English

Đại học

Đại học Duy Tân Tổ chức Hội thảo “Hạn chế Tổn thương Tinh thần trong Tác nghiệp Báo chí”

Ngày 4/3/2018, tại Đại học Duy Tân đã diễn ra buổi Hội thảo chuyên đề “Hạn chế tổn thương tinh thần trong tác nghiệp báo chí” với sự tham gia của TS. Cait McMahon OAM -Giám đốc Trung tâm Dart Center - Asia Pacific thuộc Đại học Columbia (Mỹ), Nhà báo - Nhà văn Phạm Lan Phương (Bút danh Khải Đơn) cùng đông đảo phóng viên báo chí và các bạn sinh viên đang theo học ngành Báo chí trên địa bàn Tp. Đà Nẵng. 
 
Hội thảo “Hạn chế Tổn thương Tinh thần trong Tác nghiệp Báo chí” 
TS. Cait McMahon và Nhà báo Khải Đơn trình bày tại buổi Hội thảo
 
Dự án “Journalism & Trauma - Hạn chế các tổn thương tinh thần trong tác nghiệp báo chí” là chương trình do Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp. Hồ Chí Minh, kết hợp với Trung tâm Dart Center – Asia Pacific – Trường Báo chí Columbia (Columbia University Graduate School of Journalism), cùng với Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam – Trung tâm UNESCO Khoa học Công nghệ và Tư vấn Đầu tư Phát triển thực hiện. Buổi Hội thảo đã cung cấp cho người nghe những kiến thức chưa thực sự được quan tâm và chú trọng đào tạo hiên nay: Sang chấn tâm lý của phóng viên khi tác nghiệp. Theo thống kê, có từ 80 - 100% nhà báo sẽ trải qua ít nhất một sự kiện có khả năng gây ra những phản ứng chấn thương nghiêm trọng cho bản thân hoặc cho nhân vật được phỏng vấn. 
 
Phần thuyết trình của TS. Cait McMahon giúp những người đang tác nghiệp báo chí và sinh viên lựa chọn nghề báo làm sự nghiệp ý thức được những nguy cơ họ có thể gặp phải đồng thời giúp họ biết được phương pháp nhằm giảm khả năng bị chấn thương tâm lý do phỏng vấn nhân vật hoặc gây ra chấn thương tâm lý cho người được phỏng vấn; giúp họ biết cách vượt qua những chấn thương này; làm sao để tự chăm sóc bản thân; những điều cần nhớ lưu ý khi phỏng vấn nạn nhân thảm họa; cách lựa chọn ngôn ngữ khi tường thuật các thảm họa... 

Hội thảo “Hạn chế Tổn thương Tinh thần trong Tác nghiệp Báo chí” 
 Phóng viên báo chí có mặt tại Hội thảo đã có những tranh luận vô cùng sôi nổi  
 
Để góp phần giảm tải tổn thương trong tác nghiệp báo chí, phóng viên cần phải luyện tập cho mình một cơ thể khỏe mạnh và một tinh thần “thép” trước khi phỏng vấn hoặc tường thuật sự kiện. Trước tiên, phóng viên cần phải xác định đối tượng độc giả sẽ tiếp cận với sự kiện để đưa thông tin về sự kiện một cách hợp lý (có sự khác biệt giữa đối tượng về độ tuổi, sức khỏe, tầng lớp xã hội,…). Sau đó phóng viên phải trang bị cho mình một phông kiến thức rộng về xã hội để xử lý các tình huống phát sinh khi phỏng vấn, lưu vào “bộ nhớ” các số điện thoại hoặc các phương pháp để có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài nếu bị uy hiếp và tấn công, lưu vào điện thoại những câu chuyện cười hay các câu nói đùa để giảm stress sau khi phải đối mặt với một sự kiện, tập cách chấp nhận cảm xúc khó chịu hay đơn giản hơn là tập thiền, chơi thể thao để tạo nền tảng sức khỏe tốt để tự tin chống lại mọi “thảm họa”…
 
Bên cạnh những nội dung hấp dẫn được trình bày trong hội thảo, các bạn sinh viên còn được trao đổi trực tiếp với các chuyên gia về những vấn đề mình còn vướng mắc. Được tiếp cận với những chủ đề thiết thực trong nghề ngay từ khi còn là sinh viên là điều vô cùng cần thiết, hội thảo thật sự đã mang đến những thông tin thiết thực và là hành trang không thể thiếu cho các bạn trên con đường phát triển sự nghiệp tương lai.
 
Sau khi kết thúc Hội thảo, các bạn sinh viên và phóng viên báo chí còn được trao Giấy chứng nhận đã tham gia Hội thảo: Journalism&Trauma do Tổng lãnh sự quán Hoa kỳ tại Việt Nam cấp và cuốn sổ tay tường thuật sự kiện thảm hoạ.
 
(Truyền Thông)