Ngày 11/1/2016 tại Đại học Duy Tân - cơ sở 182 Nguyễn Văn Linh, Tp. Đà Nẵng đã diễn ra buổi giao lưu văn hóa, học thuật về các kiến thức pháp lý giữa sinh viên Ngành Luật kinh tế - Khoa Khoa học Xã hội & Nhân vân, Đại học Duy Tân và sinh viên Trường Đại học Kinh tế Luật - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh. Tham gia buổi giao lưu có PGS.TS. Lê Vũ Nam -Trưởng Khoa Luật (Trường Đại học Kinh tế Luật) ,TS. Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân cùng cán bộ, giảng viên Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn và đông đảo sinh viên hai trường.
PGS. Lê Vũ Nam phát biểu tại buổi giao lưu
Giao lưu để gắn kết và học hỏi
Tại buổi giao lưu, PGS. Lê Vũ Nam chia sẻ: “Duy Tân là trường Đại học có các chương trình giao lưu cũng như trao đổi sinh viên đạt hiệu quả cao ở khu vực Miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Cá nhân tôi cũng đánh giá cao sự sáng tạo, năng động của Ban Lãnh đạo và sinh viên Duy Tân cũng như những thành tựu nhà trường đã đạt được trong suốt 21 năm qua. Bởi vậy, chúng tôi đã quyết định chọn Đại học Duy Tân làm điểm giao lưu sinh viên. Tôi mong rằng buổi giao lưu sẽ là điểm mốc đánh dấu sự xác lập mối quan hệ lâu dài giữa sinh viên hai trường, tiến tới đưa chương trình này trở thành chương trình thường niên để sinh viên cung trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về học thuật.”
Trong khuôn khổ buổi giao lưu, sinh viên hai trường đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về vấn đề “Ngân hàng Nhà nước mua lại Ngân hàng Thương mại với giá 0 đồng”. Đây là vấn đề mới và nổi bật trong ngành kinh tế xảy ra vào 8 tháng cuối năm 2015.
Sinh viên hai trường tập làm "quan tòa" trong phiên tòa giả định
Ba ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại là Ngân hàng TMCP Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng TMCP Dầu khí (GPBank). Theo đó, các cổ đông của ba ngân hàng này phải chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Ngân hàng Nhà nước, chấm dứt quyền, lợi ích và tư cách của các cổ đông hiện hữu. Việc mua lại ngân hàng với giá 0 đồng của Ngân hàng Nhà nước không phải là mua lại tài sản mà mua lại để chấn chỉnh hệ thống của ngân hàng đó nhằm đảm bảo quyền lợi người gửi tiền cũng như an toàn cho toàn hệ thống.
Xoay quanh vấn đề này, sinh viên hai trường đã thảo luận sôi nổi về vấn đề pháp lý như: Xử lý nợ xấu, Thi hành án đối với các cơ quan tài chính, Sự khác biệt của hệ thống Ngân hàng Việt Nam và Ngân hàng thế giới khi mua lại các Ngân hàng.
Phiên tòa giả định
Tại buổi giao lưu, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật đã tổ chức phiên tòa giả định nhằm giúp các bạn sinh viên ngành Luật, học hỏi kinh nghiệm và các kiến thức pháp lý.
Theo “kịch bản”, các bạn sinh viên đóng vai trò là Hội đồng xét xử của TAND Quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng. Nội dung vụ án như sau: Vào khoảng 22 giờ ngày 4/8/2015 sau khi đi nhậu về, Vũ được bạn bè rủ đua xe. Do có hơi men trong người, cộng thêm việc được bạn bè kích động nên Vũ đồng ý. Trong quá trình tham gia đua xe, do thấy mình đang về cuối cuộc đua nên Vũ tăng tốc, lạng lách, đánh võng để vượt lên trên đoàn đua. Khi điều khiển xe vượt lên do không làm chủ được tốc độ Vũ đã gây tai nạn khiến hai vợ chồng anh B. ngã xuống đường. Sau khi gây tai nạn Vũ không dừng lại cứu giúp mà phóng xe bỏ trốn. Do được đưa cấp cứu kịp thời nên vợ chồng anh B. không bị nguy hiểm đến tính mạng, anh B. thương tật hơn 50%, vợ anh B. thương tật 35%.
Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm Sát (VKS) cho rằng bị cáo là người có học thức, đang là sinh viên được giáo dục trong một môi trường lành mạnh, nhân văn nhưng lại coi thường pháp luật, mua vui, đùa giỡn trên tính mạng của người khác. Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng việc bị cáo tham gia đua xe không phải vì đùa giỡn trên tính mạng của người khác mà chẳng qua chỉ vì muốn trốn tránh cảm giác buồn bã vì ba mẹ ly hôn. Từ đó xin Hội đồng Xét xử (HĐXX) giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Riêng việc Vũ gây tai nạn xong bỏ trốn không phải là bỏ mặc hậu quả xảy ra mà chẳng qua chỉ là lo sợ, bằng chứng là bị cáo đã ra cơ quan công an đầu thú.
Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ HĐXX cho rằng bị cáo là người có nhận thức, đã 22 tuổi, đang là sinh viên nhưng lại coi thường pháp luật. Bị cáo biết rõ việc đua xe, lạng lách đánh võng hoàn toàn có thể gây tai nạn cho người khác nhưng vẫn tham gia là coi thường pháp luật. Tuy nhiên xét bị cáo có nhân thân tốt, hoàn cảnh khó khăn nên tòa tuyên mức án 5 năm tù.
Trong phiên tòa giả định các bạn sinh viên đã “nhập vai” rất đạt, tranh luận giữa đại diện VKS và Luật sư diễn ra sôi nổi với phần đấu trí đầy lý lẽ thuyết phục.
Sau buổi giao lưu, sinh viên Nguyễn Lê Thanh Thanh (sinh viên năm 4 trường Đại học Kinh Tế Luật) chia sẻ “Đây là lần đầu tiên chúng em làm phiên tòa giả định tại một trường Đại học. Chúng em đã mất hai tuần để chuẩn bị những kiến thức cũng như kỹ năng và tâm lý cho buổi giao lưu này. Buổi giao lưu giúp chúng em học hỏi được rất nhiều kiến thức pháp lý”. Còn sinh viên Phạm Bảo Trâm (Sinh viên năm nhất Ngành Luật Kinh Tế, Đại học Duy Tân) thì chia sẻ “Em rất hào hứng với phiên tòa giả định. Nó giúp em hình dung ra một phần công việc tương lai và học hỏi được rất nhiều kiến thức thực tế”.
(Truyền Thông)