Với chủ đề “Khám phá tương lai ngay bây giờ và chuẩn bị sẵn sàng cho các thành phố thông minh, cho công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức đối với sinh viên ASEAN”(Discover the Future now and Get Ready for Smart Cities and Industry 4.0: Opportunities and Challenges for ASEAN Students”), hôm nay 16/8 đã diễn ra hoạt động đầu tiên của chuỗi sự kiện hội nghị đại biểu sinh viên và Điều phối viên Chương trình “P2A - ASEAN In One 2018”.
Ngài Lee Yoong Yoong, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại của Ban thư ký ASEAN; Ngài Jeroen Schedler - Trưởng ban Điều hành - Hội đồng Thường trực P2A; Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí và Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Chí Cường, NGƯT. AHLĐ Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Duy Tân, Đồng Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội P2A, cùng nhiều đại biểu đã đến dự phiên khai mạc (diễn ra sáng nay 16/8).
(Từ phải sang: Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí ; NGƯT. AHLĐ Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Duy Tân, Đồng Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội P2A.-Ảnh trong bài: T.N.
Passage to ASEAN (thường được viết tắt là P2A) là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập chính thức vào tháng 6/2012 với các các sáng lập viên gồm Đại học Rangsit (Thái Lan),
Đại học Duy Tân (Việt Nam), Đại học Norton (Campuchia), Viện Khoa học Máy Tính Myanmar và Đại học Quốc Gia Lào.
P2A ra đời với mục đích đảm nhận vai trò cầu nối giữa các trường đại học và cao đẳng trong khu vực, giúp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua các chương trình trao đổi giáo dục và hỗ trợ sinh viên phát triển sự nghiệp trong mỗi quốc gia ASEAN. Định hướng của mạng lưới P2A tuân thủ phương châm: Một tầm nhìn - Một bản sắc và Một cộng đồng.
Từ tháng 7 năm 2016, mạng lưới P2A đã được nâng tầm vị trí thành Hiệp hội (Associations) và có đầy đủ pháp nhân của một tổ chức.
Với sứ mệnh và tầm nhìn của mình, P2A ngày càng thu hút được nhiều sự tham gia của các trường trong khu vực. Đến nay, Hiệp hội P2A đã tăng từ 5 lên 81 thành viên, kết nối trên một triệu sinh viên của 9 nước thành viên ASEAN. Hiện tại, có 7 trường Đại học của Việt Nam là thành viên chính thức của P2A, gồm: trường Đại học Duy Tân,Trường Đại học Văn Lang, trường Đại học FPT, trường Đại học Vũng Tàu , trường Đại học Công nghệ Đồng Nai, trường Đại học Kinh tế -Luật TP HCM và trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Trong 6 năm qua, với vai trò là thành viên tham gia sáng lập Hiệp hội P2A, Trường Đại học Duy Tân đã tổ chức thành công nhiều hoạt động ý nghĩa như: Hội nghị thường niên của các thành viên P2A lần thứ IV tại thành phố Đà Nẵng; đón tiếp và tổ chức nhiều đợt giao lưu văn hóa giữa sinh viên Đại học Duy Tân và sinh viên các nước ASEAN; tổ chức các chuyến hành trình P2A để đưa sinh viên trong nước đi tham gia khám phá và giao lưu tại các trường Đại học trong ASEAN. Thông qua đó giúp sinh viên tăng cường hiểu biết về văn hóa, trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng, trang bị kiến thức thực tiễn và rèn luyện kỹ năng mềm để chủ động hội nhập trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Tham dự Chương trình “P2A - ASEAN In One 2018, diễn ra tại Đại học Duy Tân và Thành phố Đà Nẵng-Việt Nam từ ngày 16 đến ngày 19/8, có hơn 100 sinh viên và đại biểu đến từ Đại học Rangsit University, Thái Lan; Đại học UTM, Malaysia; Đại học Temasek Poly, Sigarpore; Đại học Islam, Đại học Muria Kudus, Đại học PGRIS Semarang và Đại học Binus (4 Đại học của Indonesia); Đại học Dagon, Myanmar; Đại học Panpacific và Đại học Ateneo De Zamboanga, Philippines; các Đại học Việt Nam: Đại học Duy Tân, Đại học FPT và Đại học Đồng Nai. Ngoài ra, chương trình còn chào đón sự tham dự của 25 sinh viên ưu tú đến từ các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam.
Đây là 20 gương mặt xuất sắc đã chính thức nhận học bổng của Hội đồng Anh (British Council) và Đại học Duy Tân.
Cùng hòa nhịp, thúc đẩy mạnh mẽ hơn các kênh trao đổi, hợp tác ; chung một tầm nhìn vì một ASEAN lớn mạnh hơn trong tương lai.
Vì một ASEAN lớn mạnh hơn trong tương lai
Ngài Jeroen Schedler - Trưởng ban Điều hành - Hội đồng Thường trực P2A cho biết ông rất vui khi có mặt tại một sự kiện của P2A diễn ra ở Đà Nẵng-Việt Nam và cơ hội hôm nay giúp được gặp tất cả mọi người đến từ các nước ASEAN.
“Khi còn là sinh viên, tôi đã rất may mắn khi được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, nhiều con người đến từ các đất nước khác nhau; được biết đến vẻ đẹp đất nước của các bạn. Như hôm nay, tôi được biết về Đà Nẵng-Việt Nam. Với tôi và với chúng ta những hiểu biết ấy, tất cả đã tạo nên một thế giới tươi đẹp”.
Ngài Jeroen Schedler cũng chia sẻ một trăn trở, một sự bận tâm trong ông. Đó là vì sao khi nhìn vào sự khác biệt, mọi người chúng ta lại hay nhìn theo chiều hướng tiêu cực, thay vì điều tích cực.
Trong khi đó, mỗi nền văn hóa khác nhau đều có nét đẹp riêng, phong tục tập quán riêng, điều đó, khiến thế giới của chúng ta trở nên đa sắc màu hơn.
“P2A được thành lập không phải để chỉ ra điểm khác biệt, mà để kết nối cộng đồng, kết nối con người. Chúng ta nên mở lòng hơn, cùng nhau tìm hiểu và cùng nhau góp sức xây dựng để phát triển.
Các bạn sinh viên tham dự sự kiện hôm nay đều là tương lai của ASEAN, là những nhân tố quan trọng để khởi đầu một tiếng nói, một hành động, tạo nên một khối đoàn kết vững bền cùng góp phần vì một ASEAN lớn mạnh hơn trong tương lai” - Ngài Jeroen Schedler nhấn mạnh.
Một tầm nhìn - Một bản sắc và Một cộng đồng.
Cộng đồng trẻ P2A cùng chung tay xây dựng “Những Thành phố Thông minh hơn”
Trước đó, trong phát biểu của mình với tư cách là lãnh đạo đơn vị đăng cai “P2A - ASEAN In One 2018, students and P2A Coordinators Meeting”, TS. Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng Đại học Duy Tân cũng khẳng định “tinh thần đoàn kết và sự trợ giúp của các bạn sinh viên đến từ các trường đại học khác nhau của ASEAN sẽ thúc đẩy sự hợp tác, cùng nhau phát triển nền công nghệ.
Sự kiện và cuộc gặp gỡ tháng 8/2018 tại Đà Nẵng-Việt Nam, sẽ rất đáng nhớ, bởi mỗi đại biểu sẽ chia sẻ suy nghĩ của mình về cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và quan trọng hơn là chúng ta làm gì để chúng ta trở thành công dân của thành phố thông minh hơn trong tương lai không xa.
Dẫn lại một thành ngữ Việt Nam, TS. Lê Nguyên Bảo đã nói với các bạn sinh viên đến từ nhiều quốc gia ASEAN (một hình ảnh thi vị) rằng ‘một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao’, thay cho lời kêu gọi.
"Chúng ta gặp nhau ở đây lần này để cùng nhau tìm hiểu và bàn về “Cơ hội và thách thức 4.0”, điều đó thật đáng để ghi nhớ !" - TS. Lê Nguyên Bảo.
Tân Hiệu trưởng Lê Nguyên Bảo chia sẻ thêm rằng, nền công nghiệp và quy trình công nghệ ngày nay đã có nhiều tiến triển lớn. Khi nhìn lại 20 năm trước, lúc tôi còn là sinh viên ngành Khoa học Máy tính, thì mọi thứ đã thay đổi rất nhiều.
Cũng với góc nhìn công nghệ, một người bạn của tôi ở Đại học Carmegie Mellon từng tâm sự : “Cách mạng công nghệ 4.0 không có gì khác biệt. Bởi những thứ như client sever, network, chia sẻ thông tin,…tất cả chúng ta đã thực hiện từ thập kỷ trước rồi’.
Tuy rằng ở một khía cạnh nào đó quan điểm này không hẳn đã sai, nhưng tôi lại không đồng tình về quan điểm này. Bởi vì, mặc dù cách mạng công nghệ 4.0 như điện toán đám mây, IoT,… đã xuất hiện từ nhiều năm về trước, công nghệ ngày nay đã phát triển lớn mạnh hơn với machine learning, Big Data,… Tuy công nghệ có thể cũ, nhưng cách chúng ta sử dụng lại rất mới. Tất cả những công nghệ ấy đã tạo nên một cuộc cách mạng lớn.
Và chúng ta gặp nhau ở đây lần này để cùng nhau tìm hiểu và bàn về “Cơ hội và thách thức 4.0”, điều đó thật đáng để ghi nhớ !
(Nguồn:http://www.ictdanang.vn/chi-tiet?articleId=36815)