English

Đại học

Trò chuyện với Sinh viên Duy Tân về Tinh thần Khởi nghiệp

Nhằm thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết, ý chí hăng say khởi nghiệp trong toàn thể sinh viên Duy Tân, chiều ngày 24/01/2019, Trung tâm Khởi nghiệp Đại học Duy Tân đã tổ chức buổi gặp gỡ, mang cơ hội cho các bạn sinh viên cùng lắng nghe những chia sẻ về tinh thần khởi nghiệp từ Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường. 

AHLĐ.NGƯT. Lê Công Cơ chia sẻ về Tinh thần Khởi nghiệp

Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ chia sẻ về tinh thần khởi nghiệp

Buổi trò chuyện không chỉ là lời tâm sự, sẻ chia, nhắn nhủ mà còn chứa đựng biết bao tâm huyết, tình cảm của thầy Lê Công Cơ gửi gắm đến tất cả các thế hệ sinh viên Đại học Duy Tân. Cả khán phòng lắng lại với câu chuyện khởi nghiệp của thầy trong những tháng năm gian khổ nhất của cuộc đời. 
 
“Năm 6 tuổi, tôi chỉ là một đứa bé đi ở đợ. Năm 13 tuổi, tôi vô Sài Gòn đi đánh giày, gánh nước thuê, bán báo và làm đủ nghề để kiếm sống. Tất cả những điều đó đã hun đúc cho tôi một nghị lực kiên cường. Tôi không thể bỏ cuộc, phải chịu đựng, phải học, chỉ có học mới là con đường duy nhất để thay đổi cuộc đời mình. Và đến năm 18 tuổi, tôi bước vào ngành giáo dục ở bậc trung học. Tuy nhiên chưa tròn 4 năm làm giáo viên, 22 tuổi nghe theo tiếng gọi của kháng chiến, tôi tham gia hoạt động cách mạng. Lúc đó, tôi thầm mong hòa bình lập lại, nếu còn sống sót trở về, sẽ tiếp tục công việc của một nhà giáo. Trong tôi ‘nung nấu’ ý chí khởi nghiệp về một ngôi trường hiện đại với những chương trình đào tạo tiên tiến. Trải qua những tháng ngày ‘dạn dày sương gió’, tích lũy mọi kỹ năng, kiến thức, tôi đã dựng xây nên ngôi trường Đại học Duy Tân như ngày nay.” - Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ chia sẻ.
 
Sinh viên Duy Tân lắng nghe tâm tư của Thầy
Sinh viên Duy Tân lắng nghe tâm tư của Thầy
 
Các bạn sinh viên thực sự bị lôi cuốn bởi câu chuyện gần gũi và chân thực được đúc kết từ chính cuộc đời của thầy. Những năm tháng chiến tranh gian khổ qua đi, bắt đầu sự nghiệp từ hai bàn tay trắng và một khối óc sáng tạo. Quả thực, con đường khởi nghiệp của thầy là cả một quá trình nỗ lực cùng nghị lực kiên cường và ý chí vươn lên. Thế nhưng theo thầy, chỉ có mỗi nghị lực thôi thì chưa đủ, cần phải có một trình độ kiến thức nhất định để hình thành những ý tưởng sáng tạo và biến nó thành sản phẩm phù hợp với thị trường và nhu cầu xã hội đang đặt ra. Thầy dặn dò: “Các em phải có niềm say mê và quyết tâm trong học tập. Ban đầu, hãy hình thành các nhóm khởi nghiệp ít nhất từ 3 người, có thể cùng ngành, khác ngành nhưng phải cùng chung chí hướng, có năng lực và cá tính khác nhau. Các em nên tìm tòi, suy nghĩ và đưa ra những ý tưởng phong phú. Đừng sợ trùng lặp, đừng sợ họ đã làm rồi, cứ sáng tạo và làm tốt hơn họ. Bởi cuộc đời là một dòng chảy không ngừng, có lúc nó chảy xiết, lúc thong dong chậm rãi và cũng có lúc trong, lúc đục. Cuộc đời là vậy. Thường những người thành công trong xã hội phần lớn phải trải qua nhiều vấp ngã trên đường đời để đi tới.”
 
Những lời tâm sự, chia sẻ của thầy Cơ đã truyền tải những thông điệp ý nghĩa để “trao tặng” kinh nghiệm và “chắp cánh” cho giấc mơ khởi nghiệp của sinh viên Duy Tân. Và cũng trong khuôn khổ của buổi gặp mặt và trò chuyện, Ban Tổ chức đã trao Giấy chứng nhận dành cho các nhóm sinh viên có dự án khởi nghiệp đạt giải Nhất, Nhì và Ba tại Cuộc thi “Hult Prize at DTU 2019”. Với tinh thần đoàn kết, ham học hỏi cùng sự truyền thụ kinh nghiệm và kỹ năng quý báu từ thầy cô, hy vọng sinh viên Duy Tân sẽ gặt hái được nhiều thành công trên con đường khởi nghiệp phía trước. 
 
(Truyền Thông)