English

Đại học

Hội nghị Đổi mới Phương pháp Giảng dạy tại Đại học Duy Tân

Sáng 6/11/2016, Đại học Duy Tân tổ chức Hội nghị Đổi mới phương pháp giảng dạy tại Hội trường 613 - số 3 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng. Hội nghị thường niên với những báo cáo thiết thực được đúc kết từ quá trình giảng dạy tại trường trở thành hoạt động ý nghĩa, thu hút mọi cán bộ, giảng viên trong toàn trường tham gia.
 
 
 Anh hùng lao động, Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ phát biểu tại Hội nghị
 
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đại học Duy Tân đã quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo để cung cấp cho xã hội nguồn lao động chất lượng cao. Một trong số đó chính là áp dụng các mô hình, phương pháp học tập tiên tiến trong nước và trên thế giới. Hiện tại, Đại học Duy Tân áp dụng 2 phương pháp đào tạo được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn và áp dụng rất thành công. Đó là mô hình CDIO (Conceive/Hình thành ý tưởng - Design/Thiết kế - Implement/Triển khai - Operate/Vận hành) áp dụng vào khối ngành Kỹ thuật & Công nghệ. Mô hình này được triển khai tại Đại học Duy Tân sau khi trường trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội CDIO (thành viên thứ 2 của Việt Nam sau ĐH Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh) năm 2012. Tiếp đó, trường cũng đã áp dụng phương pháp học tập PBL (Problem-Based Learning/Project-Based Learning - Học theo Vấn đề/Học theo Dự án) cho khối ngành Kinh tế-Quản trị, Y-Dược và Xã hội Nhân văn tại trường từ năm 2013. Áp dụng các phương pháp học tập này, không chỉ sinh viên trở nên năng động và việc học tập có hiệu quả hơn thì chính những giảng viên đứng lớp tại Duy Tân cũng phải có kế hoạch cụ thể hơn trong quá trình giảng dạy và hướng dẫn sinh viên để có một kết quả học tập tốt nhất.
 
 
 Đông đảo cán bộ, giảng viên tham gia Hội nghị
 
Tại Hội nghị, các giảng viên đã chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong suốt quá trình giảng dạy theo 2 mô hình đào tạo tiên tiến ở trên. Mỗi tham luận đều chỉ rõ về hiệu quả khi giảng dạy, khả năng tiếp cận của sinh viên, sự hài lòng của sinh viên và những dự án được triển khai trong quá trình học tập và nghiên cứu. Nhiều tham luận của các giảng viên đã thu hút sự quan tâm của người nghe và tạo nên một diễn đàn tranh luận sôi nổi ngay tại Hội nghị như: Giảng dạy và hướng dẫn PBL 369 - Thực trạng và Giải pháp, Áp dụng phương pháp PBL trong việc giảng dạy các môn học chuyển giao chương trình Tài chính - Ngân hàng chuẩn PSU… 
 
Ngoài 2 mô hình đào tạo theo PBL và CDIO, Hội nghị cũng hưởng ứng nhiều phương pháp giảng dạy đến từ các báo cáo của các khoa. Trong đó có những báo cáo đi sâu và giải quyết cụ thể từng trường hợp khúc mắc, khó khăn trong quá trình giảng dạy. Tiêu biểu như: Một tiếp cận mới trong đổi mới phương pháp giáo dục nhằm duy trì khoảng cách giữa đại học và doanh nghiệp, Nâng cao chất lượng giảng dạy dựa trên việc ứng dụng hiệu quả hệ thống e-leanning Sakai, Những khó khăn khi áp dụng phương pháp dạy song ngữ tại Khoa Du lịch…
 
Phát biểu tại Hội nghị, Anh hùng lao động, Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Đại học Duy Tân chia sẻ: “Muốn đổi mới trong giáo dục, chúng ta phải xác định đổi mới từ đâu. Không chỉ nằm ở việc đổi mới cơ chế, hình thức đào tạo tín chỉ hay phương pháp học tập, chúng ta phải xác định việc đổi mới đầu tiên là ở người thầy. Thầy giáo phải có trình độ, dạy bằng cái tâm, có nhiệt huyết thì mới có thể truyền cảm hứng cho sinh viên. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng cùng với việc áp dụng công nghệ trong giáo dục bản thân mỗi người thầy hãy đến với sinh viên bằng cả tấm lòng, tạo động cơ cho người học, đồng hành cùng sinh viên học tập và nghiên cứu. Có như vậy, việc dạy và học mới có kết quả và mỗi người thầy, mỗi sinh viên thêm yêu, gắn bó, học tập tích cực để trở thành những người lao động có ích cho xã hội trong tương lai.”
 
(Truyền Thông)