Thành công trong nghiên cứu về dịch tễ học phân tử các bệnh truyền nhiễm với nhiều công bố quốc tế được cộng đồng khoa học thế giới đánh giá cao, GS. TS. Thomas Bock (Viện Nghiên cứu Robert Koch, Berlin, Đức) đã đến thăm, làm việc với Đại học Duy Tân và báo cáo tổng quan về tình hình nghiên cứu virus viêm gan E (HEV) trên thế giới cũng như tại Viện Robert Koch vào sáng 16/3/2014. Buổi làm việc đã mở ra các cơ hội hợp tác mới với Đại học Duy Tân để nghiên cứu sâu hơn về HEV - một loại virus gây viêm gan bùng phát và có tỷ lệ tử vong cao ở các nước đang phát triển.
Buổi làm việc giữa GS. TS. Thomas Bock & Viện Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ cao
Tại seminar, GS. TS. Thomas Bock đã giới thiệu bức tranh toàn cảnh về HEV, mức độ nguy hại đối với con người và sự phổ biến cao của nó tại các nước phát triển trong đó có Việt Nam. HEV chính thức được phát hiện năm 1980 sau đó được phát hiện ở nhiều quốc gia khác. Virus viêm gan E là một trong các tác nhân chính gây tử vong ở phụ nữ mang thai. Lúc đó, người ta nghĩ rằng HEV không xuất hiện ở các nước phát triển nhưng báo cáo gần đây cho thấy nguồn nước nhiễm virus đã gây ra dịch bệnh lớn và định kỳ tại nhiều nước như Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, các nước châu Phi và các nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, sau các đợt mưa lớn năm 1994 đã có 1.300 người bị nhiễm bệnh.
GS. TS. Thomas Bock chia sẻ tại buổi làm việc
GS. TS. Thomas Bock chia sẻ: “Cám ơn Viện Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ cao đã dành cho tôi sự đón tiếp ân cần và chu đáo trong chuyến làm việc tại Đại học Duy Tân lần này. Tôi rất vui khi các bạn thực sự quan tâm đến viêm gan và đã có những chuẩn bị khá tốt về các thiết bị khoa học kỹ thuật hiện đại để có thể triển khai các hoạt động nghiên cứu. Những buổi trao đổi, seminar được thực hiện tại Duy Tân đã gợi mở rất nhiều ý tưởng mới để ký kết hợp tác với Viện Koch Robert trong tương lai.”
TS. Nguyễn Minh Hùng (Viện Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ cao, Đại học Duy Tân) người trực tiếp làm việc với GS. TS. Thomas Bock cho biết: “Năm 2013 tôi đã đến thăm, làm việc tại phòng thí nghiệm của GS. Thomas Bock và thực hiện các nghiên cứu về hệ gene của virus viêm gan D. Chuyến thăm lần này của GS có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai các nghiên cứu về viêm gan E, các loại virus viêm gan khác cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, đồng thời củng cố thêm mối quan hệ hợp tác giữa hai đơn vị. Hai bên cũng đã thảo luận một số ý tưởng để xây dựng các đề tài nghiên cứu song phương trong thời gian tới.”
HEV đang là một ưu tiên nghiên cứu về dịch tễ học phân tử các bệnh virus được triển khai tại phòng thí nghiệm của GS. TS. Thomas Bock và cũng là hướng nghiên cứu đang được chú trọng triển khai tại Duy Tân.
(Truyền Thông)