Trung tuần tháng 12-2017, TS. KTS. Lê Vĩnh An, Trưởng Khoa Kiến trúc - Mỹ thuật của Đại học (ĐH) Duy Tân đã vinh dự được lựa chọn là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự Hội thảo Quốc tế về "Thiết lập Hiệp hội Quốc tế về Công tác Bảo tồn & Phát triển Di sản Văn hóa của các nước lưu vực sông Mê kông" tại Khu Di sản Bangkok và Ayutthaya (Thái Lan).
Tại hội thảo, tham luận của TS. KTS. Lê Vĩnh An đã được đánh giá cao đồng thời đề xuất về việc liên kết mở chuyên ngành đào tạo Kiến trúc sư Bảo tồn và Nghiệp vụ Du lịch Di sản đã được nhiều chuyên gia quốc tế hết sức ủng hộ.
Nâng cao chất lượng bảo tồn di sản
Hội thảo Quốc tế về "Thiết lập Hiệp hội Quốc tế về Công tác Bảo tồn & Phát triển Di sản Văn hóa của các nước lưu vực sông Mê kông" do Viện Di sản Thế giới của UNESCO, ĐH Waseda (Nhật Bản) phối hợp với ĐH Silparkon Hoàng gia Thái Lan, Trung tâm Nghiên cứu Nhân chủng học Công chúa Maha Chakri Sirindhorn tổ chức. Khách mời của hội thảo là các Bộ trưởng, các giám đốc Viện Di sản, giám đốc chương trình đào tạo cùng đại diện các nước có di sản văn hóa trong lưu vực sông Mê kông gồm Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.
TS. KTS. Lê Vĩnh An báo cáo tại Hội thảo Quốc tế
16 tham luận báo cáo tại hội thảo đã nêu ra nhiều vấn đề quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển di sản. Dưới góc độ chuyên môn, các chuyên gia đã nhận định lại những nét đặc trưng riêng biệt của từng khu di sản và đề xuất chiến lược bảo tồn phù hợp, thiết lập chương trình liên kết quốc tế đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc, gia tăng lợi ích tài chính lâu dài cho các khu di sản và phát triển kinh tế địa phương nơi có di sản văn hóa gắn kết với du lịch.
TS. KTS. Lê Vĩnh An đã báo cáo tham luận "Giới thiệu về những nét đặc trưng của Quần thể Di tích Huế - Di sản Văn hóa Thế giới đầu tiên của Việt Nam và định hướng phát triển du lịch trong tương lai". Báo cáo là kết quả của quá trình thẩm định Quần thể Di tích Huế trên góc độ chuyên môn với các giá trị tình cảm, giá trị văn hóa - lịch sử và khoa học công nghệ. Trên cơ sở đó, báo cáo đưa ra các giải pháp để bảo tồn đồng thời thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch tại Quần thể di tích Huế như kết nối hệ thống di sản vệ tinh; đa dạng hóa các loại hình du lịch như mua sắm, biểu diễn văn hóa nghệ thuật…
Chuyên gia quốc tế ủng hộ mở chuyên ngành Bảo tồn và Nghiệp vụ Du lịch Di sản tại Việt Nam
Tại phiên thảo luận đa phương, TS. KTS. Lê Vĩnh An đã phát biểu quan điểm ủng hộ định hướng của hiệp hội, đồng thời đề xuất liên kết quốc tế về đào tạo thạc sĩ, kiến trúc sư Bảo tồn và Nghiệp vụ Du lịch Di sản cho các quốc gia trong lưu vực sông Mê kông, trong đó có Việt Nam, đã được toàn thể các thành viên hiệp hội và ban tổ chức tích cực hưởng ứng.
Việt Nam sở hữu khối lượng di sản văn hóa đồ sộ, trong đó riêng khu vực miền Trung là nơi quy tụ nhiều di sản như: Quần thể Di tích Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Di sản văn hóa Thành nhà Hồ, các di tích kiến trúc Đền Tháp Champa kéo dài từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và các di sản vệ tinh khác như kiến trúc nhà ở truyền thống, đình làng, đền, chùa... Di sản miền Trung là chuỗi kết nối các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật và sinh thái bản địa rất đặc sắc, có giá trị toàn cầu, do đó rất cần nguồn nhân lực lớn có chất lượng chuyên môn cao để bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản đó.
TS. KTS. Lê Vĩnh An (áo trắng ngồi giữa) thảo luận đa phương với các chuyên gia quốc tế
Trên cơ sở đó, ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) nằm ở vị trí trung tâm kết nối các di sản miền Trung đồng thời có truyền thống và uy tín trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng về du lịch, kiến trúc. Việc mở rộng đào tạo chuyên ngành Bảo tồn và Nghiệp vụ Du lịch Di sản tại trường sẽ thực sự phù hợp để cung cấp nguồn nhân lực mang tính đặc trưng nhằm tạo ra bước chuyển mới trong công tác bảo tồn di sản cho khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Đề xuất này đã được các chuyên gia quốc tế ủng hộ, trong đó Viện Di sản Thế giới của UNESCO tại ĐH Waseda và Hiệp hội Bảo tồn Di sản các quốc gia lưu vực sông Mê kông hứa hẹn sẽ hỗ trợ việc liên kết với các trường đại học của Nhật Bản và các quốc gia khác, tạo điều kiện cho công tác đào tạo tại Việt Nam.
TS. Paritta Chalermpow Koanantakool - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhân chủng học Công chúa Maha Chakri Sirindhorn, Thái Lan - cho biết: "Tôi hoàn toàn nhất trí với đề xuất của TS. KTS. Lê Vĩnh An về việc thiết lập chương trình đào tạo quốc tế về Bảo tồn Di sản Văn hóa. Các kiến trúc sư về bảo tồn ngoài việc tiếp thu kiến thức, cần phải có thời gian thực hành, thực địa để tìm hiểu về di sản. Bởi vậy, xây dựng một chương trình đào tạo bài bản ở một đại học uy tín sẽ góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho công tác bảo tồn di sản sau này".
Đồng quan điểm, GS. Zar Chi Min - Khoa Kiến trúc & Hợp tác Quốc tế, ĐH Công nghệ Mandalay, Myanmar - chia sẻ: "Tôi cho rằng việc đào tạo đội ngũ kiến trúc sư bảo tồn di sản chuyên nghiệp là rất cấp bách hiện nay. Liên kết đào tạo trên địa bàn thực tế của các khu di sản sẽ là cơ hội tốt cho sinh viên và nghiên cứu sinh đam mê tìm hiểu lịch sử, nghiên cứu bảo tồn kiến trúc di sản được tiếp cận nội dung đào tạo tiên tiến mang tầm quốc tế với sự hợp sức của các chuyên gia đầu ngành quốc tế về lĩnh vực này. Tôi rất tán đồng với quan điểm và đề xuất của TS. KTS. Lê Vĩnh An về việc đào tạo nguồn nhân lực Bảo tồn Di sản tại các quốc gia trong đó có Myanmar, Việt Nam. Chúng tôi sẽ có kế hoạch cụ thể để xúc tiến chương trình liên kết đào tạo này".
Theo TS. KTS. Lê Vĩnh An, chương trình đào tạo sẽ không quá tập trung vào khía cạnh học thuật hàn lâm mà chú trọng trang bị cho các học viên năng lực tư duy nghiên cứu di sản, hoạt động bảo tồn trùng tu di sản kiến trúc trên thực địa và khả năng quảng bá di sản thông qua các hoạt động du lịch. Theo kế hoạch, địa bàn đào tạo sẽ mở rộng ra các khu di sản khác như Nara (Nhật Bản), Bagan (Myanmar), Bangkok/Ayutthaya (Thái Lan), Watphu/Luangprabang (Lào) và Angkor Wat/Angkor Thom (Campuchia). Đây sẽ là cơ hội tốt cho sinh viên và nghiên cứu sinh đam mê tìm hiểu lịch sử, nghiên cứu bảo tồn kiến trúc di sản được tiếp cận chương trình đào tạo tiên tiến có sự hợp sức của các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế về lĩnh vực này.