Trong 2 ngày 1 và 2/12/2016, Đại học Duy Tân phối hợp với các chuyên gia đến từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) tổ chức Khóa Tập huấn Giảng dạy theo TBL và các phương pháp giảng dạy mới trong đào tạo Y - Dược tại Đại học Duy Tân - Số 3 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng. Tham dự khóa tập huấn có Dr. Robert Kamei - Hiệu phó Đại học Quốc gia Singapore kiêm Giám đốc Viện Ứng dụng Khoa học Sư phạm và Kỹ thuật Giáo dục, NUS cùng các cộng sự đến từ Đại học Quốc gia Singapore và đông đảo cán bộ, giảng viên, trợ giảng Khoa Y, Khoa Dược, Khoa Điều dưỡng, Viện Y - Sinh - Dược và Trung tâm Sinh học Phân tử Đại học Duy Tân.
Học kết hợp theo nhóm (TBL - “Team - Based Learning”) gần đây trở thành một xu hướng phổ biến của giáo dục y tế toàn cầu trong hoạt động đẩy mạnh học tập tích cực. Đây là phương pháp giảng dạy tiên tiến phát huy sự tương tác, trao đổi và thảo luận của nhóm nhỏ người học giúp tăng cường khả năng làm việc tập thể cũng như tư duy phản biện.
Dr. Robert Kamei (Đại học Quốc gia Singapore) chia sẻ về các phương pháp giảng dạy
theo TBL tại khóa tập huấn
Khóa Tập huấn “Giảng dạy theo TBL và các phương pháp mới trong Y - Dược” tại Đại học Duy Tân lần này được tổ chức nhằm hỗ trợ cho các giảng viên, trợ giảng ngành Y - Dược - Điều dưỡng của trường nhận diện và áp dụng những ưu điểm nổi bật của phương pháp TBL trong quá trình dạy học. Thông qua chương trình học áp dụng phương pháp TBL, sinh viên có thể tiếp thu kiến thức nhanh hơn, ghi nhớ lâu hơn so với một chương trình giảng dạy bài giảng thụ động truyền thống bằng việc tham gia tích cực vào bài giảng của người học.
Bác sĩ Robert Kamei - Phó Trưởng khoa Giáo dục, Đại học Quốc gia Singapore chia sẻ tại khóa tập huấn: “Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, khi nghe giảng một cách thụ động, khả năng sinh viên có thể quên đi những kiến thức được giảng viên truyền đạt lên tới 70% sau một giờ học. Do đó, để nâng cao hiệu quả giảng dạy, giảng viên không chỉ chú ý đến sự súc tích, chặt chẽ của bài giảng mà còn tăng cường sự trao đổi, tương tác liên tục với sinh viên, tránh khuynh hướng giảng dạy áp đặt. Làm việc nhóm là một trong những hình thức tổ chức lớp học hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề trong nội dung học và rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm - một kỹ năng đóng vai trò quyết định cho sự thành công sau này của sinh viên.”
Dr. Robert Kamei (Đại học Quốc gia Singapore) hướng dẫn cán bộ, giảng viên DTU làm
bài tập thực hành tại khóa tập huấn
Tại khóa tập huấn, các giảng viên và trợ giảng đến từ Đại học Quốc gia Singapore đã triển khai lớp học bằng hình thức tổ chức các hoạt động theo nhóm tạo sự hứng thú và chủ động cho người học. Từ những bài tập thực hành, những ví dụ sinh động, các chuyên gia Giáo dục đã hướng dẫn cho giảng viên Duy Tân cách tạo nhóm học tập tích cực, kỹ năng soạn bài giảng chất lượng, kỹ năng thúc đẩy thảo luận nhóm, kích thích sự chủ động học tập của sinh viên. Nhiều kỹ năng cần thiết của sinh viên sẽ được rèn luyện thông qua phương pháo thảo luận ở nhóm nhỏ: kỹ năng tự đọc tài liệu, kỹ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng tranh luận khoa học, làm việc tập thể... Bên cạnh đó, phương pháp TBL còn có tác dụng hỗ trợ khả năng lưu giữ thông tin kiến thức lâu bền, giúp sinh viên học cách ứng dụng thông tin trong những tình huống mới và làm chủ các hoạt động học tập.
Nguyễn Hoàng Quỳnh Mai (Giảng viên Khoa Y, Đại học Duy Tân) - học viên của Khóa tập huấn chia sẻ: “Tổ chức lớp học theo nhóm, khơi gợi niềm vui tìm hiểu cho học viên khiến lớp học lúc nào cũng tràn đầy năng lượng là cách mà các giảng viên và trợ giảng đến từ Đại học Quốc gia Singapore trong những ngày qua truyền cho giảng viên Duy Tân, giúp chúng tôi nhận thấy sự khác biệt giữa phương pháp TBL và phương pháp giảng dạy truyền thống. Hi vọng từ sau khóa tập huấn này, các giảng viên trợ giảng ngành Y - Dược - Điều dưỡng sẽ tích cực ứng dụng những ưu điểm nổi bật của phương pháp tổ chức lớp học theo nhóm nhỏ để giúp sinh viên Duy Tân cảm thấy gắn bó và thực sự yêu thích các môn học, có cơ hội nắm chắc kiến thức theo chiều rộng lẫn chiều sâu và học tập một cách chủ động hơn.”
(Truyền Thông)