Đó là vấn đề được Giáo sư - Tiến sỹ Pierre Klei (đến từ Vương quốc Bỉ) đưa ra tại hội thảo khoa học quốc tế “Những phát triển mới của Luật Biển quốc tế - Góc nhìn quốc tế và Việt Nam” (diễn ra trong ngày 7/11/2018).
Hội thảo do
Đại học Duy Tân và Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức; với sự bảo trợ và phối hợp từ Chính phủ Vùng Wallonie - Bruxelles, Vương Quốc Bỉ; Phái đoàn Chính phủ Vùng Wallonie - Bruxelles, Vương Quốc Bỉ tại Việt Nam và Trung tâm Luật biển quốc tế, Đại học Tự do Vương quốc Bỉ.
Thay mặt Đại học Libre Bruxelle, Vương quốc Bỉ, Giáo sư - Tiến sỹ Pierre Klei (bìa phải) đã tặng Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội một số ấn phẩm mới, trong đó, có tài liệu nghiên cứu về Biển và Luật biển.-Ảnh trong tin: T.N
Quyền, nghĩa vụ của các quốc gia trong bảo vệ môi trường biển
Vượt qua một chặt đường khá dài từ Canada - Pháp - Hà Nội - Đà Nẵng (Việt Nam) Giáo sư - Tiến sỹ Pierre Klei (Đại học Libre Bruxelle, Vương quốc Bỉ) đã chia sẻ sự quan tâm đến một vấn đề khá nhạy cảm: Mỗi quốc gia liên quan đều có nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển, cho dù, vẫn đang cùng tranh chấp chủ quyền với một hay các bên còn lại.
Giáo sư - Tiến sỹ Pierre Klei cho rằng, mặc dù UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển - United Nations Convention on Law of the Sea - viết tắt theo tiếng Anh: UNCLOS. Trên một số văn bản, bài báo quốc tế còn gọi là Công ước Montego Bay 1982), đã dành rất nhiều điều khoản cho vấn đề bảo vệ môi trường biển, tuy nhiên cho đến gần đây, vấn đề này chỉ được đề cập trong một số rất ít các phán quyết quốc tế.
Ông nêu ra dẫn chừng: Tòa đặc biệt của ITLOS (Tòa án Quốc tế về Luật Biển - (International Tribunal for the Law of the Sea, viết tắt theo tiếng Anh: ITLOS) trong vụ phân định biển của Ghana và Bờ biển Ngà (Cộng hòa Côte d"Ivoire), đã được yêu cầu phán quyết về vấn đề này (trong quyết định các biện pháp tạm thời của Tòa vào ngày 25/4/2015).
Đặc biệt Tòa đã yêu cầu Ghana thực hiện “kiểm soát nghiêm ngặt và liên tục các hoạt động do họ thực hiện hoặc với sự cho phép của họ trong khu vực tranh chấp, nhằm ngăn ngừa những thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường biển”.
Phán quyết này có một ý nghĩa đặc biệt về môi trường, bởi nó cho thấy sự quan tâm của các quốc gia đến các vấn đề môi trường, nhắc nhở đến nghĩa vụ của các quốc gia trong lĩnh vực này, trong bối cảnh tranh chấp về phân định biển. Nơi người ta (dường như) không trông đợi vấn đề môi trường được giải quyết.
Nhà Nghiên cứu UNCLOS đến từ Đại học Libre Bruxelle, cũng đưa ra minh chứng gần gũi với khu vực châu Á.
Đó là trường hợp “mối quan tâm này (bảo vệ môi trường biển)”, có ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều trong trường hợp “vụ tranh chấp về Biển Đông. Bởi nó là cơ sở của nhiều lập luận, yêu cầu từ phía Philippines”.
Trong phán quyết, Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế - PCA, đã chấp nhận phần lớn yêu cầu của Philippines (trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, chống lại những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông).
Theo đó, Trung Quốc phải “chịu trách nhiệm quốc tế vì đã vi phạm các nghĩa vụ theo UNCLOS, qua hoạt động khai thác bởi chính ngư dân Trung Quốc, đối với các loài sinh vật được bảo vệ”.
Và những thiệt hại, xuất phát từ phương thức cảo tạo, do ngư dân (Trung Quốc) gây ra cho hệ sinh thái rạn san hô, đã được nhà chức trách Trung Quốc sử dụng để tăng diện tích các cấu trúc của nước này chiếm đóng trên Biển Đông, cũng như bởi sự thiếu hợp tác quốc tế của nước này trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển.
Các phán quyết nêu trên phù hợp với hệ thống biện pháp được thiết lập tại Công ước UNCLOS. Hệ thống này đã đặt ra những trách nhiệm rất lớn, đối với các quốc gia thành viên liên quan đến các hoạt dộng do họ kiểm soát, hoặc được thực hiện bởi những người thuộc thẩm quyền của quốc gia đó, kể cả những hoạt động trong lĩnh vực môi trường biển.
Trong báo cáo khoa học của mình (được chọn là báo cáo đầu tiên của toàn phiên làm việc); Giáo sư - Tiến sỹ Pierre Klei cũng chia sẻ một số vấn đề còn bỏ ngỏ.
“Đó là vấn đề về sự khác biệt trong điều 121 của UNCLOS, giữa “đảo” và “đảo đá” đã và đang đặt ra nhiều câu hỏi. Đặc biệt, trong bối cảnh cho đến tận thời gian gần đây, các án lệ quốc tế hầu như vẫn chưa cung cấp những dữ liệu để có thể làm rõ nội hàm hay giúp giải thích rõ các khái niệm này.
Một vấn đề nữa là yếu tố phân định biển giữa các bên liên quan khi có tranh chấp chủ quyền.
Theo Giáo sư , các nguyên tắc áp dụng cho việc phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đã được quy định tại các điều 74 và 83 của UNCLOS. Những điều khoản này đề cập đến sự thỏa thuận của các quốc gia liên quan “nhằm đạt được một giải pháp công bằng”.
Vấn đề chính, là sự tồn tại của các thỏa thuận phải mang tới kết quả là “tính phân định ranh giới biển” không còn được đặt ra nữa, mà đã được giải quyết (một cách triệt để), bằng sự thỏa thuận của hai bên. Thế nhưng trên thực tế, trong nhiều tình huống, chính sự tồn tại của một số thỏa thuận như vậy và việc xác định phạm vi hiệu lực của nó đã trở thành vấn đề tranh luận.
Điều này đúng với các thỏa thuận bằng văn bản, song, thậm chí nó vẫn còn gây nhiều tranh cãi hơn….Khi có sự tồn tại của một thỏa thuận ngầm định giữa các bên và được viện dẫn bởi một trong số các bên liên quan.
Tại hội thảo, Giáo sư - Tiến sỹ Pierre Klei một lần nữa nhấn mạnh rằng: Những phán quyết (của Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế - PCA, có trụ sở tại Hà Lan, ngày 12 tháng 7 năm 2016) đã chỉ rõ: Yêu sách của Trung Quốc về các quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong phạm vi “đường 9 đoạn” là không phù hợp với Công ước UNCLOS.
Phán quyết này là sự lên án mạnh mẽ đối với các yêu sách của Trung Quốc dựa trên “đường 9 đoạn” và trên cái gọi là “các quyền lịch sử” (Trung Quốc cho rằng chủ quyền lịch sử của họ chiếm 90% diện tích vùng biển phía Đông Việt Nam, trong phạm vi đường đứt khúc 9 đoạn do chính họ đơn phương vạch ra-PV) - những điều không thể tìm thấy trong bất kì cơ sở pháp lý nào của UNCLOS.
Làm rõ những khía cạnh phát triển mới của Luật Biển quốc tế từ các nghiên cứu, kinh nghiệm, góc nhìn quốc tế và từ thực tiễn Việt Nam
Hội thảo “Những phát triển mới của Luật Biển quốc tế - Góc nhìn quốc tế và Việt Nam” nằm trong khuôn khổ hợp phần hỗ trợ Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai thực hiện Chương trình Thạc sỹ Luật Biển và Quản lý Biển, thuộc chương trình hỗ trợ của Chính phủ Vùng Wallonie-Bruxelles, Vương Quốc Bỉ dành cho Việt Nam, giai đoạn 2016-2018.
Đây là hội thảo đầu tiên hướng đến mục tiêu góp phần làm rõ những khía cạnh phát triển mới của Luật Biển quốc tế thông qua nghiên cứu kinh nghiệm, góc nhìn quốc tế và thực tiễn Việt Nam, được tổ chức tại Đà Nẵng - thành phố có Huyện đảo Hoàng Sa. Đồng thời cũng là địa phương nhiều lần tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tư liệu (nhiều nhất là bản đồ được xuất bản ở nước ngoài ; được lưu giữ tại thư viện quốc gia nhiều nước trên thế giới) liên quan đến chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam”. Đây cũng là một đóng góp của Đà Nẵng đối với việc thực thi Công ước UNCLOS.
Phiên làm việc chung của hội thảo khoa học quốc tế “Những phát triển mới của Luật Biển quốc tế - Góc nhìn quốc tế và Việt Nam”.
“Hội thảo lần này cũng góp phần đánh giá những phát triển của Luật biển quốc tế trong bối cảnh của Biển Đông, trước yêu cầu bảo vệ chủ quyền đất nước, gìn giữ hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực và thế giới” - Ts Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân cho biết.
Còn theo Phó GS.TS Nguyễn Thị Quế Anh - Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, “hội thảo có mục tiêu cung cấp những luận cứ có giá trị khoa học và thực tiễn cho các nhà lập pháp, các cơ quan nhà nước khác của Việt Nam tham khảo trong quá trình hoàn thiện, thực thi pháp luật và hội nhập quốc tế. Một đóng góp có ý nghĩa khác là hội thảo sẽ góp phần bổ sung tài liệu giảng dạy, nghiên cứu ở Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Luật Đại học Duy Tân và các đơn vị đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu về luật biển, quản lý biển và hàng hải quốc tế, học viện quan hệ ngoại giao…
(Nguồn:http://www.ictdanang.vn/chi-tiet?articleId=37565)