English

Nghiên cứu

DTU Ứng dụng Thành công Chế phẩm Dinh dưỡng ĐH 93 trên cây Lúa

Thành công trong nghiên cứu Chế phẩm dinh dưỡng ĐH 93 (Đất hiếm), Đại học Duy Tân đã phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Hòa Vang triển khai phun ĐH 93 trực tiếp lên cây lúa. Không chỉ tăng khả năng phòng dịch cho cây trồng, Chế phẩm dinh dưỡng ĐH 93 đã góp phần nâng cao năng suất cho vụ Hè Thu 2014 ở nhiều xã tại Hòa Vang. Kết quả ấn tượng này đã được báo cáo trong Hội thảo đầu bờ “Đánh giá kết quả Mô hình Ứng dụng phun Chế phẩm dinh dưỡng ĐH 93” được tổ chức vào sáng 6/9/2014, tại Hội trường xã Hòa Tiến, Hòa Vang, Tp. Đà Nẵng.
 
 
 Cán bộ Viện nghiên cứu & Phát triển Công nghệ cao DTU đi kiểm tra thực tế
diện tích lúa được phun ĐH 93 tại xã Hòa Tiến
  
Chế phẩm dinh dưỡng ĐH 93 là đề tài nghiên cứu của PGS. TS. Lưu Minh Đại - Cán bộ Viện Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ cao, Đại học Duy Tân. Sau một thời gian nghiên cứu và thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, PGS. TS. Lưu Minh Đại đã trực tiếp cùng người dân triển khai phun ĐH 93 trên cây lúa. Hoạt động hữu ích này nhằm hỗ trợ huyện Hòa Vang thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ năm 2013. 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Đình Ca - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Hòa Vang đã đánh giá cao kết quả triển khai ứng dụng tại một số xã thuộc huyện Hòa Vang. Theo đó, vụ Đông Xuân 2013 - 2014, ĐH 93 được phun trên các giống lúa OM 6976 (xã Hòa Tiến), Thiên Ưu 8 (xã Hòa Phong), HT1 (xã Hòa Bắc) và cây hoa Lan dendro (xã Hòa Phước). Với kết quả thu được khá khả quan, huyện Hòa Vang tiếp tục cho phun ĐH 93 trên diện rộng với hơn 40 ha lúa tại 2 xã Hòa Tiến và Hòa Bắc vào vụ Hè Thu năm 2014. Kết quả cho thấy cây lúa trổ nhanh, đồng loạt, ít sâu bệnh, tỷ lệ hạt chắc cao, tỷ lệ hạt lép, hạt đen thấp (giảm xuống còn 5-6 hạt/bông). Đặc biệt, năng suất lúa tại diện tích phun ĐH 93 cao hơn diện tích không phun là hơn 7 tạ/ha. Số thóc thu hoạch được từ 40 ha lúa phun ĐH 93 sẽ được Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hòa Vang sử dụng làm thóc giống cho vụ sau.
 
 
Ông Huỳnh Văn Thới phát biểu tại Hội thảo 

Tại Hội thảo, ông Huỳnh Văn Thới - Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Hòa Vang chia sẻ: “Chúng tôi cảm ơn Đại học Duy Tân đã nghiên cứu thành công Chế phẩm dinh dưỡng ĐH 93 để giúp người nông dân thay chế những loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại góp phần nâng cao năng suất cây trồng và đẩy mạnh thực hiện chương trình nông thôn mới của huyện Hòa Vang. Trong 2 vụ Đông xuân 2013 - 2014 và Hè thu 2014, Đại học Duy Tân không chỉ nhiệt tình hỗ trợ 100% lượng thuốc, công phun và hướng dẫn quy trình sử dụng cho các Hợp tác xã, các hộ dân mà còn phối hợp cùng với Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn theo dõi các chỉ tiêu, so sánh với diện tích đối chứng (diện tích lúa không phun) để đưa ra kết quả chính xác nhất. Việc ứng dụng phun Chế phẩm dinh dưỡng ĐH 93 được triển khai trên nhiều loại cây trồng, cây hoa màu là thực sự cần thiết để nâng cao đời sống cho người nông dân huyện Hòa Vang. Bởi vậy, hy vọng Đại học Duy Tân sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ chúng tôi trong những vụ mùa tiếp theo”.

Trước đó, Khoa Dược - Đại học Duy Tân đã thành công trong việc tìm ra phương pháp tiêu diệt cây Bìm bìm tại rừng đặc dụng Cù lao Chàm, Tp. Hội An. Với cách thức tiêm thử nghiệm để tiêu diệt cây Bìm bìm, Khoa Dược đã góp phần cùng người dân Hội An bảo vệ môi trường sinh thái tại rừng đặc dụng Cù lao Chàm và sức khỏe của con người, tiết kiệm chi phí, thời gian và nhân lực, tiêu diệt cây Bìm bìm triệt để và có thể áp dụng ở mọi địa phương. Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Hữu Phú - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân chia sẻ: “Bên cạnh công tác đào tạo, Đại học Duy Tân luôn trăn trở để đưa những kết quả nghiên cứu của nhà trường triển khai sâu rộng vào thực tiễn cuộc sống. Do đó, nhà trường luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho những đề tài nghiên cứu Khoa học gắn liền với cuộc sống của người dân. Thành công bước đầu trong ứng dụng phun Chế chẩm dinh dưỡng ĐH 93 trên cây lúa tại huyện Hòa Vang và tìm ra phương pháp diệt cây Bìm bìm trong thời gian qua chính là động lực để nhà trường tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu Khoa học trong thời gian tới góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của Tp. Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.”

(Truyền thông)