English

Đại học

Ngoại khóa “Nghệ thuật Sân khấu Dân gian” tại Đại học Duy Tân

Sáng ngày 9/4/2016, Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Duy Tân đã phối hợp với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức chương trình Ngoại khóa “Nghệ thuật Sân khấu Dân gian” tại Hội trường 713 - K7/25 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng. Chương trình có sự tham dự của NSƯT. Nguyễn Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TS. Phan Ngọc Thu - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân cùng đông đảo sinh viên và giảng viên Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn.

 
 Đại diện Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn tặng hoa lưu niệm
cho Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh
 
Hiện nay, các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như: Ca trù, Chèo, Cải lương,… đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí mới, phù hợp và hấp dẫn hơn với thị hiếu thẩm mĩ của khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Trong đó, Tuồng là một bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo của Việt Nam đã từng có một thời kỳ hoàng kim với nhiều vở diễn được đón đợi cũng ngày càng đang mất dần chỗ đứng. Trước tình hình đó, những hoạt động nhằm duy trì và tiến tới chung sức bảo tồn các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung, sân khấu Tuồng nói riêng thực sự là vấn đề cần thiết. 
 
 
 Các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn một trích đoạn Tuồng

Tại chương trình Ngoại khóa, NSƯT. Nguyễn Ngọc Tuấn: “Những loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống mặc dù không còn sức sống mạnh mẽ như thời đại khai sinh ra nó nhưng không có nghĩa là đã mất đi hoàn toàn sức hấp dẫn trong lòng khán giả. Nghệ thuật Tuồng cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm và bây giờ, chúng ta có trách nhiệm phải tiếp tục duy trì, phát triển bằng việc đưa Tuồng đến gần với mọi người nhiều hơn. Chúng tôi đã và đang tích cực đẩy mạnh những hoạt động quảng bá, tổ chức các chương trình văn hóa - nghệ thuật truyền thống miễn phí, đưa Tuồng xuống phố,… nhằm chủ động đi tìm người xem, thu hút lực lượng khán giả mới, tìm lại không gian biểu diễn cho sân khấu truyền thống.”

Ngay trong chương trình, sinh viên Duy Tân đã được thưởng thức một số trích đoạn Tuồng với sự biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Qua đó, sinh viên Duy Tân đã phần nào cảm nhận được sự tinh tế và ý nghĩa của nghệ thuật Tuồng thông qua các lối diễn xuất của nghệ sĩ, phục trang, điệu hát, múa Tuồng,... Với cách lựa chọn những “mảng miếng” đặc sắc, khéo léo “khoe” nhiều kỹ thuật trình diễn cá nhân điêu luyện, những tiết mục của các nghệ sỹ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã thu hút được sự chú ý và khiến khán giả cảm thấy thích thú, thực sự đắm mình lắng nghe để thêm yêu mến các bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. 

Chương trình Ngoại khóa “Nghệ thuật Sân khấu Dân gian” là cơ hội để giảng viên và sinh viên Đại học Duy Tân cũng như những người quan tâm có dịp tương tác và tìm hiểu sâu hơn về cái đẹp, cái hay của nghệ thuật Sân khấu Dân gian nói chung và nghệ thuật Sân khấu Tuồng nói riêng. Từ đó, chủ động hơn trong việc tìm đến thưởng thức các bộ môn nghệ thuật Sân khấu truyền thống vốn được xem là “quốc hồn, quốc túy” của người Việt Nam.

(Truyền Thông)