English

Giấc mơ Duy Tân

Anh hùng Lao động trong thời kỳ Đổi mới của khối Giáo dục

Nguyện sống đời sống của Nhân dân” là tâm nguyện suốt đời của người chiến sĩ Cách mạng đã từng nhiều lần “vào sinh ra tử” trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đó là Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Lê Công Cơ - Nhà Sáng lập kiêm Hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Duy Tân, Đà Nẵng.

Tham gia Cách mạng từ năm 13 tuổi và đến năm 24 tuổi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, người chiến sĩ cách mạng Lê Công Cơ với bí danh hoạt động là Lê Phương Thảo luôn nung nấu trong lòng một chí khí không gì lay chuyển được. Đó là tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, suốt đời cống hiến cho dân tộc và đất nước bằng tất cả sức lực, trí tuệ của mình, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chiến tranh hay thời bình. Nửa trước của cuộc đời ông được biết đến với những đóng góp to lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc, được phác họa trong các tác phẩm mà ông là nhân vật chính, như “Học phí trả bằng máu” và “Thành phố đứng đầu gió” của nhà văn Nguyễn Khắc Phục, hay các hồi ký “Không có gì trôi đi mất” của nhà văn Hồ Duy Lệ, “Phác họa chân dung một thế hệ” của nhà thơ/nhà văn Tần Hoài Dạ Vũ và Nguyễn Đông Nhật. Những đóng góp đó của ông đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận cụ thể qua các huân chương và danh hiệu cao quý như Huân chương Độc lập Hạng Nhì, Huân Chương Kháng chiến Hạng Nhất, Huân chương Giải phóng Hạng Nhất,…

Những tưởng nửa cuộc đời sau của ông sẽ nối tiếp những gì ông bắt đầu ở nửa trước, trên con đường chính trị. Nhưng sau giai đoạn tham gia Đại biểu Quốc hội Khóa VIII, công việc của ông chuyển sang một ngã rẽ hoàn toàn khác: Con đường “trồng người” cho các thế hệ sau, vì sự nghiệp giáo dục nước nhà. Đón đầu chủ trương “Xã hội hóa giáo dục” của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ Đổi mới, với tinh thần dám nghĩ dám làm và khát vọng thay đổi thực trạng giáo dục Việt Nam, ông dồn mọi tâm huyết ở cái tuổi đã quá 50 để bắt đầu xây dựng Đại học Duy Tân - trường đại học ngoài công lập đầu tiên ở miền Trung. Có những lúc phải thế chấp nhà cửa để có tiền xây trường, hay khi va phải những rào cản trong cách làm và cách nghĩ của cái xã hội mới ra khỏi thời kỳ bao cấp, nhưng ông vẫn không nhụt chí mà luôn tìm cách vươn lên, khẳng định giá trị của những công việc mình làm.

 Anh hùng Lao động trong thời kỳ Đổi mới của khối Giáo dục - ảnh 1NGƯT. Lê Công Cơ - Hiệu trưởng đại học ngoài công lập đầu tiên được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động
Đến hôm này, với những gì trường Đại học Duy Tân đã đạt được, có lẽ phần nào hoài bão của Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ đã thành hiện thực: Từ một cơ sở giáo dục nhỏ bé ở miền Trung, Duy Tân ngày nay là một trường đại học khá có uy tín trong cả nước, hợp tác quốc tế với những trường hàng đầu trên thế giới, như Đại học Carnegie Mellon, Đại học bang Pennsylvania, Đại học Purdue, Đại học bang California, Đại học Quốc gia Singapore, Bách khoa Singapore,…. Cùng nhiều thành tích dạy và học của đội ngũ giảng viên, sinh viên, điển hình như là 1 trong 10 đại học có nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế cao nhất Việt Nam, Cup vô địch của sinh viên công nghệ ở cuộc thi CDIO 2013 tại ĐH Harvard và MIT, giải Nhất châu Á-Thái Bình Dương về thiết kế nhà chống động đất 2014, giải Nhất Imagine Cup Việt Nam 2016,… Ngoài ra, trường xây dựng quan hệ hợp tác với các công ty như Microsoft, IBM, Gameloft, Samsung, Intercontinental, Hyatt, Furama, The Nam Hai,… Những chủ trương và định hướng từ nhiều năm trước đây của NGƯT Lê Công Cơ như “Anh ngữ hóa, Tin học hóa, Chuyên nghiệp hóa, Quốc tế hóa, Trẻ hóa”, “Đào tạo Chất lượng Cao trên cơ sở Hợp tác Quốc tế”, “Đào tạo gắn liền với Nghiên cứu trên nền Nhân văn - Hiện đại”,… giờ đây đã thật sự “hái được quả ngọt” cho bao thế hệ thầy và trò trường Đại học Duy Tân. Với những đóng góp đáng kể cho nền giáo dục nước nhà, đầu tháng 2 năm 2016, Chủ tịch Nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong Thời kỳ Đổi mới cho NGƯT Lê Công Cơ, và trong tháng 3 năm 2016, lễ trao tặng đã diễn ra tại trường với sự tham gia của Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan cùng nhiều lãnh đạo cao cấp của các bộ, ban, ngành và thành phố.

Xúc động khi được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, NGƯT Lê Công Cơ chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm rằng: Dù ở trong độ tuổi nào, hoàn cảnh nào cũng phải nỗ lực không ngừng để góp sức xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Bởi vậy, tôi đã cùng với những người anh em, đồng chí của mình chung sức, chung lòng xây dựng nên Trường ĐH Duy Tân, góp phần cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao. Tôi trưởng thành từ cái nôi của Cách mạng nên chỉ cần còn sức khỏe là còn cống hiến cho Đảng, cho Nhà nước và cho nhân dân. Với tinh thần của một người Đảng viên chân chính, tôi luôn nguyện sống đời sống của nhân dân, lo nỗi lo của nhân dân và san sẻ, giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Danh hiệu cao quý ‘Anh hùng Lao động’ không chỉ là phần thưởng dành riêng cho tôi mà là phần thưởng dành cho những cố gắng miệt mài của cả đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên ĐH Duy Tân với sự giúp đỡ rất lớn từ phía Đảng, Nhà nước, các cơ quan và chính quyền. Trong những năm tiếp theo, ĐH Duy Tân hướng đến mục tiêu đào tạo ra những công dân toàn cầu với phẩm chất đạo đức, ý thức cộng đồng, kiến thức và kỹ năng vững vàng để có thể thích ứng với mọi điều kiện, môi trường làm việc.”