Trong hai ngày 16 và 17/10/2014, Hội thảo Khoa học Phòng chống Ung thư Quốc gia lần thứ XVII đã diễn ra tại Bệnh viện K, Thủ đô Hà Nội. Đây là hội thảo có quy mô lớn với sự tham gia của nhiều lãnh đạo trong lĩnh vực Y tế cùng đông đảo các nhà khoa học đầu ngành về phòng chống ung thư đến từ Hoa Kỳ, Pháp, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Việt Nam,... Với ý nghĩa thiết thực trong việc hạn chế tắc nghẽn và giảm đau đớn cho bệnh nhân ung thư khi tiêm truyền, Đề tài Tốt nghiệp “Đặt buồng tiêm truyền tĩnh mạch” của sinh viên Trương Thị Mai - Lớp T16, Khoa Điều dưỡng, Đại học Duy Tân đã được chọn để báo cáo điển hình tại hội thảo. Bài báo này cũng đã được đăng trên Tạp chí Ung thư học Việt Nam, Số 1-2014, được phát hành trên toàn quốc.
Trương Thị Mai cùng nhóm sinh viên Khoa Điều dưỡng
tại Phòng Thực hành Y - Dược
Ung thư là căn bệnh gây tử vong và thực sự là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia khi số lượng đang tăng khá nhanh. Trong các phương pháp được triển khai điều trị hiện nay gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, nội tiết, sinh học thì điều trị hóa trị là một trong những phương pháp được ứng dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, sử dụng hóa chất trong điều trị đã khiến bệnh nhân gặp phải tình trạng viêm xơ cứng mạch, đặc biệt là ở những nơi thường xuyên đặt đường truyền như bàn tay, cánh tay. Đau đớn và mệt mỏi là cảm giác mà các bệnh nhân ung thư gặp phải khi các Điều dưỡng viên tìm tĩnh mạch để truyền. Không ít các trường hợp đường truyền bị tắc nghẽn ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần của người bệnh.
Khắc phục tình trạng đó, những năm 1980, công cụ hiện đại Buồng tiêm truyền tĩnh mạch đã được thế giới sử dụng rộng rãi trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, tại Việt Nam mới có Bệnh viện Ung bướu Tp. Hồ Chí Minh, Bệnh viện K, Khoa Ung bướu - Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện hình thức xử lý này. Nhiều năm chăm sóc bệnh nhân ung thư, sau khi tốt nghiệp ngành Điều dưỡng - Trung cấp Y tế Trung ương 2, Trương Thị Mai đã quyết định tiếp tục theo học ngành Cử nhân Điều dưỡng tại Đại học Duy Tân và đã lựa chọn đề tài “Đặt buồng tiêm truyền tĩnh mạch” làm Khóa luận Tốt nghiệp. Trong thực tế, Trương Thị Mai đã áp dụng đề tài này vào thực tế trong cương vị là Điều dưỡng trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng.
Nhận thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của việc áp dụng Buồng tiêm truyền tĩnh mạch trong điều trị ung thư, Đề tài Tốt nghiệp của sinh viên Trương Thị Mai Đại học Duy Tân đã được lựa chọn để báo cáo tại Hội thảo Khoa học Phòng chống Ung thư Quốc gia lần thứ XVII. Đây là dịp để giới thiệu tới đông đảo các cán bộ trong ngành y tế, các điều dưỡng viên tại các bệnh viện một hình thức tiêm truyền rất hiệu quả và có thể nhân rộng trong toàn quốc.
Trở về từ hội nghị, Điều dưỡng viên Trương Thị Mai chia sẻ: “Chứng kiến các bệnh nhân ung thư mệt mỏi, đau đớn mỗi lần tìm tĩnh mạch để tiêm truyền, tôi có ý tưởng thực hiện đề tài ‘Đặt buồng tiêm truyền tĩnh mạch’ từ lâu. Tuy nhiên, thời gian học tập và thực hành tại Duy Tân mới chính là chất xúc tác chính để tôi bắt tay vào thực hiện đề tài. Học tập với các giảng viên có chuyên môn cao tại Duy Tân, tôi đã thu nhận rất nhiều kiến thức mới, đã tự tin hơn khi báo cáo trước hội nghị lớn cũng như biết tiếp cận sâu hơn các phương pháp nghiên cứu khoa học. Đối với các điều dưỡng viên giỏi, ngoài việc chăm sóc bệnh nhân, thực sự cần có những kỹ năng đặc biệt như tiên trị và phát hiện sớm các bất thường sau khi phẫu thuật. Tôi rất vui khi học được điều này trong quá trình làm việc tại Khoa Ung bướu cũng như trong quá trình học tập tại Duy Tân.”
Cũng trong lĩnh vực nghiên cứu về ung thư tại Đại học Duy Tân, trước đó, TS. Dương Hồng Quân - Cán bộ Hợp tác - Nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển DTU đã gây tiếng vang lớn tại Hội nghị Thường niên lần thứ XXIV do Hiệp hội Sinh học Phân tử & Tế bào Hàn Quốc tổ chức trong tháng 10/2012, ở Seoul, Hàn Quốc khi báo cáo 3 đề tài nghiên cứu về tế bào ung thư gồm “ALDH1A1 tạo đối kháng gemcitabine nội tại và cộng hưởng đối với tế bào ung thư tuyến tụy", “Việc ức chế CHK2 làm tăng đáng kể sự nhạy cảm của tế bào ung thư tuyến tụy với gemcitabine” và “Hiệu quả điều trị khối u bằng BML-275, chất gây ức chế AMPK trong tế bào ung thư tuyến tụy”.
Những đề tài nghiên cứu về ung thư, hỗ trợ bệnh nhân ung thư của giảng viên và sinh viên Đại học Duy Tân đang góp phần chống lại các rối loạn gene nan y với tỷ lệ tử vong cao cũng như mở rộng hợp tác nghiên cứu về ung thư giữa các trường, viện nghiên cứu và các bệnh viện tại Việt Nam.
(Truyền Thông)