Sáng ngày 4/8/2018, Đại học Duy Tân tổ chức buổi seminar về chuyên đề “Giải trình tự gen sâm và ứng dụng cho sâm Việt Nam” tại P.702, cơ sở số 3 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng. Đây là đề tài khoa học do GS. Yang Tae-Jin, Giám đốc Trung tâm Di truyền và Công nghệ Sinh học Thực vật, Khoa Khoa học Thực vật, Trường Khoa học Sự sống và Nông nghiệp, Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc triển khai nghiên cứu nhiều năm tại Hàn Quốc. Tham dự buổi hội thảo có sự góp mặt của PGS. TS. Nguyễn Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, Trung tâm Sinh học Phân tử và đông đảo các cán bộ, giảng viên khối ngành Khoa học Sức khỏe và phòng Hợp tác Quốc tế.
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Minh gửi quà lưu niệm đến GS. Yang Tae-Jin
Tại seminar, GS. Yang Tae-Jin đã giới thiệu các kết quả nghiên cứu giải trình tự toàn bộ hệ gen của sâm Hàn Quốc. Ông cho biết giống sâm này rất khó phân tích, tỷ lệ trình tự lặp lại rất cao, hơn nữa thời gian phát triển của của sâm kéo dài (khoảng từ 4-6 năm), số lượng hạt hạn chế (~40 hạt) và khó bảo quản. Dựa trên các trình tự gen, GS. Yang Tae-Jin cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu quá trình tiến hóa, phân hóa loài trong các chi sâm.
Tiến hành giải trình tự lục lạp, GS. Yang Tae-Jin cho biết trong mỗi một tế bào có 3 bộ genome gồm: genome của nhân, genome của ti thể và bộ genome của lục lạp. Trong đó, việc phân tích hệ gen của lục lạp có nhiều thuận lợi khi bộ gen này có hàng trăm bản sao. Tại Việt Nam, Sâm Ngọc Linh đang rất có giá trên thị trường với khoảng 80 triệu/kg. Bởi thế, Sâm Ngọc Linh đang bị làm giả rất nhiều. Việc giải mã hệ gen lục lạp cho Sâm Ngọc Linh sẽ giúp giám sát thương mại cũng như giúp khách hàng tránh được việc bỏ ra số tiền lớn nhưng lại mua phải sâm giả. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu giải trình tự gen cũng hỗ trợ các nghiên cứu phát sinh chủng loại, quá trình thích nghi bảo tồn nguồn gene của Việt Nam.
Đông đảo các cán bộ, giảng viên trong khối ngành Khoa học Sức khỏe
đến tham dự hội thảo
Cuối buổi seminar, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân đã gửi lời cảm ơn đến GS. Yang Tae-Jin: “Đề tài giải trình tự gen sâm này rất có ý nghĩa không chỉ về mặt sinh học mà còn về kinh tế. Hiện tại, Trung tâm Sinh học Phân tử và các giảng viên khác cũng đang tiếp cận nghiên cứu dược liệu cổ truyền Việt Nam, trong đó có Sâm Ngọc Linh. Hi vọng buổi seminar hôm nay sẽ mở ra hợp tác lâu dài giữa Đại học Duy Tân và Đại học Quốc gia Seoul để có thể triển khai nhiều đề tài khoa học có ý nghĩa trong tương lai.”
Được biết, Sâm Ngọc Linh có tên khoa học là Panax vietnamensis Ha & Grushv., thuộc chi Nhân sâm Panax L. Đây là loài sâm được đánh giá tốt nhất thế giới khi có các thành phần saponin, hàm lượng các amino acid, chất khoáng vi lượng trong củ, lá và rễ hơn nhiều loài sâm khác. Sâm Ngọc Linh có tác dụng chống stress, chống lão hoá, tăng cường hệ miễn dịch, chức năng gan, giảm cholesterol xấu. Đặc biệt với bệnh nhân bị ung thư, Sâm Ngọc Linh được coi là “thần dược”, giúp người bệnh tăng cường hệ miễn dịch, giảm đau, giảm các tác dụng không mong muốn của liệu pháp xạ trị, hoá trị, giúp nâng cao thể trạng và kéo dài sự sống.
(Truyền Thông)