English

Nghiên cứu

Hơn 260 Nhà Khoa học dự Hội nghị về Quang tử và Quang phổ tại DTU

Sáng 13/8/2014, Đại học Duy Tân và Viện Vật lý - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp tổ chức Khai mạc Hội nghị Quốc tế về Quang tử và Ứng dụng lần thứ VIII và Hội nghị Quang học Quang phổ Toàn quốc lần thứ VIII tại Đại học Duy Tân - K7/25 Quang Trung - Tp. Đà Nẵng. Hơn 260 nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế hội tụ tại Đại học Duy Tân đã tạo nên một diễn đàn lớn cùng trao đổi và hợp tác đồng thời kỳ vọng sự chuyển biến tích cực trong nghiên cứu khoa học sẽ tạo sức bật mới thúc đẩy lĩnh vực Quang tử, Quang phổ phát triển trong tương lai.

Chuyển giao các nghiên cứu từ Hội nghị đến ứng dụng tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng

Thành công khi tổ chức nhiều hội nghị khoa học quốc tế về Quang phổ, đặc biệt là "Hội nghị Quốc tế về Quang phổ & Ứng dụng” với sự góp mặt của trên 70 nhà khoa học trong và ngoài nước năm 2013, Đại học Duy Tân tiếp tục được Viện Vật lý - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam lựa chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị Quốc tế về Quang tử và Ứng dụng lần thứ VIII và Hội nghị Quang học Quang phổ Toàn quốc lần thứ VIII diễn ra từ 12 - 16/8/2014. Hai hội nghị có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực Quang tử, Quang học, Quang phổ, Ứng dụng… được tổ chức song song tại Đại học Duy Tân đã mang đến niềm hứng khởi với những kỳ vọng mới cho các nhà khoa học hàng đầu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Lào, Myanmar, Philippines, Hà Lan, Bê-la-rút (Belarus), Việt Nam…

 
 NGƯT. Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Đại học Duy Tân phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Lễ Khai mạc và Phiên họp toàn thể, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Đại học Duy Tân khẳng định: “Vui mừng chào đón hơn 260 nhà khoa học hàng đầu quốc tế và Việt Nam đến Đại học Duy Tân tham dự hai hội nghị lớn trong lĩnh vực Quang tử, Quang phổ, Ứng dụng... Đây là sự kiện thực sự ý nghĩa khi Duy Tân đang bước vào năm thứ 20 trong tiến trình xây dựng và phát triển. Giữa mảnh đất miền Trung vẫn còn khó khăn bởi hậu quả của chiến tranh, của bão lụt, người dân vẫn kiên cường vươn lên xây dựng một Tp. Đà Nẵng phát triển mạnh về Du lịch, Công nghệ Thông tin… với danh hiệu 'Thành phố đáng sống nhất Việt Nam'. Trên nền tảng vững chắc đó, Duy Tân phát triển từng ngày trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực với số lượng khoảng 18.000 sinh viên theo học. Trong nhiều năm qua, Duy Tân luôn chú trọng đầu tư đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực Vật lý, Quang tử, Quang phổ… Mong rằng, những người bạn lớn đồng hành cùng Duy Tân trong nhiều năm qua sẽ cùng nhà trường xây dựng một Viện Nghiên cứu về lĩnh vực này để các hoạt động nghiên cứu, hợp tác được đẩy mạnh và đạt hiệu quả cao hơn.”

  
Đông đảo các Nhà Khoa học đến tham dự Hội nghị 

Tp. Đà Nẵng đang đẩy mạnh Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá theo hướng Công nghiệp sạch, Công nghệ xanh và đang đầu tư xây dựng Khu Công nghệ Cao Đà Nẵng với mục tiêu trở thành nơi nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất của các nhà đầu tư quốc tế và trong nước. Bởi vậy, phát biểu tại Hội nghị, TS. Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp. Đà Nẵng cho biết: “Tp. Đà Nẵng nói chung và Đại học Duy Tân nói riêng rất vinh dự khi là địa điểm diễn ra hai hội nghị lớn về lĩnh vực Quang tử, Quang học, Laser, Quang phổ và Ứng dụng. Hy vọng qua diễn đàn ý nghĩa này, các nhà khoa học trong nước và quốc tế sẽ cùng đi sâu trao đổi nhiều nội dung, công trình nghiên cứu, gắn liền đào tạo, nghiên cứu với thực nghiệm để từ đó mở ra cơ hội hợp tác hay chuyển giao các tiến bộ công nghệ. Mong rằng trong tương lai gần, những kết quả từ các phiên hội nghị khoa học tại Đại học Duy Tân sẽ được đưa vào ứng dụng trong sản xuất, chế tạo tại Khu Công nghệ Cao Đà Nẵng.” 

Lấy nâng cao chất lượng làm then chốt để hội nhập quốc tế 

Trên 260 báo cáo khoa học sẽ được trình bày tại 2 hội thảo lớn tại Đại học Duy Tân. Đây là con số không nhỏ khẳng định sự nhiệt tâm và đam mê nghiên cứu của các nhà khoa học dành cho lĩnh vực Quang tử, Quang học, Quang phổ… Tuy nhiên, con số lớn các báo cáo khoa học mới là điều kiện cần để triển khai một hội nghị, tiên quyết hơn cả phải kể đến chất lượng của các báo cáo. Điểm then chốt này quyết định việc nâng cao trình độ và hiệu quả nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Thấu hiểu tầm quan trọng của chất lượng các báo cáo, GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu - Nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ: “Xây dựng và triển khai các nghiên cứu khoa học cơ bản mà Việt Nam có thế mạnh như Toán học, Vật lý, Khoa học Biển… là nhiệm vụ quan trọng hiện nay của chúng ta. Để có thể theo kịp với sự phát triển của nền Vật lý trên thế giới, ngoài việc quan tâm đến số lượng cần phải thực sự chú trọng về chất lượng các báo cáo khoa học. Cảm ơn sự hỗ trợ không ngừng của các tổ chức quốc tế đối với sự phát triển khoa học của Việt Nam và mong muốn các bạn sẽ tiếp tục hỗ trợ chúng tôi trong tương lai. Thực sự cảm ơn lòng hiếu khách của người dân Đà Nẵng, sự chuẩn bị chu đáo của Đại học Duy Tân khi tổ chức thành công hội nghị lớn trong lĩnh vực Vật lý.”


Các nhà khoa học trong nước và quốc tế chụp ảnh lưu niệm  

Các chủ đề lớn tại Hội nghị lần này gồm Quang học, Quang phổ và Laser, Quang tử (quang tử nanô, linh kiện, thiết bị, vật liệu, mô hình hoá...), Quang học vật rắn và Vật liệu có cấu trúc nano, Các ứng dụng, thiết bị và linh kiện của quang học, quang tử và quang phổ… sẽ được triển khai tại 3 tiểu ban: “Session A: Photonics and Applications" - Tiểu ban Quốc tế về Quang tử và Ứng dụng, “Session B: Quantum Photonics anh Nanophysics” - Tiểu ban: Quang lượng tử và Vật lý nano, “ Session C: Optics, Lasers and Applications” - Tiểu ban Quang học, Laser và ứng dụng. Đại học Duy Tân có 5 báo cáo được giới thiệu tại Hội nghị. Các báo cáo sẽ được chọn lọc và phản biện để đăng trong sách Kỷ yếu Hội nghị có chỉ số xuất bản quốc tế ISSN 1859 - 4271.

Ngay trong Phiên Toàn thể sau Lễ Khai mạc, nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực Quang tử, Quang phổ đã trực tiếp báo cáo. Trong đó có GS. Masayuki Katsuragawa - Khoa Khoa học Công nghệ - Đại học Điện tử - Truyền thông, Nhật Bản; GS. Kaoru Yumanouchi - Khoa Khoa học, Đại học Tokyo, Nhật Bản; GS. YongTak Lee - Giám đốc Viện Nghiên cứu Quang tử Cao cấp, Viện Khoa học và Công nghệ Gwangju, Hàn Quốc…

GS. YongTak Lee chia sẻ tại Hội nghị: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và thật vui mừng khi được gặp gỡ nhiều người bạn cùng đam mê, nghiên cứu và theo đuổi lĩnh vực Quang tử. Với tôi, Hội nghị này là cơ hội tuyệt vời để chúng ta chia sẻ các nghiên cứu, thành tựu cũng như các hướng đi mới trong quá trình nghiên cứu.Tôi hy vọng rằng, Hội nghị Quốc tế về Quang tử và Ứng dụng lần thứ VIII và Hội nghị Quang học Quang phổ Toàn quốc lần thứ VIII sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa để thúc đẩy lĩnh vực Quang tử, Quang phổ và các vấn đề liên quan phát triển hơn nữa trong thời gian tới.” 

(Truyền Thông)