English

Giấc mơ Duy Tân

Tình, Tâm và Tà

Con người trước hết là một thực thể sống, có ý thức về mình và thế giới quanh mình.

Mỗi người, dù sinh ra ở bất cứ thời đại nào, ở bất cứ hoàn cảnh nào, trước hết đều muốn mình tồn tại và phát triển theo với thời gian của cuộc sống. Người nào cũng có những hoài bão, ước mơ và tìm cách thực hiện cho kỳ được các hoài bão và ước mơ đó. Tùy xuất phát điểm và lứa tuổi, giới tính của từng người mà có ước mơ, hoài bão và biện pháp thực hiện nó. Người sinh ra trong một gia đình có cuộc sống sung túc, một xã hội giàu có, với một khí hậu ôn hòa… thì ước mơ và hoài bão cũng như những cách thức để thực hiện, hoàn toàn khác với ước mơ, hoãi bão và biện pháp thực hiện của những người sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, cô đơn với một xã hội lạc hậu và một khí hậu khắc nghiệt.


Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ chụp hình lưu niệm cùng Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang

Để thực hiện cho được những ước mơ và hoài bão, dù rât nhỏ, người nào cũng vậy, trước hết là phải có sức khỏe, kế theo là kiến thức cụ thể và đặc biệt phải có nghị lực để vượt qua mọi trở ngại, khó khăn trên bước đường đi tới.

Sức khỏe của con người do nhiều yếu tố cấu thành, trước hết là bẩm sinh (gien), hoàn cảnh, môi trường sống, ăn uống, làm việc, tập luyện và nghỉ ngơi.

Mỗi người từ cấu tạo cơ thể đến phát triển trí tuệ đều không giống nhau, nhưng tất cả đều có một mẫu số chung là TÌNH YÊU. Con người đồng nhất với tình yêu. Nếu con người không có tình yêu thì không là con người nữa. Con người có sức khỏe, có trí tuệ mà không có tình yêu sẽ trở thành độc ác và tàn bạo.

Sức khỏe và năng lượng quyện chặt với tình yêu tạo thành sức sống và lẽ sống của con người mới có ý nghĩa có ích thực sự cho đời.

Con người từ lúc mới cấu thành sống trong bào thai của mẹ và nối liền với đời bằng bầu sữa mẹ. Mẹ yêu con biết bao, mẹ nuôi con bằng tình yêu và con lớn lên trong tình yêu và bằng tình yêu. Đứa khỏe, đứa yếu, đứa nên, đứa hư… tất cả đều được mẹ yêu, mẹ quý và mẹ tha thứ…

Chính vì lẽ đó mà con người đồng nhất với tình yêu. Yêu cha mẹ, anh chị em, người thân cật ruột đến bà con dòng họ, xóm làng, quê hương và tất cả những giềng mối đó đã tạo thành Tổ quốc. Tổ quốc là Mẹ. Tình yêu đã nối kết con người với nhau không kể màu da, chung tộc và xứ sở.

Tình yêu quê hương và Tổ quốc phải được sinh ra và lớn lên trên cái nền của tình yêu cha mẹ và người thân. Như vậy, một móc xích nữa là con người phải gắn với một gia đình nhất định vì gia đình là cái tổ ấm đầu tiên nơi con người được sinh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên trong tình yêu. Không thể nói đến con người mà không nói đến gia đình.

Đứa trẻ sinh ra mà mồ côi hoặc không có cha mẹ ngay từ khi lọt lòng, nó sống và lớn lên trong một gia đình khác, hoặc trong một cô nhi viện thì tình yêu được hình thành trong nó khác với những đứa trẻ có cha có mẹ, có gia đình đầy đủ. Tình yêu đó được pha lẫn một nỗi hận đời hoặc một nỗi buồn cô đơn đi suốt cuộc sống cho đến lúc từ giã cuộc đời. Nếu đem mẫu hai con người này để nghiên cứu về mặt tâm lý, tình cảm, đặc biệt là cái TÂM (do tình yêu tạo thành) sẽ khác nhau.

Con người đồng nhất với tình yêu đó chính là cái TÂM. Cái tâm là tấm lòng biết yêu cái gì chân chính, yêu cái đẹp, cái hay, cái gì nở hoa cho đời và có lòng bao dung, tha thứ vượt lên trên cái bản tính thấp nhất của con người (được gọi là “con”).

Quá trình lớn lên và trưởng thành của con người là gắn liền với sự hình thành của cái TÂM, không ngừng gạn lọc cái ác có trong từng con người, gọi là cái TÀ. Cái TÀ nằm trong cái TÂM. Nếu cái TÂM thắng cái TÀ thì con người đó có tình yêu đích thực, có lòng vị tha rất lớn; và ngược lại, cái TÀ thắng cái TÂM.

Con người sinh ra, lớn lên và chết đi - từ một gia đình, một quê hương của mình hoặc một xứ sở khác - đều gắn bó và san sẻ nhau bằng tình yêu và cái tâm. Con người nguyên thủy hay con người hiện đại đều có mẫu số chung đó.

Con người hiện tại là sự nối tiếp của nhiều thế hệ xuyên suốt không gian, thời gian và ngày càng hiện đại hơn, nhưng tình yêu và cái tâm luôn là cái lõi, là linh hồn của cuộc sống.

Con người Việt Nam, Đại văn hào Việt Nam Nguyễn Du đã gửi gắm: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Gia đình Việt Nam có một truyền thống nối kết nhau qua mấy ngàn năm, cha mẹ, anh chị em, họ hàng, làng xóm với những thăng trầm của lịch sử chiến tranh hay hòa bình luôn sống có đạo, sống trung thực và chung thủy, “lá lành đùm lá rách”, sống có trên có dưới, nhường nhịn nhau và đùm bọc nhau tạo thành sức mạnh. Đó là TÌNH YÊU và chữ TÂM làm đầu.

Gia đình Việt Nam hiện tại đang sống trong một xã hội định hướng phát triển là “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh”. Xuất phát từ một nước nghèo, lạc hậu, lại đã trải qua mấy cuộc kháng chiến giữ nước; mặt bằng dân trí còn thấp, thu nhập bình quân đầu người mới thoát khỏi “cận nghèo” mà phải phấn đấu để trở thành một đất nước như định hướng nêu trên quả là không đơn giản. Vì hậu quả chiến tranh để lại trong mỗi gia đình Việt Nam nhiều uẩn khúc và bi kịch nhất là những gia đình ở miền Nam. Chính vì vậy, để xây dựng những gia đình Việt Nam trở thành những tế bào gốc của một cơ thể đã bị chiến tranh tàn phá, cả cái TÂM và cái TÌNH, đòi hỏi trước hết người lãnh đạo, người công bộc của dân bất kỳ ở cương vị và cấp nào phải thể hiện cái bản lĩnh chính trị thương dân như thương chính mình, phải vì dân mà quên mình, phải chí công vô tư, phải sống đời sống của dân, phải hiểu dân muốn nói gì; nói và làm là một và phải là tấm gương để dân soi, có vậy mới tạo dựng một mặt bằng xã hội như định hướng đã đưa ra và lớp trẻ mới noi theo làm theo.

Niềm tin của dân đối với Đảng đã được xây dựng trên xương máu của hàng triệu người, không thể đánh mất niềm tin đã có bằng sự mất chất của một số hám danh, trục lợi, ích kỷ, hẹp hòi ngồi trên đầu, trên cổ của dân, sống xa dân và sa đọa, làm thế hệ trẻ hôm nay thiếu tin tưởng và chệch choạng trên nước đường đi tới. Do đó, việc xây dựng gia đình ở Việt Nam trong giai đoạn hiện tại phải gắn liền với định hướng và phát triển của xã hội để tạo thành một môi trường trí tuệ và đầm ấm.

Xã hội Việt Nam hiện tại là một xã hội đa màu sắc, những luồng văn hóa từ nhiều nước đổ vào pha lẫn cái tốt, cái xấu, cái tinh hoa và cái cặn bã phần nào cũng làm cho bản sắc văn hóa Việt Nam bị mờ nhạt ở một số lĩnh vực. Văn hóa là sản phẩm của đời sống tinh thần của một dân tộc. Càng toàn cầu hóa bao nhiêu thì càng phải vun đắp cho bản sắc của chính dân tộc Việt Nam không bị phải màu.

Giáo dục gia đình là nền tảng để giáo dục lòng nhân, tại cái TÂM cho từng thành viên qua huyết thống, truyền thống của ông bà, cha mẹ, anh chị em; là những tấm gương cho các thành viên soi và noi theo. Những gia đình tan vỡ về tình cảm thường kéo theo hệ lụy là phần nhiều con cái sẽ gặp nhiều trắc trở trong lập thân và lập nghiệp. Nhà trường là nơi giáo dục và trang bị kiến thức, nghề nghiệp và góp phần cùng với gia đình hình thành nhân cách, tạo cái TÂM thắng cái TÀ. Xã hội là nơi phản ánh mọi thứ tốt xấu đan xen nhau. Cho nên, nếu giáo dục ở gia đình và Nhà trường xem nhẹ việc rèn luyện và hình thành cái TÂM thì sẽ bị mặt xấu của xã hội góp phần tạo cái TÀ lấn át cái TÂM.

Tóm lại cái TÂM được hình thành và không ngừng được vun đắp để xây dựng con người thành người phải trên cơ sở giáo dục của gia đình gắn liền với giáo dục và đào tạo của nhà trường. Đồng thời với việc tạo dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn mình, tình yêu được xây trên cái TÂM thắng cái TÀ và luôn biến đổi theo với gia đình, nhà trường và xã hội. Xã hội càng hiện đại bao nhiêu thì sự cám dỗ về vật chất càng lớn bấy nhiêu. Do đó, luật pháp phải bám sát cào thực tiễn cuộc sống để góp phần diệt cái TÀ để cái TÂM ngày càng thăng hoa.

Mỗi người Việt Nam ngày nay phải không ngừng học hỏi, trang bị cho mình những hiểu biết hiện đại để rồi “học người, làm thành của ta”. Cái hiện đại phải được Việt Nam hóa. Đó là xây cái TÂM Việt Nam trong xã hội hiện đại toàn cầu hóa phải trong sáng, gạn đục khơi trong và cốt cách Việt Nam (chất trầm hương Việt Nam) càng in rõ và đậm nét nổi bật không hòa lẫn với bất cứ cái TÀ ngoại lai nào.

Giáo dục nhân văn cho sinh viên Việt Nam trong thời đại kinh tế tri thức mang tính toàn cầu hóa về thị trường luôn là mấu chốt của từng gia đình gắn với nhà trường và xã hội.

Giáo dục nhân văn cho sinh viên phải gắn liền với việc làm và lập nghiệp. Sinh viên được trang bị kiến thức để có việc làm là một yêu cầu không thể thiếu được để xây dựng cái TÂM. Nếu chỉ làm những việc mang tính lao động chân tay là chủ yếu thì con người thường thụ động trước cuộc sống; làm để sống qua ngày thì việc lập nghiệp sẽ trở nên xa vời. Do đó, phải vừa trang bị kiến thức, vừa đào tạo nghề và một kỹ năng mềm mà cuộc sống đang cần. Việc lập nghiệp có phát triển bền vững hay không còn tùy thuộc vào cái nghề mà sinh viên đang có phải phù hợp với nhu cầu của xã hội từng thời điểm và khu vực cụ thể.

Giáo dục nhân văn cho sinh viên Việt Nam trong thời đại mà xã hội đang từng bước tiến tới hiện đại hóa, công nghiệp hóa và đòi hỏi phải làm cho sinh viên có ý thức và hành động nhằm phục vụ cộng đồng xã hội, thương mình, thương người, sống với cuộc sống mà đại đa số người dân đang sống, đang trăn trở và luôn có khát vọng công bằng, dân chủ, văn minh.

Sinh viên là lớp tri thức trẻ, là nền tảng và động lực cho phát triển xã hội. Do đó, phải hết sức tập trung giáo dục lớp trẻ từ gia đình đến nhà trường và xã hội làm cho lớp trẻ có cái TÂM: vì mình, vì người, luôn đặt lợi ích cho Tổ quốc lên trên hết và vì nhân dân mà phục vụ, mà hy sinh.

Phải thường xuyên chăm lo, đời sống vật chất (việc làm và lập nghiệp) và tinh thần của lớp sinh viên hiện tại. Làm cho sinh viên hiểu về truyền thống dựng nước và giữ nước của nhiều thế hệ xuyên suốt lịch sử dân tộc; học những gương anh hùng dân tộc; tiếp thu những truyền thống tinh hoa về phong tục, tập quán của dân tộc, dòng họ đối với ông bà, cha mẹ, anh chị em, trong quan hệ làng xóm, bạn bè, quan hệ giữa người với người, luôn khiêm tốn học hỏi cái hay cái đẹp, phải gạn lọc cái xấu, cái xa lạ với dân tộc từ nhiều phía xâm nhập vào, nhất là những thứ văn hóa đối trụy, bạo lực; những cặn bã đầu độc làm mất tính người, mất cái TÂM, tạo cái TÀ.

Giáo dục nhân văn cho sinh viên trong thời đại này phải bằng những gương người thật, việc thật từ gia đình đến nhà trường và xã hội; từ cấp lãnh đạo cao nhất đến người dân bình thường, tất cả vì mục đích tối thượng vì dân, vì nước, đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết, nói và làm gắn liền nhau, tạo niềm tin cho dân và đặc biệt là lớp trẻ, lớp sinh viên hôm nay và ngày mai.

(Lê Công Cơ)