English

Nghiên cứu

Những Tiến bộ Mới nhất của Vật liệu Nano trong Chăm sóc Sức khỏe

Hội nghị quốc tế về ứng dụng nano trong chăm sóc sức khỏe do Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm trẻ thế giới và Trường Đại học Duy Tân - Đà Nẵng tổ chức từ ngày 29 đến 31.7, tại Trường Đại học Duy Tân.
 
Những Tiến bộ Mới nhất của Vật liệu Nano trong Chăm sóc Sức khỏe
GS. Nguyễn Thị Kim Thanh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: N.T.B
 
PGS-TS. Nguyễn Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân cho biết, hội nghị có sự tham gia của hơn 30 diễn giả, hơn 100 chuyên gia và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực. Các diễn giả là giáo sư, nhà khoa học, nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực đến từ 4 châu lục và 13 quốc gia: Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Ý, Phần Lan, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam. Các chủ đề có sức thu hút cao được thảo luận tại hội nghị như: vật liệu nano trong truyền dẫn thuốc; vật liệu nano trong cảm biến và hiển thị sinh học; tương tác sinh học và độc tính của vật liệu nano; hệ vi dẫn và mô hình kỹ thuật sinh học, các thử thách trong điều trị lâm sàng...
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS. Nguyễn Thị Kim Thanh đến từ University College London (Vương quốc Anh) nhấn mạnh về vai trò của vật liệu nano trong chăm sóc sức khỏe và tầm quan trọng của hội nghị trong việc chia sẻ, kết nối và tạo cơ hội cho sự phát triển chuyên môn giữa những diễn giả và nhà khoa học toàn cầu.
 
Những Tiến bộ Mới nhất của Vật liệu Nano trong Chăm sóc Sức khỏe
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: N.T.B
 
GS. Nguyễn Thị Kim Thanh là nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam - người vừa được công bố nhận Giải thưởng Rosalind Franklin năm 2019 cho những thành tựu nghiên cứu và những đề xuất dự án có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực vật liệu nano. Giải thưởng và bài giảng Rosalind Franklin của Vương quốc Anh và các nước liên bang hàng năm được trao cho một cá nhân có đóng góp xuất sắc cho bất kỳ lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và Toán học (STEM) và để hỗ trợ thúc đẩy phụ nữ trong lĩnh vực STEM.
 
Tiếp đó, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Đức - GS. Jochen Feldman đã cập nhật về những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực nano/quang tử học/chăm sóc sức khỏe, lực quang học, kiểm soát DNA, bút nano trong tế bào. Đồng thời, GS. Nguyễn Thị Kim Thanh trình bày về “Hạt nano từ tính và plasmonic ứng dụng trong lĩnh vực y sinh”. Ngày 29.7 có hơn 7 bài trình bày về nhiều giá trị ứng dụng khác, trong đó nổi bật bài về “Hạt nhựa kim loại tổng hợp cấu trúc nano” của PGS. Hiroshi Yabu đến từ Đại học Tohoku (Nhật Bản). PGS. Hiroshi Yabu từng nhận Giải thưởng Nhà khoa học trẻ năm 2014, Giải thưởng Công nghệ nền tảng và khoa học Konica Minolta năm 2014, Giải thưởng Ichimura trong nghiên cứu có thành tựu xuất sắc năm 2016 của Nhật Bản.
 
Trong 2 ngày 30 & 31.7 hội nghị tiếp tục với 12 bài trình bày các công trình khoa học, tiêu biểu là: “Kỹ thuật các nền tảng nano dựa trên từ tính để chuẩn đoán và trị liệu” của GS. Sylvie đến từ Trường Kỹ thuật châu Âu về hóa, polymer và vật liệu (ECPM) của Đại học Strasbourg (Pháp), hay “Aptermers, hạt nano và thiết bị nano ứng dụng trong chẩn đoán và trị liệu chăm sóc sức khỏe” của GS. Tony Cass đến từ Imperial College (London, Vương quốc Anh). GS. Tony Cass đã từng nhận Giải thưởng Sir George Stoke năm 2017, Giải thưởng Hóa học Landmark năm 2012 và đồng chiến thắng Huân chương Mullar năm 1994.
 
Đại biểu dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: N.T.B
 
Xen giữa các buổi trình bày là nội dung thảo luận của người tham dự với những diễn giả để trao đổi thêm về chủ đề cũng như các kinh nghiệm nghiên cứu vật liệu nano ứng dụng trong chăm sóc sức khỏe hiện nay. Bên cạnh đó, người tham dự có dịp được tìm hiểu và trao đổi thêm về những cơ hội nhận được tài trợ nghiên cứu qua các bài chia sẻ của TS. Phạm Đình Nguyên - Phó Giám đốc điều hành của Nafosted và TS. Valerie E.Martindale - Quản lý chương trình quốc tế của Văn phòng Nghiên cứu quân đội.
 
Hội nghị quốc tế này mang đến những cơ hội lớn cho những nhà khoa học, đặc biệt những nhà khoa học trẻ ở Việt Nam cập nhật những kiến thức mới hữu ích, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu từ những nhà khoa học nổi tiếng thế giới về những tiến bộ mới nhất ứng dụng trong chăm sóc sức khỏe. Đây là một trong những hoạt động thuộc “Chương trình gặp gỡ của các viện hàn lâm trẻ lần thứ 4 - năm 2019” của Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam.
 
(Nguồn:http://baoquangnam.vn/xa-hoi/y-te/201908/nhung-tien-bo-moi-nhat-cua-vat-lieu-nano-trong-cham-soc-suc-khoe-865961/#.XUJenp1yGO8.gmail)