính xác, điều mà trong hàng chục năm qua chúng ta đã gần như không quan tâm. Nhu cầu tìm hiểu thông tin chính xác của con người trong dịch bệnh lớn đến mức mà các mạng xã hội lớn như Facebook hay Twitter đã phải tạo ra các thông báo ứng dụng mới để đảm bảo tính xác thực của thông tin. Thông tin đã trở về với đúng giá trị thực của nó. Và có lẽ, trong nhiều trường hợp khác ở giai đoạn hậu Covid, thói quen này sẽ trở thành phổ biến trong tương lai.
 
Cách ly xã hội hay giãn cách giao tiếp (Social distancing) được hầu hết các quốc gia áp dụng để đối phó với dịch bệnh. Đây cũng có thể xem là cơ hội có một không hai để tái định hình  những thói quen thường nhật. Điển hình nhất là các thói quen mua sắm, làm việc và học tập. Cụ thể, trong một tình thế không thể khác, một lượng lớn người tiêu dùng trên toàn cầu đã chuyển sang mua hàng trực tuyến đối với các mặt hàng mà trước đây họ chỉ mua tại chỗ. Sự tiện ích thấy rõ của mua hàng trực tuyến cộng với nỗi lo sợ về nhiễm khuẩn bề mặt còn kéo theo nhiều thay đổi lớn khác. Điển hình nhất là,thay vì thanh toán bằng tiền mặt, người tiêu dùng đã chuyển sang hình thức thanh toán trực tuyến thông qua di động hoặc qua các ứng dụng mã hóa đặc biệt. Nếu hàng nửa thế kỷ qua, các can thiệp về mặt chính sách của nhiều quốc gia châu Á nhằm xóa bỏ thói quen tiêu tiền mặt của người tiêu dùng đều bất lực; thì chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, Covid 19 đã  thúc đẩy thành công tiến trình này. Đại dịch có thể sẽ là một “đòn bẩy” trong việc minh bạch hóa các giao dịch mua bán ở giai đoạn “hậu Covid” trong tương lai. 
 
Giáo dục và thói quen làm việc cũng là một câu chuyện tương tự. Trong khi cách mạng công nghiệp 4.0 đã xuất hiện ở hầu hết các khía cạnh của đời sống thì việc ứng dụng nó như thế nào trong dạy và học vẫn là một câu hỏi bị bỏ ngỏ. Hay, làm thế nào để biến một doanh nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp không văn phòng, không trụ sởđể tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường cũng vẫn là một câu hỏi lớn tồn tại hàng chục năm qua. Thế nhưng, chỉ trong 100 ngày, Covid 19 đã trả lời thấu đáo cho hai câu hỏi mang tính chiến lược trên. Trong tình huống bất khả kháng, các trường học đã triển khai dạy và học trực tuyến, các công ty, doanh nghiệp, công sở đồng loạt cho nhân viên làm việc tại nhà. Thậm chí, các cuộc họp cấp nguyên thủ quốc gia cũng đã chuyển sang hình thức online. Công nghệ thực sự đã thực hiện sứ mệnh của mình một cách hoàn hảo trong hoàn cảnh nguy nan này. Và chắc chắn, đây sẽ là một xu hướng của tương lai.
 
Sử dụng các dịch vụ y tế cũng sẽ có nhiều thay đổi lớn. Theo đó, Y tế từ xa (telemedicine), một dịch vụ tưởng chừng như hoàn toàn xa lạ đã dần trở nên quen thuộc trong trong dịch bệnh. Dịch vụ này đảm nhiệm các công từ việc chăm sóc các bệnh nhân lâm sàng, lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ, tư vấn tâm lý đến sàng lọc các dấu hiệu ban đầu về sức khỏe. Một loạt các công ty y tế từ xa khởi nghiệp và xác lập được thị phần trong khoảng 2 tháng qua đã cho thấy triển vọng thực sự của loại hình này. 
 
2. Cơ hội nào cho chúng ta?
 
Có quá nhiều câu hỏi được đặt ra cho tương lai của chúng ta thời kỳ hậu Covid. Và để trả lời được chính xác tất cả những câu hỏi đó là một nhiệm vụ bất khả thi. Tuy nhiên,dựa vào những nhận định về sự xuất hiện của những tập quán mới, những đánh giá về sự hồi phục thị trường và sự can thiệp chính sách; chúng ta có thể hình dung ra một thế giới sau Covid với những cơ hội nhất định chứ không hoàn toàn là màu xám. 
 
Thứ nhất: Các ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch vốn là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong Covid sẽ phục hồi mạnh mẽ. Kinh nghiệm thực tế sau các biến động dịch bệnh cho thấy, sau một khoảng thời gian bị hạn chế tiếp xúc và di chuyển, con người sẽ có nhu cầu cao hơn cho các hoạt động này (hiệu ứng lò xo nén). Quá trình phục hồi sẽ bắt đầu từ du lịch nội địa và sau đó là du lịch quốc tế. Tất nhiên, mức độ phục hồi phụ thuộc rất nhiều vào khả năng ứng phó với dịch bệnh ở mỗi quốc gia. Các quốc gia ứng phó tốt với dịch bệnh thời gian qua như Việt Nam sẽ là những lựa chọn hàng đầu của khách du lịch. Và có thể, Việt Nam sẽ là quốc gia  đón nhận sự bùng nổ của  những làn sóng du lịch đầu tiên hậu Covid.Du lịch của Singapore sau SARS 2003 là một ví dụ điển hình. Ở một góc nhìn khác, thương mại và du lịch là một thị trường thường mang tầm nhìn dài hạn. Do vậy, những khó khăn hay biến động thị trường trong ngắn hạn như chúng ta đang gặp phải chính là những thử thách để sàng lọc. Các nhà đầu tư có năng lực thực sự, những đơn vị cung ứng nhân lực có uy tín để phục vụ cho sự phát triển bền vững trong tương lai sẽ là những nhân tố tiên phong. Nhân sự phục vụ du lịch, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao sẽ vẫn được  các nhà tuyển dụng liên tục tìm kiếm trong thời kỳ hậu Covid.
 
Thứ hai: Với một tập quán tìm kiếm và sàng lọc thông tin kiểu mới như đã phân tích ở trên, con người sẽ có một mức nhu cầu về tiếp nhận thông tin hoàn toàn khác biệt. Thông tin sẽ được trả về đúng giá trị của nó khi các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ theo nguyên tắc ‘tính trung thực (Authenticity)  là Vua’. Tức là doanh nghiệp phải lựa chọn đưa ra thông điệp gì để mọi người thấy tính chân thật trong mọi hoạt động. Đây là một cơ hội lớn chưa từng có của nhân sự ngành truyền thông thời kỳ hậu Covid. Tất nhiên, cơ hội sẽ không đến với tất cả mọi người. Nhân sự truyền thông chất lượng cao vẫn lại là những đòi hỏi bức thiết. 
 
Thứ ba: Nền tảng số, hay công nghệ số là cụm từ được nhắc đến thường xuyên trong dịch bệnh. Những phân tích về sự xuất hiện của những tập quán mới ở trên cho thấy, nếu không có công nghệ thì không biết thế giới phải ứng xử như thế nào với thảm họa những ngày qua. Mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, học trực tuyến, làm việc trực tuyến, khám bệnh trực tuyến... tất cả đều được xây dựng trên nền tảng công nghệ. Thực tế này cho thấy, sau dịch bệnh sẽ có những cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp khởi nghiệp về xây dựng nền tảng ứng dụng trong mọi lĩnh vực đời sống. Đây sẽ là một cú huých thực sự để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp vốn đã được phát động mạnh trong khoảng 5 năm tở lại đây. Nhân sự ngành công nghệ thông tin một lần nữa lại sẽ có thêm nhiều lựa chọn công việc. Và tinh thần khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ lại sẽ tiếp tục được hun đúc thêm lên. Thương mại và dịch vụ với sự định hình công nghệ sẽ có những bước chuyển đổi cơ cấu mới về nhu cầu nhân lực. Theo đó, những con người làm thương mại truyền thống sẽ chuyển đổi dần sang thương mại điện tử. Và, nếu không chủ động thích ứng thì nguy cơ đào thải sẽ chắc chắn sẽ xảy ra. Điều này sẽ hoàn toàn đúng với xu thế của những quốc gia đang phát triển như Việt Nam từ 2 đến 5 năm tới. 
 
Thứ tư: Trước Covid, nhiều quốc gia quá chú trọng đến xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu tài nguyên mà xem nhẹ sản xuất nội địa. Dịch bệnh xảy ra, việc xuất khẩu đình đốn khiến các quốc gia này gặp không ít khó khăn. Việt  Nam cũng là một ví dụ. Thực trạng này buộc họ phải có chính sách kích thích sản xuất và tiêu dùng nội địa. Trong hoàn cảnh dịch bệnh chưa biết khi nào thoái lui, các ngành công nghiệp cơ khí, điện điện tử hay nông nghiệp sẽ phải tái cấu trúc lại cách thức hoạt động để phục vụ nhu cầu nội địa. Đây là một cơ hội không thể tốt hơn cho những nhân sự vốn đang gặp khó khăn ở các ngành này lâu nay.  
 
Thứ năm: Nếu như dịch hạch đã dẫn đến một cuộc cải cách lao động và sự phát triển vượt bậc trong ngành y dược ở thời kỳ Trung Cổ, thì Covid-19 sẽ là nguồn cơn cho một loạt các thay đổi trong lĩnh vực y tế. Vẫn còn quá sớm để dự doán những đổi thay của những ngành này sau đại dịch, nhưng việc thúc đẩy sản xuất vật tư y tế, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, bào chế các loại thuốc chữa bệnh mới và nâng cao năng lực chữa trị chắc chắn là những cuộc cách mạng lớn thời hậu Covid. Bài toán thiếu hụt nhân sự y tế vốn đã làm đau đầu nhiều nước đang phát triển hàng chục năm qua, giờ đây lại tiếp tục cần có những lời giải mới.
 
Sau cuối: Covid 19 đã gây ra những thiệt hại vô cùng nặng nề về nhiều mặt đối với các quốc gia trên thế giới. Hậu Covid về mặt xã hội sẽ còn nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực mà chúng ta chưa thể đánh giá hết. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng là một cơ hội để chúng ta tự đánh giá lại mình và nhìn rộng ra xung quanh để có những bước đi phù hợp hơn. Trong “nguy” có “cơ” là tâm thế chúng ta luôn cần có để đối diện với những nghịch cảnh thường trực ở tương lai. 
 
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRƯỜNG 
NGƯT – AHLĐ LÊ CÔNG CƠ