English

Hợp tác & Hội nhập

Cán bộ Đại học Duy Tân Tham gia đón Nhà Bác học đoạt giải NOBEL tại Hà Nội

Đầu tháng 8/2018, tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, cán bộ Viện Nghiên cứu Lý thuyết và Ứng dụng cùng Viện Sáng kiến Sức khỏe Toàn cầu, Đại học Duy Tân vui mừng chào đón Giáo sư Jerome Isaac Friedman qua Việt Nam để tham dự Hội nghị Quốc tế Windows on the Universe (Những khung cửa sổ nhìn vào Vũ trụ). Giáo sư Jerome Isaac Friedman là nhà khoa học của Mỹ đã đoạt giải Nobel Vật lý năm 1990 khi cùng với 2 nhà khoa học là Henry Kendall và Richard E. Taylor công bố công trình về Tán xạ phi đàn hồi sâu của các electron trên các proton và neutron liên kết. Công trình này lần đầu tiên cho thấy có các hạt quark bên trong hạt nhân. 
 
Cán bộ Đại học Duy Tân Tham gia đón Nhà Bác học đoạt giải NOBEL tại Hà Nội
Giáo sư J. Friedman cùng các cán bộ Đại học Duy Tân tại Sân bay Quốc tế Nội Bài 

Ngay khi Giáo sư J. Friedman đến Hà Nội, các cán bộ Đại học Duy Tân trong đó có bạn Nguyễn Lan Hương - sinh viên thực tập tại Viện Sáng kiến Sức khoẻ Toàn cầu đã cùng đưa Giáo sư đi thăm Hà Nội. Phó Tổng Thư ký, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh đã tiếp Giáo sư và các cán bộ Đại học Duy Tân tại toà nhà Quốc hội. Tại đây, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh chúc mừng những thành tích mà Giáo sư J. Friedman đã đạt được và hy vọng giáo sư sẽ tham gia các sự kiện khoa học của Việt Nam. Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh đã rất vui trước sáng kiến của giáo sư và các đồng nghiệp quốc tế về việc xây dựng một Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Việt Nam. Nơi đây sẽ diễn ra nhiều hoạt động để chia sẻ kinh nghiệm với các nhà khoa học trẻ, giúp các tài năng Vật lý trẻ của Việt Nam có thêm cơ hội phát triển để có nhiều hơn những đóng góp cho sự phát triển của khoa học và công nghệ trên thế giới cũng như sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Qua buổi gặp gỡ, Giáo sư J. Friedman đã đánh giá cao tiềm lực to lớn của Việt Nam. Sinh viên của Việt Nam rất chăm chỉ và sáng tạo, đã có nhiều đóng góp vào sự phát ttriển của đất nước trong lĩnh vực khoa học và kiến trúc. Giáo sư J. Friedman đặc biệt lưu ý tầm quan trọng của khoa học cơ bản đối với tương lai phát triển lâu dài của một quốc gia. 

 Cán bộ Đại học Duy Tân Tham gia đón Nhà Bác học đoạt giải NOBEL tại Hà Nội
Giáo sư Jerome Isaac Friedman chia sẻ tại buổi tiếp tại Nhà Quốc hội

Cùng ngày, Viện trưởng Trần Chí Thành đã chào mừng Giáo sư Jerome Isaac Friedman đến thăm Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam. Tại đây, Giáo sư đã chia sẻ nguyên nhân đưa ông đến với khoa học nói chung và Vật lý nói riêng. Giáo sư cho biết: bản thân đã đến Việt Nam từ 15 năm trước và rất yêu quý con người Việt Nam. Giáo sư nhấn mạnh rằng việc đầu tư cho khoa học và công nghệ là cốt yếu, là nền tảng quan trọng của một đất nước. Giáo sư đã lấy minh chứng là đất nước Singapore, từ một nước không có tài nguyên nay đã trở thành trung tâm tài chính không chỉ của châu Á mà còn của thế giới nhờ chú trọng đầu tư cho khoa học và giáo dục. Giáo sư cũng nhấn mạnh: Điện hạt nhân đóng vai trò quan trọng cho vấn đề năng lượng, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Không chỉ trao đổi về các vấn đề nghiên cứu, Giáo sư còn chia sẻ các câu chuyện về người Thầy của ông, nhà vật lý vĩ đại Enrico Fermi. Với khả năng đặc biệt về giảng bài và nói chuyện thực sự dễ hiểu cho công chúng, nên khi Enrico Fermi nghe một học trò giảng về  lý thuyết phân rã phóng xạ Beta của mình, ông nói đùa rằng “anh giảng xong tôi cũng chỉ hiểu được câu sau cùng”. Câu chuyện giản dị về người thầy của Giáo sư Jerome Isaac Friedman đã giúp chúng ta hiểu rằng: Khoa học là phức tạp, nhưng nếu biết cách chúng ta có thể truyền đạt dễ hiểu cho người nghe, và đó là một trong những khả năng cần thiết của người làm khoa học.
 
Cán bộ Đại học Duy Tân Tham gia đón Nhà Bác học đoạt giải NOBEL tại Hà Nội 
 Viện trưởng Trần Chí Thành (thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm
với Giáo sư Jerome Isaac Friedman

Sau đó, Giáo sư Jerome Isaac Friedman cùng cán bộ Đại học Duy Tân đã có chuyến tham quan tại Bảo tàng Di tích Hoàng Thành Thăng Long. Giáo sư đã rất vui khi chiêm ngưỡng những di vật đẹp đẽ và cổ xưa được phân lớp địa tầng hơn 13 thế kỷ, phát lộ ngay dưới nền toà nhà Quốc hội.

Buổi gặp gỡ và trao đổi đã thực sự ấn tượng và tốt đẹp đối với các cán bộ Viện Nghiên cứu tại Hà Nội, Đại học Duy Tân. GS Jerome Isaac Friedman ở Việt Nam đến ngày 11/8/2018 để tham gia Hội nghị Quốc tế Windows on the Universe và giao lưu với các sinh viên Việt Nam tại Quy Nhơn trước khi trở về nước. 

(Viện Nghiên cứu tại Hà Nội, Đại học Duy Tân)