English

Giấc mơ Duy Tân

Đại học Duy Tân với việc gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc không đồng nghĩa với việc đóng cửa mà phải giao lưu tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá của nhân loại. Một trong những vấn đề được xã hội Việt Nam quan tâm hiện nay là tăng cường giáo dục văn hoá, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trong giới trẻ. Bởi lẽ không ai khác, thế hệ trẻ chính là thế hệ kế thừa và tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả của mình đó là tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc mà ông cha đã cất công gây dựng.
 
 
Sinh viên Khoa Khoa học Xã hội & Nhân Văn

Nói đến bản sắc văn hoá dân tộc là chạm đến các vấn đề về lịch sử, về truyền thống, về ngôn ngữ, về tính cách. Giáo dục cho thế hệ trẻ mà đặc biệt là giới học sinh, sinh viên có những hiểu biết sâu sắc về lịch sử, truyền thống của dân tộc, sự phong phú trong sáng của Tiếng Việt, cũng như niềm tự hào về những đức tính tốt đẹp của người Việt Nam là hết sức cần thiết. Nhiệm vụ cao cả này trước hết được đặt lên vai của những người làm công tác giáo dục, đào tạo bởi lẽ: công tác giáo dục gắn liền với một con người từ khi biết đọc, biết viết đến lúc trưởng thành, nghĩa là từ tuổi mẫu giáo đến Đại học và cũng có thể cả một đời người. Có một thực trạng đau lòng đã diễn ra cũng đáng báo động đối với chúng ta hiện nay đó là trẻ em Việt Nam rất mơ hồ lịch sử dân tộc trong khi đó thuộc làu lịch sử Trung Hoa, Hàn Quốc… qua các bộ phim cổ trang. Hay hiện tượng đua nhau cho con học tiếng nước ngoài mặc dù tốn kém rất nhiều nhưng các bộ môn Lịch sử, Tiếng Việt thì có mấy phụ huynh quan tâm. Hệ luỵ cuối cùng là tỉ lệ học sinh cấp 1, cấp 2, cấp 3 học kém môn Văn, Lịch sử chiếm rất cao, và chất lượng bài thi vào Đại học của khối C cũng đáng để chúng ta suy nghĩ. Đi xa hơn, thói quen biến tiếng Việt thành một phần bản thể của thế hệ trẻ mà chúng ta hay gọi là 9X đã làm biếng dạng sự đẹp đẽ của Tiếng Việt bằng cách viết, cách nói chệch đi với thông thường mà những người Việt khác thế hệ khó lòng hiểu được. Ở phương diện khoa học, ngoại giao, việc nói và viết tiếng Việt chuẩn lại càng quan trọng và có ý nghĩa sống còn. Ví dụ tiêu biểu là công tác nghiên cứu khoa học hay trao đổi, hợp tác quốc tế sẽ mất đi tính liên đới và chia sẻ tri thức nếu việc dạy nói và viết tiếng Việt dành cho người nước ngoài chưa được chuẩn hoá và giới hạn hay việc xa rời với ngôn ngữ Việt của những học giả, cán bộ nghiên cứu người Việt ở nước ngoài nhiều năm gây khó khăn trong truyền đạt khi công tác tại Việt Nam. Hơn thế nữa, việc nắm vững tiếng Việt sẽ tạo ra những tiền đề vững chắc cho các xuất bản chính thống trên các tạp chí, sách báo trong và ngoài nước, để giúp bạn bè thế giới có một cái nhìn đúng đắn và toàn diện hơn về đất nước và nền khoa học Việt Nam. Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam qua việc dạy và nói tiếng Việt một cách qui mô, chuẩn xác quan trọng là vì vậy.

Chưa bao giờ giáo dục Việt Nam được cả xã hội quan tâm và góp nhiều ý kiến xây dựng như những năm gần đây. Giáo dục được đặt lên quốc sách hàng đầu. Làm sao phát triển giáo dục Việt Nam ngang tầm với các quốc gia trong khu vực là câu hỏi đặt ra không chỉ vói những người có trách nhiệm, những nhà giáo dục mà cũng là trăn trở, băn khoăn vói những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nước nhà. Một cách làm sáng tạo, một suy nghĩ cách tân và hơn hết đó là tâm huyết, Đại học Duy Tân đã vào cuộc, đặt lên vai mình nhiệm vụ vinh quang và tự hào “giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc’’ mà cụ thể hơn đó là đưa bộ môn “Nói và viết Tiếng Việt’’ vào giảng dạy cho tất cả sinh viên của trường. Mới nghe sẽ không ít người thắc mắc, tại sao đã vào bậc Đại học mà còn học lại chương trình này? Xin thưa, không phải học lại mà là học một cách hệ thống, bài bản, mở rộng và đào sâu những kiến thức, kỹ năng nói và viết Tiếng Việt nhằm qua đó  bồi đắp tâm hồn mỗi sinh viên của trường tình yêu, niềm tự hào về tiếng mẹ đẻ. Đại học Duy Tân đã và đang thực hiện tinh thần mà Nghị quyết TW 5 đã đề ra“… xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.  Có thể nói, việc đưa chương trình này vào giảng dạy là việc làm hoàn toàn không đơn giản và thuận lợi. Thứ nhất đó là thực trạng việc dạy “nói và viết tiếng Việt” chưa được quan tâm đúng mức từ những cấp học dưới. Chính điều này đã hạn chế khả năng vận dụng tiếng Việt của sinh viên trong giao tiếp, học tập, sinh hoạt. Thứ hai là việc bố trí thời lượng, tiết học và tổ chức giang dạy đại trà cho sinh viên toàn trường trong điều kiện thiếu cán bộ, giáo viên giảng dạy bộ môn này, đồng thời nảy sinh nhiều vấn đề khác cần phải điều chỉnh. Song, vượt lên tất cả những trở ngại ấy, Đại học Duy Tân đã sải những bước đầu tiên trong hành trình “Xây dựng bản sắc văn hoá”. Sẽ còn quá sớm để đánh giá thành tựu đem lại, nhưng tất cả những gì mà nhà trường ươm mầm, gieo hạt hôm nay chắc chắn sẽ gặt hái hoa thơm, quả ngọt ở ngày mai.

Rõ nét nhất là tinh thần dạy và học bộ môn “Nói và viết Tiếng Việt” đã và đang được thầy và trò Đại học Duy Tân nỗ lực. Thầy nỗ lực vì thấy được ý nghĩa sâu sắc của công việc mà mình dốc tâm thực hiện. Trò nỗ lực vì lòng tự tôn dân tộc, vì niềm tự hào của một thế hệ trẻ người Việt Nam khát khao cống hiến. Sự hoà quyện này đã chắp cánh cho những dự định mới của Đại học Duy Tân .

Bộ môn “Nói và viết Tiếng Việt” là một minh chứng sinh động của chuỗi nỗ lực và hướng đi đầy sáng tạo mà tập thể Đại học Duy Tân đã duy trì từ những ngày đầu tiên thành lập trường. Nhận thấy nhiệm vụ cao cả của những người làm giáo dục trong thời đại mới, trường Đại học Duy Tân đã tiên phong trong việc tạo ra bản sắc văn hoá của chính trường Đại học mình, một bản sắc rất riêng mang tên “Văn hoá Đại học Duy Tân”. “Văn hoá Đại học Duy Tân” hướng đến một nền giáo dục nhân văn trên tư tưởng hiện đại, là sự gắn kết của phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới với truyền thống nhân văn của người Việt Nam. Điều này thể hiện rất rõ trong phương châm của nhà trường “Bản lĩnh Việt Nam - Đổi mới, Sáng tạo, Vươn tới những tầm cao!”. Bản lĩnh Việt Nam mà Đại học Duy Tân mong muốn trau dồi và vun đắp cho các thế hệ sinh viên chính là sự khát khao vươn lên trên nền tảng truyền thống gìn và giữ nước của dân tộc Việt. Để làm được điều đó, trường đã tập trung ở điều căn bản nhất “Nói và viết Tiếng Việt” để trong bất cứ môi trường, hoàn cảnh, nhiệm vụ nào, sinh viên của trường hôm nay và mai sau sẽ trở thành những “phát ngôn viên”, những “minh chứng” có thể nói đúng, viết rõ những giá trị, tinh hoa của văn hoá dân tộc và làm đậm thêm sự giàu và đẹp của Tiếng Việt.

Không chỉ dừng ở đó, trường Đại học Duy Tân trong năm 2013 đã đặt nhiệm vụ phát triển công tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn làm trọng tâm với dự án xây dựng một Trung tâm nghiên cứu xã hội tại trường. Bởi lẽ, tinh thần văn hoá dân tộc, nền tảng nhân văn luôn là điều mà tập thể cán bộ, giảng viên Đại học Duy Tân tâm niệm để đào tạo những lớp người hiện đại, chuyên nghiệp nhưng không bị “số hoá”, “cá nhân hoá”. Công tác dạy “Nói và viết Tiếng Việt”, sự phát triển của các bộ môn Khoa học Xã hội và Nhân văn tại một ngôi trường có định hướng phát triển đa ngành, đa nghề, đa cấp như Duy Tân sẽ là một thành tựu rất đáng khích lệ và tự hào trong thời đại toàn cầu ngày nay khi mà nhu cầu việc làm, ngành nghề đào tạo có xu hướng thay đổi liên tục và thương mại hoá.

Tin tưởng với tầm nhìn và tâm huyết lấy giáo dục và con người làm trọng, Đại học Duy Tân sẽ đặt thêm những viên gạch trên bước đường gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam trong thời kì đổi mới và hội nhập.            

(Như Hà)