English

Đại học

Truyền Cảm hứng Sáng tạo

Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) học sinh (HS) trung học cấp tỉnh năm học 2018 - 2019 vừa kết thúc đã để lại ấn tượng về niềm đam mê, tài năng và sự tự tin trong nghiên cứu khoa học của học trò xứ Quảng.
 
Nguyễn Vĩnh Huy (Trường THPT Tiểu La) trình bày “Thuật toán nhận dạng ngôn ngữ ký hiệu” - dự án đoạt giải Nhất. Ảnh: X.P
Nguyễn Vĩnh Huy (Trường THPT Tiểu La) trình bày “Thuật toán nhận dạng ngôn ngữ ký hiệu” - dự án đoạt giải Nhất. Ảnh: X.P
 
Sân chơi bổ ích
 
Được Sở GD-ĐT và Trường Đại học Duy Tân tổ chức thường niên trong 3 năm qua, cuộc thi đã trở thành một sân chơi nghiên cứu khoa học và sáng tạo sôi nổi trong học đường cả tỉnh. Không chỉ thành công ở cuộc thi cấp tỉnh khi ngày càng thu hút đông đảo HS tham gia, những năm qua học trò Quảng Nam còn gặt hái được kết quả khá tốt tại cuộc thi toàn quốc. Năm học 2015 - 2016, ngay trong lần đầu tiên tham gia tranh tài thì tất cả 6 dự án đều giành giải thưởng, trong đó 2 giải nhất. Tại các cuộc thi sau đó các em HS tiếp tục có được thành công, mà gần nhất là năm học 2017 - 2018 giành được 5 giải, trong đó 1 giải nhì, 2 giải ba.
 
Sáu dự án được trao giải nhất, gồm “Thuật toán nhận dạng ngôn ngữ ký hiệu” của Nguyễn Vĩnh Huy (Trường THPT Tiểu La - Thăng Bình), “Tích hợp công nghệ quét-in 3D” của Đặng Thành Sơn (THPT Nguyễn Khuyến - Điện Bàn), “Thiết bị cảnh báo sạt lở đất” của Đỗ Viết Trinh và Dương Xuân Quỳnh (THPT Bắc Trà My), “Nâng cao tính tự chủ của HS và trách nhiệm của giáo viên trong dạy học thông qua thiết kế và áp dụng bảng hỏi dành cho HS” của Phan Nguyễn Sông Ngân và Trần Thúc Nhân (THPT Hùng Vương - Thăng Bình), “Hệ thống thu gom rác thông minh” của Nguyễn Ngọc Gia Huy và Phan Ngọc Anh (THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm), “Ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường mô phỏng và tương tác trên bộ thẻ các động vật trong sách đỏ Việt Nam” của Phạm Gia Huy và Lê Khắc Trường An (THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm).
 
Chuẩn bị cho cuộc thi năm nay, ngành GD-ĐT đã đưa cuộc thi vào nhiệm vụ trọng tâm của ngành nhằm khuyến khích các em HS nghiên cứu, sáng tạo khoa học, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống. Nhờ đó, đã có hơn 200 tác giả với 157 dự án đến từ 49 đơn vị tham gia, trong đó nhiều nhất là lĩnh vực hệ thống nhúng, phần mềm hệ thống, kỹ thuật cơ khí và khoa học xã hội - hành vi. Điều đáng nói, cuộc thi ngày càng hấp dẫn đối với HS, thể hiện ở sự gia tăng về số lượng dự án tham gia. Nếu như năm học 2014 - 2015 chỉ có 22 dự án với 5 đơn vị góp mặt thì đến năm học 2017 - 2018 có 139 dự án với 44 đơn vị và năm nay con số tiếp tục tăng lên.
 
Theo ông Lê Văn Chính - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cuộc thi đậm chất trí tuệ, sáng tạo này được Bộ GD-ĐT tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013 đã có sự lan tỏa sâu rộng trong HS. Đến năm 2016 Quảng Nam mới lần đầu tiên tham gia, song liên tiếp ghi dấu ấn bằng thành tích cao. Cuộc  thi đã tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong nhà trường, sản phẩm cuộc thi đã có tác dụng tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, như dự án “Thiết bị chuyển đổi văn bản trên máy tính thành chữ Braille cho người khiếm thị” của Võ Trung Thiên Tường (Trường THPT Lý Tự Trọng - Thăng Bình) hay dự án “Thư viện tự động dựa trên nền tảng IoT” của Đỗ Vũ Quang Lộc và Hồ Tấn Trí (Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm).
 
Truyền cảm hứng
 
Trong số 96 dự án vào vòng chung kết, có thể thấy, nhiều đề tài bắt nguồn từ yêu cầu thực tiễn, cuộc sống hàng ngày, như “Thiết bị cảnh báo sạt lở đất”, “Hệ thống thu gom rác thông minh” hay “Tái chế rác thải nilon thành những vật phẩm có ích và thân thiện”, “Hệ thống barie thông minh”. Một số dự án gây ấn tượng bởi mang tính nhân văn khá cao, đem lại thiện cảm cho nhiều người, như “Thuật toán nhận dạng ngôn ngữ ký hiệu” nhằm hỗ trợ người bị câm điếc hay “Thắt lưng cảnh báo đột quỵ và định vị người dùng qua điện thoại”. Theo ban giám khảo cuộc thi, đề tài xã hội và hành vi rất khó và kén chọn người tham gia. Tuy nhiên, năm nay đề tài này thu hút không ít dự án có chất lượng như “Hội chứng đám đông trong HS” hay “Ngại giao tiếp trước đám đông”.
 
Đánh giá về cuộc thi, ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, thành công không chỉ là số lượng đề tài nhiều mà còn là sự nhiệt tình, tính chủ động, sự say mê với nghiên cứu khoa học của HS cả tỉnh. Chính sự nhiệt tình, tự tin và tài năng của các em đã truyền cảm hứng cho các nhà khoa học, các thầy cô. Minh chứng cho điều đó là năm nay có đến 73 dự án của cấp THCS dự thi và nhiều dự án đoạt giải cao như “Hệ thống tự động xả nước nhà vệ sinh không sử dụng điện” của em Đặng Thanh Lâm (Trường THCS Nguyễn Du - Tam Kỳ) hay “Hệ thống cảnh báo trượt lở núi, ta-luy ven đường” của em Phạm Văn Triều (Trường THCS Trần Hưng Đạo - Hiệp Đức). Phần lớn các đề tài có nội dung và phương pháp nghiên cứu phù hợp, có tính sáng tạo.
 
(Nguồn:http://baoquangnam.vn/xa-hoi/giao-duc/201901/truyen-cam-hung-sang-tao-836056/#.XE5sjBNmAhQ.gmail)