English

Giấc mơ Duy Tân

Hội thảo về 20 năm Xã hội hóa Giáo dục

Sáng ngày 18/8/2013, Đại học Duy Tân phối hợp với Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam tổ chức hội thảo về “20 năm Xã hội hóa Giáo dục”. Hội thảo thu hút đông đảo sự tham gia của các giáo sư, chuyên gia giáo dục và lãnh đạo nhiều học viện, trường đại học, cao đẳng trong cả nước như GS.TS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Ngoài Công lập Việt Nam, GS.TSKH Bành Tiến Long - nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục & Đào tạo, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội …
 
 
GS.TS Trần Hồng Quân phát biểu tại Hội thảo
 
Hội thảo là dịp để đánh giá những gì đã đạt được và các mặt còn hạn chế của công tác xã hội hóa giáo dục trong thời gian qua đồng thời đề xuất các giải pháp để phát triển giáo dục nước nhà.
 
Đại học ngoài công lập: Cơ hội và Thách thức
 
Sự phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ hội nhập đã mở ra cơ hội cho nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Trong xu thế đó, giáo dục ngoài công lập là một sản phẩm tất yếu của thời đại, đã và đang góp phần thay đổi, chuyển dịch cơ cấu của giáo dục truyền thống. Không những vậy, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thuận lợi cho việc phát triển đại học ngoài công lập. Trên cơ sở này đã có nhiều cơ sở đào tạo ngoài công lập khẳng định được chất lượng và vị thế của mình trong bức tranh chung của giáo dục đại học Việt Nam: Đại học Duy Tân, Đại học Thăng Long, Đại học Văn Lang, Đại học FPT…
 
Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với các cơ sở này cũng không hề nhỏ. Thứ nhất, nhận thức của các cấp quản lý cũng như của xã hội chưa rõ ràng hoặc chưa đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của các trường đại học ngoài công lập. Thứ hai, mâu thuẫn giữa yêu cầu cao của xã hội với khả năng hạn chế về nguồn lực và điều kiện đã đẩy nhiều trường đại học ngoài công lập vào tình trạng khó khăn. Thứ ba, không thể không kể đến những vướng mắc trong công tác quản lý hành chính. Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của hệ thống đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa các trường trong cũng như ngoài khối công lập.
 
Dẫu vậy, sự tồn tại và phát triển của các trường đại học ngoài công lập là phù hợp với xu thế phát triển chung của giáo dục Việt Nam. Có chăng là những người làm giáo dục phải điều chỉnh, đổi mới để có những bước đi phù hợp hơn trong thời gian sắp tới.
 
Đổi mới phải bắt đầu từ xóa bỏ “bất bình đẳng”
 
Nhận thức xã hội vô hình chung đã tạo nên sự bất bình đẳng giữa các trường đại học công lập và ngoài công lập. Đây là một trong những lực cản đang tác động mạnh mẽ đến việc phát triển giáo dục đại học ngoài công lập nói riêng, giáo dục Việt nam nói chung.
 
Trăn trở về vấn đề này, GS.TS. Trần Hồng Quân đã đưa ra những kiến nghị mang tính cấp bách như cần rút ngắn thời gian đào tạo, trường công lập cần chuyển sang các chế độ tự quản, đa sở hữu, trường tư hoặc cho thuê trường công… Bên cạnh đó, chúng ta cần phải thay đổi cách thức tuyển sinh đầu vào để phù hợp với từng trường, từng ngành, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, xây dựng lại hệ thống giáo dục tài chính, hợp tác quốc tế và đổi mới quản lý. Những kiến nghị này là hết sức xác đáng nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các trường đại học.
 
Các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng Ban Giám hiệu trường Đại học Duy Tân 
 
“Tự chủ” - Chìa khóa đổi mới giáo dục đại học ngoài công lập
 
Một cách tất yếu, để phát triển bền vững, các trường đại học ngoài công lập buộc phải nêu cao khả năng tự chủ của mình. Đây chính là chìa khóa trọng yếu để đổi mới, phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập.
 
Tính tự chủ không những giúp các trường thể hiện được bản sắc riêng của mình mà còn là một thước đo để đánh giá sự phát triển của họ. Như GS.TS. Trần Hồng Quân đã nhấn mạnh “tự chủ là thuộc tính quan trọng của các trường đại học” nhưng tự chủ phải “theo chế tài của Nhà nước”. Tự chủ trong khuôn khổ sẽ khiến cho đại học ngoài công lập không xa rời các định hướng của Đảng, Nhà nước cũng như dễ dàng hòa vào quỹ đạo của giáo dục cả nước.
 
“Chất lượng” - Chiều sâu của đổi mới giáo dục đại học ngoài công lập
 
Nhiều đại biểu tham gia hội thảo đã chỉ ra giáo dục Việt Nam hiện nay không chỉ nghèo nàn về cơ sở vật chất mà còn lạc hậu trên tư duy, tầm nhìn, hệ thống kiểm tra, đánh giá chất lượng. Một trong nhiều nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ hệ thống quản lý giáo dục công lập còn bao cấp quá nhiều. TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, khẳng định những bất cập trong cơ chế quản lý, đầu tư cho các trường trong và ngoài công lập hiện nay đang không theo một quy luật nào. GS.TS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, cũng nhận định chính sách của Nhà nước đối với trường ngoài công lập chưa nhất quán. Những bất cập này tác động trực tiếp đến quá trình phát triển của các trường đại học ngoài công lập nhất là trong bối cảnh tuyển sinh ngày càng nan giải như hiện nay. Bởi vậy, giải pháp cho hoạt động đào tạo của các trường này chính là thay đổi tư duy đào tạo từ số lượng sang chất lượng. Sự thay đổi này là cần thiết, phù hợp với sứ mạng chung của giáo dục Việt Nam.
 
Đại học Duy Tân trong bối cảnh xã hội hóa giáo dục, đổi mới giáo dục đại học ngoài công lập
 
Trong nhiều năm qua, Duy Tân - “Đại học tư thục Đầu tiên và Lớn nhất miền Trung” - đã có nhiều nỗ lực nhằm xã hội hóa giáo dục, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần phát triển giáo dục đại học ngoài công lập nói riêng, giáo dục Việt Nam nói chung.
 
Tại hội thảo này, nhiều chuyên gia giáo dục đã ghi nhận Đại học Duy Tân là một trong những đại học ngoài công lập có nhiều đóng góp cho giáo dục nước nhà. TS. Lê Viết Khuyến đánh giá: “Thực tế đã có những trường ngoài công lập đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao như trường Đại học Duy Tân, Đại học Thăng Long, …”
 
Hội nghị đã nhận định rằng: “Hợp tác quốc tế là con đường đi tắt để vươn ra biển lớn, để nâng tầm giáo dục”. Nhận thức được vấn đề này, Đại học Duy Tân đã chú trọng phát triển quan hệ hợp tác, chuyển giao chương trình giảng dạy với các trường đại học có danh tiếng trên thế giới như Đại học Bang California ở Fullerton (CSU) và Cal Poly trong lĩnh vực Xây dựng và Kiến trúc, Đại học Penn State (PSU) trong lĩnh vực Kinh tế và Du lịch, Carnegie Mellon University (CMU) - đại học danh tiếng bậc nhất Mỹ về đào tạo Công nghệ Thông tin.
 
Những thành quả của Đại học Duy Tân đã minh chứng rõ ràng cho định hướng phát triển đúng đắn mà các trường đại học ngoài công lập nên theo đuổi.
 
Bên cạnh đó, GS.TS. Lâm Quang Thiệp đã đóng góp ý kiến có tính chiến lược: “Riêng Đại học Duy Tân đào tạo Tiến sĩ nên tập trung vào chất lượng hơn số lượng”.
 
Tiếp nhận những ý kiến đóng góp trong việc phát triển các trường đại học ngoài công lập nói chung và Đại học Duy Tân nói riêng, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Hiệu trưởng Đại học Duy Tân khẳng định: Nhà trường sẽ tập trung hơn vào tính dân chủ để phát triển cũng như nâng cao chất lượng đào tạo để cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao góp sức xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp hơn.

(Truyền thông)