English

Hợp tác & Hội nhập

Hội nghị FICAP: Bàn thêm về Hợp tác Đào tạo tại Việt Nam

Trong hai ngày 8, 9/8/2012 vừa qua, đại diện Đại học Duy Tân đã có chuyến tham dự hội nghị FICAP tại thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình được tổ chức năm đầu tiên tại Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh với chủ đề “Triển khai các chương trình hợp tác đào tạo cho các nước đang phát triển”. Đồng chủ trì hội nghị có AUT University, Auckland, New Zealand, Keuka Colledge (USA), Đại học Jiliang Trung Quốc, Đại học Uppsala Thụy Điển và một số trường đại học tại Việt Nam.

Với mục đích “Tìm hiểu giải pháp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác bởi các giá trị học tập chứ không phải là thương mại hóa trên cơ sở đa dạng văn hóa nhằm tạo ra cơ hội để học hỏi và trưởng thành”, hội nghị đã thu hút 30 bài tham luận đến từ các trường tham dự. Sau hội nghị, văn bản các tham luận trên sẽ được công bố trực tuyến trên Brown Walker Press với định dạng ebook để làm tài liệu nghiên cứu và tham khảo cho các tổ chức giáo dục, đào tạo. 


ThS. Nguyễn Đức Mận (thứ Tư từ trái sang) chụp hình lưu niệm tại Hội nghị

Đến với chương trình, ThS. Nguyễn Đức Mận - Quyền trưởng khoa Khoa Đào tạo Quốc tế - Đại học Duy Tân, đại diện cho nhóm tác giả trình bày tham luận:Những khó khăn trong việc triển khai các chương trình tiên tiến ở Việt Nam”. Qua đó, thầy Mận đưa ra ví dụ về những thành công của hoạt động này qua ba chương trình CMU, PSU, CSU tại Duy Tân. Tham luận nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ các diễn giả. Đây cũng là dịp để giới thiệu hình ảnh và chất lượng đào tạo của Đại học Duy Tân đến các trường bạn cả trong và ngoài nước.

ThS. Nguyễn Đức Mận nhận định:“Tham gia hội nghị lần này, Duy Tân được chia sẻ thông tin và tìm hiểu quan hệ hợp tác qua kênh trao đổi giáo viên để phát triển chương trình tiên tiến, đồng thời có cơ hội nhận được lời mời tham gia những hội thảo liên quan đến các vấn đề đào tạo mang tầm quốc tế.” ThS. Mận cho biết thêm: “Điều đáng quý nhất là chúng ta biết được các trường khác đang làm gì để học hỏi nhằm có những điều chỉnh tốt nhất và mở rộng đầu ra cho các chương trình du học 1+1+2, 2+2, 3+1 tại Duy Tân.”

Được biết, đây là sự kiện sẽ diễn ra thường niên nhằm triển khai một mạng học thuật chia sẻ và trao đổi giảng viên giữa các trường có đào tạo chương trình tiên tiến. Vấn đề lớn nhất mà hội nghị đặt ra trước tình hình giáo dục nước ta hiện nay là làm thế nào để xây dựng được chương trình tiên tiến phù hợp với người học Việt Nam và tiến xa hơn nữa đến việc xây dựng chương trình tiên tiến của Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài. Đây vẫn là niềm trăn trở cần sự quan tâm và đầu tư lâu dài. Phát huy thành tựu bước đầu với ba chương trình tiên tiến đến từ các đại học hàng đầu tại Mỹ, hy vọng rằng Đại học Duy Tân sẽ có những đóng góp nhất định ở lĩnh vực này.
 
(Truyền Thông)