TS Jim Schnell, giảng viên Đại học (ĐH) Ohio State và Ohio Dominican (Mỹ) cùng ThS Lê Thị Khánh Lam và ThS Trần Thị Thơ, giảng viên Khoa Ngoại ngữ ĐH Duy Tân kết hợp biên soạn sách chuyên khảo Communicating Vietnamerican (Giao tiếp Việt - Mỹ)...
Với mong muốn là chủ sở hữu đầu tiên, nhiều đơn hàng đã được gửi đến những tác giả của cuốn chuyên khảo mang tên “Communicating Vietnamerican: From Adversary to Friend” (Giao tiếp Việt - Mỹ: Từ Thù tới Bạn) khi sách chính thức được in và xuất bản tại Cộng hòa Liên bang Đức trong tháng 9/2017 vừa qua. Đây là cuốn sách do TS. Jim Schnell, giảng viên Đại học (ĐH) Ohio State và Ohio Dominican (Mỹ) cùng với 2 giảng viên đến từ Khoa Ngoại ngữ ĐH Duy Tân (Việt Nam) là ThS. Lê Thị Khánh Lam và ThS. Trần Thị Thơ kết hợp biên soạn.
TS Jim Schnell cảm nhận nhiều điều thú vị về đất nước và con người Việt Nam
Hoạt động trong lĩnh vực khoa học xã hội trong suốt 40 năm đồng thời có những kiến thức chuyên sâu về giao tiếp văn hóa của nhiều quốc gia, TS Jim Schnell đã đi qua nhiều nước để tìm hiểu cội nguồn của văn hóa và hành vi giao tiếp của con người. Chính thời gian làm việc tại Trung Quốc và Campuchia, ông đã bất ngờ phát hiện ra bản sắc văn hóa cùng phương thức giao tiếp rất đặc biệt của người Việt Nam và không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu. Cơ duyên đến khi ĐH Duy Tân mời ông tới trường thỉnh giảng về Văn hóa Anh - Văn hóa Mỹ. Ngay lập tức, ông đã đề xuất ý tưởng kết hợp cùng ThS Lê Thị Khánh Lam và ThS Trần Thị Thơ biên soạn và gửi in, xuất bản cuốn sách Communicating Vietnamerican.
ThS Trần Thị Thơ (áo tím) và ThS Lê Thị Khánh Lam xem bản thảo đã được hoàn thiện về nội dung và hình thức
Cuốn sách là 15 chương nhỏ của 4 phần chính gồm: Nền tảng của giao tiếp liên nhân; Các yếu tố ngôn từ và phi ngôn từ cấu thành giao tiếp liên nhân; Quá trình giao tiếp liên nhân và Các yếu tố ảnh hướng đến giao tiếp liên nhân. Trong khi hai giảng viên của ĐH Duy Tân trình bày những định nghĩa và dẫn chứng về giao tiếp dưới góc nhìn của người Việt thì TS Jim Schnell cung cấp cho độc giả góc nhìn của người Mỹ trong cùng tình huống đó.
Độc giả sẽ tìm thấy rất nhiều điều thú vị khi đọc cuốn sách như: cội nguồn của văn hóa giao tiếp; quá trình giao tiếp thay đổi qua từng thời kỳ; sự tương đồng và khác biệt trong hành vi giao tiếp trước mỗi tình huống của người Việt và người Mỹ; các vấn đề xung đột trong xã hội, sự cạnh tranh, bất đồng quan điểm và tác động của chúng trong xã hội Việt và xã hội Mỹ; các giá trị đạo đức trong truyền thống văn hóa của mỗi đất nước, quan điểm về các khái niệm đúng/sai, thành thật/giả dối, chân lý/xảo trá, cũng như các tiêu chuẩn đạo đức dưới góc nhìn song song của người Việt và người Mỹ,…
TS Jim Schnell cho biết: “Đây là cuốn sách được in theo yêu cầu của độc giả. Tức là sách sẽ được in khi có đơn đặt hàng. Điều này giúp cuốn sách được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả tối đa cũng như tránh lãng phí về chi phí xuất bản. Communicating Vietnamerican là cuốn sách đầu tiên về Việt Nam trong tổng số 42 đầu sách của tôi đã được xuất bản. Sự kết hợp hài hòa của cô Lam, cô Thơ và bản thân tôi trong các chương sách sẽ giúp cho người đọc có thể hiểu sâu hơn về cách thức giao tiếp, sự tương đồng và khác biệt trong văn hóa Việt và Mỹ. Điều này giúp giải thích rõ hơn về những gì đã diễn ra trong quá khứ và hiện tại giữa Mỹ và Việt Nam. Thời gian ở Việt Nam, tôi đã cảm nhận thật nhiều điều thú vị từ đất nước và con người của các bạn. Điều tôi ấn tượng nhất chính là sự cởi mở của người Việt. Điều đó thể hiện rất rõ khi tôi làm việc tại ĐH Duy Tân. Các cán bộ, giảng viên ở đây rất năng động, thể hiện ở việc trường chủ động tiếp cận và hợp tác với các đại học danh tiếng của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ trong công tác đào tạo và nghiên cứu. Tôi đến ĐH Duy Tân và tìm thấy ở nơi đây cơ hội tích cực cho việc nghiên cứu, giảng dạy của mình. Và hai đồng nghiệp là cô Lam và cô Thơ đã rất nhiệt tâm hỗ trợ tôi trong công việc cũng như hoàn thành cuốn sách để xuất bản theo đúng tiến độ”.
Lý do khiến TS. Jim Schnell chọn in cuốn chuyên khảo tại Đức là bởi ở đây, một số nhà xuất bản chuyên xuất bản luận văn, luận án và những công trình nghiên cứu mang tính học thuật cao trên toàn thế giới và đặc biệt là sự linh hoạt và tính quốc tế hóa rất chuyên nghiệp. Khi cần, họ vẫn in và xuất bản ấn phẩm theo yêu cầu của độc giả đặt hàng, mặc dù số lượng không nhiều, có thể ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của họ. Hơn nữa, mối quan hệ Việt - Mỹ trong vòng 50 năm qua là một vấn đề được nhà xuất bản và độc giả đặc biệt quan tâm.
Đồng tác giả của cuốn sách, ThS Lê Thị Khánh Lam và ThS Trần Thị Thơ cùng chia sẻ: “Thời gian qua, cùng với quá trình hợp tác quốc tế để chuyển giao chương trình đào tạo, ĐH Duy Tân luôn chủ động hướng giảng viên đến việc tiếp cận với các chuyên gia nước ngoài trong nghiên cứu khoa học cũng như tham khảo các giáo trình, tài liệu hiện đại trên thế giới để áp dụng vào việc đổi mới nội dung giảng dạy tại trường. Do đó, đề nghị hợp tác biên soạn cuốn sách từ TS Jim Schnell đã khiến chúng tôi thực sự thích thú. Đây là cuốn sách chuyên khảo với góc nhìn song song giữa văn hóa Việt - Mỹ đầu tiên được xuất bản, là một công trình khoa học có giá trị giúp sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh chuyên ngành Xã hội học tham khảo. Cuốn sách sẽ có ở thư viện của ĐH Duy Tân phục vụ việc giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên khối ngành Khoa học Xã hội & Nhân văn. Thời gian biên soạn cuốn sách thực sự là quý giá bởi giúp chúng tôi tiếp cận nhiều kiến thức mới và có những trải nghiệm quý báu về khoa học nghiên cứu”.
(Nguồn:https://thanhnien.vn/giao-duc/giang-vien-dh-duy-tan-hop-tac-xuat-ban-sach-ve-van-hoa-viet-my-924895.html)